Hà Nội: Hiểm họa từ việc rác chiếm lòng đường

Ngày 09/03/2015 09:59 AM (GMT+7)

Vụ tai nạn ngày 27/2 khi xe tải chở hoa quả đâm hàng loạt xe chở rác trên phố Trần Nhật Duật (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã làm dấy lên làn sóng phản ứng. Người ta lo ngại việc xe rác, xe thu gom rác đỗ tràn lan ở lòng đường gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh và nguy hiểm.

Rác lấn vỉa hè, trạm xe buýt

Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP Hà Nội) cho biết, vụ tai nạn giữa xe tải chở hoa quả gặp sự cố rồi va vào hàng loạt xe chở rác trên phố Trần Nhật Duật ngày 27/2 đang được tổ khám nghiệm, Công an quận Hoàn Kiếm làm rõ nguyên nhân. Theo ông Quỹ, tình trạng xe chở rác, gom rác chạy sai giờ, đỗ tràn lan đang gây bức xúc cho người dân, người tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây mất an toàn giao thông. Hiện trên địa bàn Hà Nội có tới cả ngàn điểm tập kết, trung chuyển rác. Phần lớn các điểm này được bố trí ở lòng đường, vỉa hè các trục giao thông. Dù thuận tiện cho việc thu gom nhưng việc đỗ, đậu tràn lan cũng gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Khảo sát của PV Báo GĐ&XH cho thấy, tình trạng rác thải tập kết ngay ở lòng đường, cạnh các trạm dừng xe buýt, bệnh viện, thậm chí trước cổng trường học diễn ra phổ biến tại nhiều con đường, tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.

Tại khu vực quận Hà Đông thời điểm hơn 17h hằng ngày, từ trục đường chính đến các con ngõ nhỏ, hình ảnh những xe thu gom với lượng rác thải đầy ứ, cao ngất ngưởng các túi nilon đủ màu, bọc to, bọc nhỏ, “di động” trên đường là hình ảnh không mấy xa lạ. Ngay tại ngã tư trên đường Tô Hiệu, cạnh chợ Hà Đông, gần chục xe thu gom rác ngày ngày vẫn nằm chình ình chiếm một diện tích không nhỏ của con đường này. Theo phản ánh của người dân trong khu vực, ngã tư này đã trở thành điểm tập kết, trung chuyển rác thải từ nhiều năm lại đây. Việc trung chuyển rác diễn ra vào khoảng 17h30 hàng ngày, trùng với giờ tan tầm và giờ đi chợ của nhiều hộ dân. Cách điểm tập kết này chưa đầy 50m là trạm dừng xe buýt, tập trung nhiều học sinh, sinh viên, càng khiến việc đi lại qua nút giao thông này trở nên lộn xộn.

Cách đó không xa, một điểm tập kết các xe thu gom rác cũng khiến nhiều hộ dân bức xúc là điểm gần chợ Yên Phúc (Phúc La, Hà Đông). Điểm tập kết rác này nằm ngay trên con đường vào chợ, chỉ cách nhà dân và một số kiốt trong chợ chừng 5-7m gây cản trở đến việc đi lại của người dân. Chị Đặng Thị Dung (Văn Quán, Hà Đông) thường xuyên đi qua khu vực này cho biết: “Cứ khoảng 18h hằng ngày, gần ngã ba phố Yên Phúc và phố Bạch Thái Bưởi, ai đi qua đây đều gặp phải những xe rác nằm ngay sát lối đi. Đường vào chợ đã nhỏ, xe rác lại không được xếp gọn gàng, rất nhiều lần tôi phải đứng chờ một lúc lâu mới đi qua được đoạn này”.

