Mặc dù trúng số nhưng hai người đàn ông này vẫn không được lĩnh giải.
Người đàn ông không được lĩnh thưởng vì hành động vô ý của đứa cháu
Gia đình ông Dương Văn Tùng (SN 1964, An Giang) vốn sống cảnh màn trời chiếu đất, không có nổi tấc đất cắm dùi. Họ quanh năm sống bằng nghề ai thuê gì làm đó, thậm chí có đợt thất nghiệp phải chịu cảnh nhịn đói nhịn khát
Một lần, ông Tùng mua ủng hộ người bán vé số một tờ giá 10.000 đồng với hi vọng may mắn sẽ mỉm cười với gia đình mình. Chiều đó, ông vỡ òa sung sướng sau khi biết mình trúng giải phụ đặc biệt 100 triệu đồng - số tiền không hề nhỏ đối với gia đình ông.
Thậm chí ông Tùng không kìm nén nổi xúc động đã hò reo khiến con cháu trong nhà xúm lại giành nhau xem tờ vé. Thế rồi, đứa cháu gọi bằng cậu đang học đại học năm 2 vô tình làm rách tờ vé thành đôi. Lúc ấy không chỉ vợ con ông bàng hoàng mà đứa cháu cũng tím tái mặt mày.
Bản thân ông Tùng tại thời điểm đó cũng cố gắng trấn an mọi người, đặc biệt là người cháu để cháu không nghĩ quẩn làm bậy. Bởi người cháu đã buồn bã, lánh mặt mọi người, thậm chí có ý định bỏ học lên Bình Dương làm công nhân để kiếm tiền đền bù 100 triệu đồng cho cậu. “Trời cho 100 triệu đồng, gia đình tôi ai nấy đều mừng rỡ vì nghĩ sẽ trả được số nợ 50 triệu đồng cả chục năm nay. Vây mà chúng tôi bỗng chốc mất sạch”, người đàn ông An Giang từng chua xót.
Tờ vé số rách của ông Tùng.
Hàng xóm thấy vậy có ý định giúp đỡ gia đình ông Tùng tìm cách để công ty xổ số cho lĩnh thưởng bởi ông đã quá khổ. Tất cả người dân có mặt tại nhà ông khi ấy đã ký vào tờ tường trình vụ việc, sau đó nhờ chính quyền địa phương xác nhận với hi vọng công ty xổ số thương tình giúp đỡ. Tuy nhiên công ty xổ số căn cứ vào quy định trả thưởng in ở mặt sau của tờ vé số, quyết định không trả thưởng.
Đại diện công ty xổ số cho biết, theo quy định trả thưởng ghi ở mặt sau của mỗi tờ vé số, từ vé số trúng thưởng phải còn nguyên hình, nguyên số không rách rời, không chắp vá. Vì thế tờ vé số của ông Tùng rách thành hai nên công ty không thể giải quyết cho nhận thưởng.
Lãnh đạo xã Mỹ Khánh (Long Xuyên) - nơi gia đình ông Tùng sinh sống cho biết, gia đình ông Tùng làm người đàng hoàng, lại chăm chỉ làm ăn nhưng mãi không thoát nghèo. Do đó chính quyền rất hi vọng ông có thể được lĩnh thưởng 100 triệu đồng song công ty xổ số làm theo đúng quy định, không thể trao thưởng.
Người đàn ông suy sụp khi không được lĩnh thưởng vé số trúng giải nhất
Cách đây hàng chục năm, anh N.V.H (SN 1972, Long An) trong lúc ngồi sửa xe cho khách đã được một người phụ nữ bán vé số dạo lại gần mời mua 2 tờ của đài Sóc Trăng loại 10.000 đồng với dãy số 324272.
Trưa hôm sau, trong lúc ngồi uống cà phê tại nhà, anh H chợt nhớ đến 2 tờ vé số mua chiều qua. Anh vội vàng nhờ vợ lấy điện thoại bấm kết quả xem sao? Anh hỏi vợ hai số sau của các giải có số 72 hay không? “Bà xã tìm một lúc rồi nói với tôi rằng thôi đem bỏ vào sọt rác đi, anh mua vé số chẳng bao giờ trúng cả. Tôi tin lời vợ nên cuộn tròn, ném vào đống rác 1 tờ rồi đốt, tờ còn lại xé rách một bên và ném ra đường”, anh H nhớ lại.
Anh H thẫn thờ ngồi bên đống rác đã được đốt.
Chừng 10 phút sau, chị bán vé số đi xe đạp tới nhà anh H thông báo 2 tờ vé của anh đã trúng giải nhất, trị giá 30 triệu đồng/giải – số tiền “không phải vừa” vào thời điểm đó. Lúc này vợ chồng anh như người mất hồn, vội lao ra đường tìm trong đám cỏ thì thấy một tờ vé số rách ở góc, nhàu nát. Thậm chí anh còn chạy lại đống rác đã đốt để lục tìm với hi vọng “trời thương” mà nó còn vẹn nguyên. Song anh lục tìm chỉ còn lại… tro tàn.
“Thế là 30 triệu đồng đã theo ngọn lửa bay đi. Còn tờ rách góc như vậy có lẽ sẽ không được nhận bởi theo quy định của pháp luật, vé số trúng giải phải lành lặn. Sự việc ấy đã khiến cha tôi suy sụp tinh thần, nằm suốt cả ngày. Ông tiếc bởi thương con làm mãi đâu có tích cóp được số tiền lớn như vậy.
Về phía vợ chồng tôi, cả hai đều tiếc đứt ruột nhưng lỗi do mình không dò kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định vứt bỏ thì phải chấp nhận. Nếu tôi tự tay kiểm tra thì có lẽ cuộc sống đã thay đổi, sung sướng hơn rồi”, anh H thành thật tâm sự.
Một số người sống gần nhà anh H cho biết, anh H vốn làm nghề sửa xe máy, còn chị vợ bán cà phê vỉa hè. Hai vợ chồng quần quật làm lụng nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ tạm đủ ăn uống hằng ngày.
“Họ nghèo nhưng sống chân thành và tốt tính lắm. Hễ ai trong xóm có việc gì cần giúp là sẵn sàng lao vào làm mà không hề nghĩ đến lợi ích gì cả. Thậm chí anh ấy còn bảo nếu tờ vé số bị rách được đài Sóc Trăng trao giải sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu thiết đãi tiệc người trong ấp và giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn”, người hàng xóm của gia đình anh H cho biết.