Cùng với nhiều bạn trẻ khác, Bảo Trâm và Phương Lam trở thành những tình nguyện viên không thể thiếu của Sài Gòn. Họ tự tay chăm sóc những đứa trẻ không may có mẹ là F0, những sản phụ F0 “đẻ rớt” trên đường tới bệnh viện…
Mới 18 tuổi, vừa thi đậu vào trường đại học mình yêu thích, Đinh Hoàng Bảo Trâm đã có thời gian trải nghiệm làm tình nguyện viên tại khoa Sản bệnh - Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Trải qua công việc cụ thể như chăm sóc sản phụ, làm các giấy tờ, thủ tục nhập viện cần thiết với sản phụ khỏe mạnh và nghi nhiễm với COVID-19, cô nàng khẳng định đây chính là những kỉ niệm không thể quên ở tuổi "mới lớn" của mình.
Chia sẻ về quyết định xung phong làm tình nguyện viên vào thời điểm đang đỉnh dịch, Bảo Trâm cho biết sau khi thi tốt nghiệp, tự nhận thấy có nhiều thời gian rảnh rỗi và bệnh viện thì đang thiếu nhân lực vì y bác sĩ được điều động phần lớn đến các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, nên cô nàng đã tự tìm thông tin và đăng ký trở thành tình nguyện viên qua group trên mạng xã hội tên “GO VOLUNTEER”.
“Ban đầu em chưa quen công việc cũng như lối đi trong bệnh viện, công việc thì khá áp lực nếu trực ca đêm vì mình chưa từng có kinh nghiệm chăm sóc sản phụ hay em bé. Thậm chí có lần em chứng kiến những ca F0 đẻ rớt trên đường chuyển đến phòng sanh, em bất ngờ hồi hộp và có phần lo sợ vì đây là lần đầu nhìn thấy cảnh vượt cạn, may mắn là mẹ tròn con vuông”, Trâm tâm sự. Và vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Trâm nhanh chóng bắt nhịp công việc và hoàn thành tốt trong suốt thời gian ở bệnh viện.
Trâm làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Hùng Vương.
“Những ca làm từ 7g30 đến 16g30, hay những lúc trực đêm thì khối lượng công việc đều rất lớn. Có vào đây em mới hiểu những hi sinh cũng như đóng góp của đội ngũ y bác sĩ. Lúc này không chỉ là giữ sự sống cho một người mà còn em bé trong bụng nữa”, Trâm nói.
Khi biết tin Trâm đăng ký làm tình nguyện viên ở tuyến đầu, cô nàng cũng đã gặp nhiều ngăn cản từ phía gia đình, Trâm kể: “Em đã thuyết phục bố mẹ, giúp họ yên tâm hơn vào quyết định của em. Em đã tiêm một mũi vaccine, còn trẻ, sức khỏe tốt và không có bệnh nền nên em muốn vào đây để cống hiến. Đây cũng là nơi em đã sinh ra nên em mong mình sẽ làm một điều gì đó ý nghĩa vào lúc này”.
Trâm điều trị COVID-19 tại khu cách ly
Tuy nhiên, điều không may đã xảy đến với Trâm khi cô phát hiện mình dương tính với COIVD-19 trong một lần xét nghiệm định kỳ nhân viên bệnh viện. “Lúc có kết quả, em đã thật sự rất sốc, nhưng vẫn bình tĩnh để lên phương án chuẩn bị chuyển đến Bệnh viện thu dung số 8. Gia đình em lúc ấy cũng rất lo lắng, có người cũng trách móc vì quyết định làm tình nguyện của em. Nhưng hơn hết em hiểu, tất cả xuất phát từ tình yêu thương của mọi người dành cho em. Khi đến bệnh viện cách ly, em đã được động viên và quan tâm rất nhiều từ những người thân đến người xa lạ. Cảm giác ấm áp lắm ạ”, Trâm xúc động kể.
Trâm cho biết, sau khi có kết quả âm tính, cô sẽ tiếp tục quay lại bệnh viện để làm việc cho đến khi trường có thông báo nhập học.
Là gương mặt tình nguyện quen thuộc tại chốt kiểm dịch ở quận 3 và quận Gò Vấp, Lê Thị Phương Lam chỉ mới 18 tuổi đã hăng hái tham gia làm “bảo mẫu” cho những em bé vừa lọt lòng không may có mẹ đang là F0. Lam kể: “Em tình cờ biết đến trung tâm H.O.P.E qua những anh công an đang làm nhiệm vụ tại chốt, xuất phát từ tình thương các bé nên em đăng ký xin làm tình nguyện viên chăm sóc cho các em nhỏ chứ không nghĩ gì đến những nguy hiểm hay khó khăn”.
Với tính chất công việc, Lam phải ở lại sinh hoạt tại trung tâm chứ không được về nhà, nhiều bỡ ngỡ là thế, nhưng với Lam: “Chỉ cần có tình thương với bé thì mọi thứ sẽ trở nên bình thường”.
Hình ảnh Lam tại trung tâm H.O.P.E
Chưa có kinh nghiệm chăm trẻ cũng không được học qua trường lớp nào, Lam vẫn thành thạo việc cho bé bú, tắm rửa, vệ sinh, ngoài những ngày thức đêm vất vả, mọi cảm giác với Lam đều rất bình thường. Cô nàng kể: “Em cảm thấy đặc biệt nhất là lúc cho bé bú, kiểu như bé vừa bú lại vừa ngủ, miệng cứ nút nút hoài mà vẫn ngủ, trông rất yêu”.
Được biết, những em nhỏ có mẹ là F0 khi vừa lọt lòng sẽ được chuyển đến trung tâm để chăm sóc theo dõi, trừ khi có gia đình tới đón, bé sẽ không được gặp mẹ hay người thân trong suốt quá trình ở đây. Lam cho biết, tùy trường hợp mẹ sớm hay muộn khỏe bệnh sẽ đến đón con về nhà, có khi các bé được mấy tuần tuổi, có khi một tháng hoặc hơn tháng cũng có. Gắn bó với các bé từ những ngày đầu đời, khoảnh khắc vui nhất đối với những bảo mẫu ở đây có lẽ là nhìn các con được sớm về nhà đoàn tụ với gia đình của mình. “Em nhớ nhất vẫn là nụ cười của các bé và kỉ niệm với những chị bảo mẫu khác cùng phòng với em. Tuy vậy em đã không thể gắn bó ở đây lâu hơn vì phát hiện mình dương tính với COVID-19”, Lam nhớ lại.
Sau khi nhiễm bệnh, Lam đã xin về nhà để tự cách ly và chiến đấu vượt qua. Cô gái nhỏ người đầy năng lượng cho biết: “Em không sợ dù mình là F0 vì đã đi chống dịch thì phải chuẩn bị tinh thần bất cứ lúc nào”.
Lam cũng chia sẻ thêm, sau khi khỏi bệnh, cô nàng sẽ tiếp tục đăng ký tham gia tình nguyện viên ở các khu vực cách ly hoặc bệnh viện dã chiến để chăm sóc những F0 khác, tiếp tục chia sức cùng tuyến đầu trong trận chiến này.