Hà Nội: Hiểm họa từ việc rác chiếm lòng đường - 1

Chiếc xe chở rác chiếm gần 1/2 đường Chiến Thắng (Hà Đông) vào giờ cao điểm. Ảnh: M.A

100m có tới 2 điểm tập kết rác

Trên nhiều tuyến đường như Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), Giải Phóng (Hoàng Mai)... cứ khoảng 100m lại xuất hiện một điểm tập kết xe rác thải. Các xe rác nối đuôi nhau án ngữ trên đường, có nhiều xe còn bố trí tùy tiện làm vướng và che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Nhiều tuyến phố khác trong nội đô cũng không là ngoại lệ. Đặc biệt là vào giờ cao điểm, không khó để bắt gặp hình ảnh những công nhân đẩy những xe rác cồng kềnh chen chúc cùng dòng  người. Đường chật, người đông vậy mà người tham gia giao thông vẫn phải “nhường đường” cho các điểm tập kết rác lấn chiếm. Theo ghi nhận của PV trên đường Chiến Thắng (Hà Đông) thời điểm 18h chiều 7/3, những chiếc xe gom rác nối đuôi nhau dài vài chục mét, việc trung chuyển rác từ những chiếc xe đẩy lên ô tô chở rác diễn ra gần 20 phút trên đường, chiếm gần như một nửa làn đường của các phương tiện lưu thông qua đoạn này, ách tắc là điều khó tránh khỏi.

Khu vực đường Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) là một ví dụ điển hình của việc tập kết rác với mật độ dày đặc. Mỗi chiều tối, án ngữ ngay ngã ba Dương Quảng Hàm - Nguyễn Khánh Toàn là cả chục chiếc xe rác chất đầy ự, cao chót vót. Vỉa hè và lòng đường xe rác đẩy tay đỗ lổn nhổn trên phần diện tích cả trăm mét vuông. Mỗi khi xe tải chở rác chuyên dụng đến “ăn rác” thì con phố nhỏ này ngay lập tức rơi vào cảnh bị “đánh chiếm”. Lòng đường đã hẹp nay càng hẹp hơn, dòng xe cộ từ trong phố Dương Quảng Hàm rẽ ra hai phía của đường Nguyễn Khánh Toàn bị đụng đầu với dòng xe hai phía từ phố Nguyễn Khánh Toàn rẽ vào. Ngã ba này chỉ được giải phóng khi đống xe rác đẩy tay được xe tải lớn lấy hết rác. Thời gian cho mỗi đợt nhập rác này cũng ngót nghét từ 30 phút trở lên. Điều đáng nói là cách đó không xa chừng 100m, trên phố Nguyễn Khánh Toàn đoạn gần điểm xe buýt chạy ra cầu Dịch Vọng cũng bị hàng loạt xe rác chiếm dụng. Mặc dù giờ gom rác ở điểm này nằm ngoài giờ tan tầm nhưng việc xe rác tập kết một cách dầy đặc cũng khiến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị bị uy hiếp, ảnh hưởng.

Con đường nhỏ hẹp, trước cổng khu chung cư cũng có thể trở thành điểm tập kết rác, đó là trường hợp điểm rác trên đường Xã Đàn 2 (Nam Đồng, Đống Đa). Không ít người đã phải ngao ngán, thở dài, bịt mũi qua đoạn đường do rác “chiếm giữ” này. Chị Lê Thị Hồng, sống ở tòa nhà Cland cạnh đó cho biết: “Mỗi ngày đi làm về đều gặp mấy xe chất đầy rác đậu trước cổng. Ngày nắng thì mùi bốc lên nồng nặc, khó chịu, ngày mưa thì nước từ các xe rác chảy lênh láng, đen ngòm, đi lại cũng thấy bất tiện”.

Rất nhiều khu vực công cộng ở các quận nội thành cũng bị biến thành các điểm tập kết rác “bất đắc dĩ” như cổng trường, bệnh viện, cạnh công viên, điểm dừng xe buýt… “Nhiều lúc tắc đường, đứng đợi xe buýt còn bị “tra tấn” bởi mùi hôi khó chịu từ các xe chở rác đậu ngay cạnh”, chị Đỗ Thu Trang, sinh viên ĐH Hà Nội thở dài.

Theo Minh Anh - Mai Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot