Có tiền nhờ trúng độc đắc, hai người miền Tây này đã vướng phải kiện tụng để phân chia tài sản.
Ai cũng ước ao được trúng số độc đắc để "đổi đời", có vốn làm ăn - xây dựng kinh tế gia đình phát triển hơn nữa. Song thực tế có mấy ai "nói được làm được", hầu hết đều ăn chơi trác táng, tiêu tiền không tiếc tay. Thậm chí có người còn thay đổi tính nết, ham sắc mà quên đi người phụ nữ đi cùng năm tháng khổ hạnh. Điển hình như 2 trường hợp dưới đây.
Vợ chồng lôi nhau ra tòa ly hôn vì tiền
Anh T và chị H.T.G ở An Giang nên nghĩa vợ chồng khi cả hai không nghề nghiệp, không tấc đất cắm dùi. Vì thế họ đã bàn bạc nhau đi bán vé số kiếm cơm qua ngày.
Anh T dù là trụ cột trong nhà nhưng đau ốm quanh năm nên mọi lo toan đều một tay chị G lo liệu. Chị thấy chồng bệnh tật nên xót xa, chấp nhận cáng đáng tất cả, bao gồm tiền thuốc men mỗi tháng vài triệu. Chị tranh thủ lúc còn khỏe miệt mài đi bán vé số với hi vọng được tờ nào hay tờ đó, chỉ cần không ế là có tiền.
“Tôi cậy mình khỏe hơn người ta nên ngày nào cũng lấy 200 tờ rồi đi khắp huyện mời chào người mua. Bán hết vé, tôi lại tất tả quay trở về đại lí lấy hàng để ngày mai đi bán. Nhờ chăm chỉ nên tôi cũng tích cóp được kha khá tiền”, chị G nhớ lại.
Thấy vợ tần tảo sớm hôm, anh T gắng gượng dậy lấy hàng đi bán cho ra dáng trụ cột gia đình. Hôm ấy, anh ôm tập vé đi bán nhưng lại ngủ quên trong quán cà phê. Khi nghe tiếng đài phát thanh thông báo mở thưởng, anh giật mình tỉnh dậy, hốt hoảng chạy tới đại lý trả hàng nhưng đã quá giờ quy định.
Căn nhà mới của chị G sau khi chia tay chồng không hôn thú.
Người đàn ông chán nản vì lâu lắm mới đi kiếm tiền phụ vợ đã xảy ra chuyện này! Song anh bất ngờ vỡ òa khi phát hiện trong tệp vé có tới 20 tờ trúng giải đặc biệt và 20 tờ giải an ủi của đài Cần Thơ.
“Ông ấy đã trúng số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Người ta ghen tị với tôi khi đổi đời trong chốc lát nhưng có ai biết chính may mắn này đã khiến gia đình tôi tan nát”, chị G xót xa.
Theo đó khi có tiền trong tay, anh T bắt đầu thay đổi bản tính. Nếu trước khi anh yêu thương vợ, luôn mong có tiền để xây dựng tương lai thì giờ đây lại có suy nghĩ ích kỷ, muốn ôm trọn số tiền trúng số.
Hằng ngày, anh T đều hắt hủi chị G một cách không thương tiếc. Anh lấy mọi cớ để trách móc, xỉ vả miễn sao vợ thấy xấu hổ, nhục nhã mà ra khỏi nhà.
Không chịu được cảnh chồng hắt hủi vô cớ, chị G quyết định khăn gói bỏ về nhà đẻ. Ngày chị ra đi cũng là lúc gã chồng tệ bạc dắt người phụ nữ khác về nhà. Sau đó, hắn đập bỏ căn nhà cũ đi, xây một ngôi nhà khang trang và rộng lớn hơn.
“Nực cười lắm! Ông ta đã vậy, họ hàng bên nội cũng hùa theo, chẳng ai biết phân biệt đúng sai gì cả. Vì họ được ông ta tặng cho mỗi người một tờ vé số. Tôi uất ức quá nên không chịu được, quyết định đâm đơn ra tòa để được phân chia tài sản”, người phụ nữ miền Tây nói.
Ngày ra tòa, hai người đều chạm mặt nhau nhưng không ai nhìn mặt ai. Họ coi nhau còn không bằng người lạ, thậm chí hai gia đình còn xỉa xói nhau ngay tại đó.
Chị G và anh T chung sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không có hôn thú, vì thế hội đồng xét xử không công nhận là vợ chồng. Song họ lại có tổ chức đám cưới và số tiền 1.4 tỷ đồng trúng số còn lại là tài sản có được trong thời gian chung sống nên tòa phán quyết anh T phải chia cho vợ cũ 20%, tức 280 triệu đồng. Lý do được tòa đưa ra là do anh T trực tiếp đi bán vé số, bị ế rồi trúng thưởng, còn chị G có ít công sức đóng góp.
