Cuối ngày 20-10, những người mẹ, người bà đơn độc ở xóm trọ đón một cái lễ không hoa quà, lời chúc. Họ nhìn về quá khứ những ngày có công ăn việc làm ổn định, hi vọng cuộc sống sớm bình thường trở lại sau 4 tháng dịch bệnh hoành hành tại Sài Gòn.
Chiều mưa, chúng tôi đến thăm dãy trọ nằm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nơi đây có hàng trăm hộ dân là lao động tự do đủ ngành nghề tại thành phố. Xóm trọ lụp xụp, nóc tôn ẩm mốc, cô Bích, cô Chín và cô Ánh đã sống ở đây trên dưới chục năm. Vì hoàn cảnh gia đình, có người chọn rời xa quê hương, người thân để tự thân mưu sinh bằng đủ nghề tay chân.
Dịch bệnh ập đến xóm trọ nghèo, cô Bích buồn rầu kể, những người cùng cảnh giờ như cá mắc cạn, thoi thóp qua từng ngày. “Bữa ăn có chút bí bầu, mắm ruốc, canh mì tôm, hôm nào xịn hơn thì có cá khô, tất cả là do mọi người san sẻ nhau mà có. 4 tháng vừa qua cô chôn chân trong nhà, không dám ra ngoài, cũng may khu trọ của cô là vùng xanh không có F0. Ai nấy cũng khỏe mạnh nên cũng đỡ lo”.
Cô Bích trong căn phòng trọ chất đầy phế liệu nhặt được mỗi ngày
Cô kể, người chị chung phòng với cô giờ đã về quê, những phòng xung quanh cũng cuốn gói theo dòng người hồi hương, chỉ có cô là chọn ở lại, vì lẽ cô không có tiền, không có xe để về. Cô trầm buồn nói: “Trước đây cô lên phố làm công cho người ta kiếm được vài đồng sống qua ngày, không nhiều mà vui, giờ dịch tràn lan, cô bó tay bó chân không làm được gì mà cũng không dám về, con cái giờ đi lấy chồng hết, nó cũng thất nghiệp như mình, chồng thì đã thôi từ lâu rồi. Nói không về vì không có tiền nhưng thực chất là không có nơi để về, giờ ráng ở đây đợi người ta thuê lại mình đi làm kiếm tiền tiếp”.
Ngày 20-10 dành cho những bóng hồng dần trôi qua, chúng tôi hỏi cô hôm nay có nhận được quà gì từ con cái không? Trái với những ý nghĩ ban đầu, cô hỏi ngược lại: “Hôm nay là ngày gì vậy con?”. Cô cho biết đã từ rất lâu cô không gặp mặt gia đình của mình, những ngày sống ở xóm trọ chỉ mong cầu được đổi một chỗ ở tốt hơn, không phải cầm cố cái này cái kia, đụng gì cũng bán để trang trải cuộc sống nữa. “20-10 hay 8-3 cô quên từ lâu rồi, với cô chỉ có ngày cuối tháng trả đủ thứ tiền là không quên thôi”, cô nói rồi nhìn vô định…
Cùng hoàn cảnh như cô Bích, cô Chín cũng chọn sống một mình, giấu gia đình để tự do làm điều cô thích. Bằng tay nghề của mình, trước dịch cô thường đi nấu ăn cho các hội nhóm thiện nguyện và giúp đỡ mọi người xung quanh khi có quà quê từ mạnh thường quân tặng. “Cô Chín cũng đi lượm ve chai, nhặt linh kiện điện tử để bán, vậy mà hôm nào cô nhặt được đôi dép hay món gì còn xài tốt, cô Chín cho cô để xài, như đôi dép nhựa này nè, tốt ghê đó con”, cô Bích vui vẻ kể về cô Chín. Sau dịch, vì quán quen chưa mở bán trở lại, không cần người phụ nên cô Chín đổi nghề sang cùng chị em trong xóm đi lượm ve chai kiếm thêm tiền trả điện nước.
Công việc thường ngày của cô Bích cùng người dân ở xóm trọ nghèo
Thấy vậy, cô Bích cũng đổi từ nghề phụ bếp ăn sang nhặt ve chai vì nơi làm việc cho nghỉ đợi sang năm mới hoạt động bình thường. Cô sắm thêm cái nón, cán chổi nhôm và một bao ni lông to bự để hành nghề đồng nát. “Cô đi làm cũng khoảng 20 ngày nay, nhặt bán 1kg giấy được 3.000-6.000 cũng đỡ thêm tiền. Bình thường người ta nhặt ban ngày để tối nghỉ, cô chỉ dám đi ban đêm từ khoảng 12 giờ đêm đến 2-3 giờ sáng vì cả ngày nhặt không lại người ta. Tối tối cũng sợ lắm mà đi chung với bà con trong xóm cũng đỡ sợ”, cô tâm sự.
Cô tính nhẩm tiền trọ tháng này nữa là nợ 3 tháng hơn, nếu chỉ nhặt ve chai thì không đủ gồng gánh tiền sinh hoạt phí, nhà còn gì cũng đi cầm hết rồi vậy chỉ mong quán cũ quán mới cần người phụ để cô làm nghề lại bình thường. May mắn hơn cô Bích, cô Phạm Ngọc Ánh quê Bình Dương cầm cự cùng 2 con ở Sài Gòn chứ không tháo chạy về quê, cô đã đi làm trở lại, nhưng cô cho biết miệng ăn 3 người chát quá, tấm thân gầy cô lo không đủ gồng gánh thêm.
Cuộc trò chuyện thăm hỏi mỗi ngày vơi đi nỗi buồn của người dân nơi đây
Nghĩ về tương lai, cô Bích tặc lưỡi lo ngày tháng Tết đến, cô Chín sợ dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, “Tết lại về trên mọi miền quê, nhìn vui đó con nhưng không có tiền thì buồn lắm, nên giờ cô ráng làm nè, tới đâu hay tới đó, có mắm ăn mắm có rau ăn rau, miễn mình khỏe mạnh mỗi ngày là được”…