"Một khi gom dịch vụ "nhạy cảm" để quản lý, tôi nói thật rất nhiều người hiện nay họ có sử dụng dịch vụ ấy thì trong số đó sẽ rất nhiều người không dám, đặc biệt cán bộ công chức" - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói.
Sáng 26.10, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất cho một số thành phố trọng điểm thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" vào một khu vực để tăng cường quản lý.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho hay: Khi đi một số nước trên thế giới, thấy nước họ có đưa những hoạt động "nhạy cảm" vào khu phố nhằm để quản lý tốt hơn.
"Đối với một số người hành nghề dễ mắc bệnh tật, họ sẽ được khám, chữa bệnh. Như vậy, thứ nhất là quản lý người hành nghề, thứ hai là quản lý cả cán bộ công chức. Cán bộ công chức nếu "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề" - ĐB Tiến nói.
Ảnh minh họa.
Cũng theo ĐB Tiến, luật của nhiều nước không thừa nhận dịch vụ "nhạy cảm", nhưng do đây là một thực tế tồn tại trong xã hội nên mỗi nước vẫn phải có giải pháp. Một số quốc gia đưa giải pháp mềm như gom dịch vụ "nhạy cảm" vào khu riêng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, đối với dịch vụ "nhạy cảm", khi dùng nhiều biện pháp cấm mà trong thời gian dài không xử lý được thì cần phải tính lại.
"Một là phải quyết tâm làm triệt để. Hai là phải có những biện pháp cho tồn tại để quản lý sẽ hiệu quả hơn. Nếu những hoạt động kiểu "nhạy cảm" cứ tồn tại, dùng quá nhiều biện pháp mà không làm được, không quản lý được thì phải có biện pháp thu gom vào đâu đó, ban hành những điều khoản quy định để quản lý thì xã hội sẽ tốt hơn" - ĐB Vinh bày tỏ.
Theo quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), trước hết phải xem mục đích gom dịch vụ "nhạy cảm" là gì.
"Nếu để hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ rồi bảo vệ thuần phong mỹ tục, thì phải tìm phương thức, phương tiện để thực hiện mục đích đó đạt kết quả tốt nhất. Với dịch vụ "nhạy cảm", nhiều nước đã dùng đến biện pháp gom lại và quản lý" - ĐB Nghĩa cho hay.
ĐB Nghĩa lấy ví dụ, ở Hà Lan, vấn đề ma tuý, họ gom lại theo dạng có một số địa điểm nhất định cho người vào đó được dùng, tuy nhiên chỉ cho dùng ma tuý nhẹ, còn sử dụng bên ngoài trừng trị rất nặng. "Ở Hà Lan cũng có "khu vực đèn đỏ", nhưng có ai dám nói ở Hà Lan thuần phong mỹ tục băng hoại không, có ai dám nói công dân, phụ nữ của họ bị đối xử tệ hại không?" - ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia phát triển cao, có điều kiện nhân quyền cao, tiêu chuẩn sống cao, luật pháp nghiêm minh, nhưng họ chọn phương án gom dịch vụ "nhạy cảm" lại để quản lý.
"Một khi gom dịch vụ "nhạy cảm" để quản lý, tôi nói thật rất nhiều người hiện nay họ có sử dụng dịch vụ ấy thì trong số đó sẽ rất nhiều người không dám, đặc biệt cán bộ công chức" - ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa cho biết thêm, nước ta trong mấy chục năm qua đã vượt lên rất nhiều. Có những vấn đề trước đây không thừa nhận, nhưng bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện trong 8 tháng đầu năm 2015, do Bộ LĐTB&XH tổ chức, ông Lê Văn Quý - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM - đề xuất, Chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý. Tại đây, người lao động trong các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được đảm bảo quyền lợi, được hưởng lương và người lao động được pháp luật bảo vệ. Họ sẽ được khám sức khỏe định kỳ, được tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tránh lây truyền bệnh HIV/AIDS... |