Tuy nhiên, cả chị G lẫn anh T đều kháng cáo vì thấy không thỏa đáng. Sau đó khi được xét xử phúc phẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang lại tạm hoãn. Lúc đó, chị G quyết định không theo kiện nữa bởi có lấy số tiền đó cũng không nuốt trôi, đó là cơn ác mộng khủng khiếp cuộc đời chị.
Cặp đôi thưa kiện lẫn nhau vì trúng số độc đắc
Cách đây gần chục năm, người dân vùng sông nước Cái Răng (TP.Cần Thơ) xôn xao vụ việc liên quan đến tình phí của hai người vốn từng yêu nhau song vì “lộc trời” trúng số mà tình cảm đổ vỡ, đường ai nấy đi, thậm chí lôi nhau ra tòa. Nhân vật chính là chị Lý Thị Phượng (SN 1981, Kiên Giang) và người đàn ông tên Cao Văn Hòa (SN 1979).
Chị Phượng sau khi chia tay người chồng thứ nhất đã chuyển lên Cần Thơ làm công nhân với hi vọng sẽ có cuộc sống bình yên sau bão dông. Ở đây, chị trọ cùng với rất nhiều người, trong đó có Hòa - từng trải qua một đời vợ. Cả hai vì đã nếm trải mùi đổ vỡ hôn nhân nên rất đồng cảm, thấu hiểu nỗi khổ của nhau. Do đó họ nhanh chóng bén duyên, trở thành người yêu rồi dọn về chung sống như vợ chồng.
Chị Phượng đã thưa kiện chồng hờ ra tòa. (Ảnh minh họa)
“Họ coi nhau như vợ chồng dù không đăng ký kết hôn. Thậm chí với Phượng, Hòa chính là ân nhân đã cứu mình đã khỏi cơn tuyệt vọng sau lần ly hôn chồng, đem lại cho cô niềm tin vào cuộc sống và tình yêu”, thẩm phán Ái Mỹ Nhung – công tác tại Tòa Án nhân dân quận Cái Răng khi nói về trường hợp này cho biết.
Chung sống với chồng hờ, Phượng thôi làm nghề công nhân, mở tiệm bán tạp hóa ở gần nơi trọ. Còn Hòa ngày ngày đi làm chờ mong được trở về nhà ăn bữa cơm gia đình với người tình. Anh không phải lo lắng bất cứ điều gì vì đã có vợ hờ chăm sóc, thu vén nhà cửa.
Hôm ấy, Hòa bất ngờ cho Phượng 10.000 đồng để mua vé số với hi vọng thần tài sẽ gõ cửa. Ngờ đâu tờ vé chị mua trúng độc đắc với giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng. Lúc này chị tin tưởng chồng hờ để anh thay mình đứng ra làm thủ tục nhận giải. Sau đó cả hai cùng đến công ty nhận tiền nhưng chỉ có Hòa cầm tờ vé vào trong, còn chị đứng ngoài đợi.
“Cô ấy ngóng trông mà không thấy người tình bước ra nhưng cố gắng đợi. Đến khi thấy dáng Hòa đi ra, cô mừng rỡ vì nghĩ chắc chắn cả hai đã đổi đời thật rồi! Nào ngờ thứ mà cô nhận được lại chính là lời nhiếc móc đầy ẩn ý: Tôi mà thèm đi với người xấu như cô à. Từ đó mâu thuẫn giữa cả hai liên tục xảy ra. Hòa thường xuyên mỉa mai và chê cô xấu xí”, nữ thẩm phán cho hay.
Biết không thể duy trì mối quan hệ tình cảm này nữa, Phượng đã đâm đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Cái Răng đòi trả công chăm sóc bao ngày. Đặc biệt chị mong muốn tòa phân xử số tiền 1 tỷ trúng số vốn là của chị.
Trong đơn kiện, Phượng nêu rõ từ ngày chuyển về chung sống như vợ chồng, cả hai đã mua sắm những thứ gì? Công chị chăm sóc Hòa ra sao?... Chị chỉ mong lấy lại những gì mình đã sắm, còn tháng ngày nấu cơm, giặt quần áo... cho Hòa thì coi như đi làm từ thiện. Ngoài ra, chị mong tòa phán quyết số tiền trúng số chia đôi, chứ không thể để người tình giữ hết.
“Bỗng dưng có tiền tỷ từ trên trời rơi xuống, ai cũng ngỡ họ sẽ có cuộc sống sung túc, không phải lo cái ăn cái mặc từng ngày. Vậy mà đời không như những gì thiên hạ nghĩ. Cô ấy thú nhận rằng “đổi đời” nhưng chưa có lấy một ngày được bình yên, không ngủ ngon như thuở nghèo khó”, thẩm phán Nhung cho hay.
Tiếp nhận đơn kiện của Phượng, Tòa án Nhân dân quận Cái Răng đã triệu tập Phượng và Hòa lên hòa giải nhưng bất thành. Vì thế tòa đành đưa vụ việc ra xét xử và phán quyết một cách công bằng, chị được đền bù một cách xứng đáng cũng như hưởng phần tiền trúng số của mình.