10 năm làm lâm tặc ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, vợ chồng Thắng, Loan đã thu được hàng chục tỷ đồng bất chính. Đến khi khuynh gia bại sản, cả hai mới nhận ra quá khứ lỗi lầm để đứng lên làm lại từ đầu...
10 năm làm lâm tặc ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, vợ chồng Thắng, Loan đã thu được hàng chục tỷ đồng bất chính. Như một quy luật cuộc đời, đôi vợ chồng đã phải trả giá cho những việc làm của mình khi khối tài sản khổng lồ lần lượt rơi vào vòng xoáy đỏ đen. Đến khi khuynh gia bại sản, cả hai mới nhận ra quá khứ lỗi lầm để đứng lên làm lại từ đầu...
Đàn dê được chị Loan chăm sóc chu đáo
Vết trượt quá khứ
Lê Thắng quê gốc ở Bình Định. Năm 1954, cha Thắng tập kết ra Quân khu IV rồi về thành phố Vinh (Nghệ An) sinh sống và xây dựng gia đình. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc, cả gia đình Thắng lại dắt díu nhau di cư lên xóm Cầu Đất, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An trú ẩn. Tháng 4/1962, Thắng ra đời trên mảnh đất tản cư yên bình này. Cuộc sống của cậu bé này cũng bình yên như bao đám bạn khác, được vui chơi, ăn học đàng hoàng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng có thi đại học, nhưng kết quả không như mong muốn. Biết lực học của mình, Thắng quyết định ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán, rồi xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Loan, cô gái cùng làng. Cuộc sống nơi miền núi vốn đã khó khăn, nay áp lực kinh tế gia đình càng thôi thúc Thắng tìm hướng làm ăn. Với sự nhạy bén, Thắng nhận ra nhiều mối làm ăn có thể làm giàu ngay tại quê nhà. Thời điểm này, Cầu Đất là mảnh đất giao nhau của 4 huyện miền núi: Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Chứng kiến nhiều người lên rừng đốn rẫy về bán với thu nhập cao, vợ chồng Thắng, Loan cũng bắt chước sắm đồ nghề lên rừng đốn gỗ. Vốn là người táo tợn nên chỉ sau một thời gian ngắn, Thắng nhanh chóng trở thành ông chủ của xóm Cầu Đất. Họ thu gom gỗ lậu, thuê người vào rừng đốn gỗ, thu lợi nhuận “khủng” mà nhiều người thời đó có mơ cũng không dám nghĩ đến.
Nhưng rồi, gỗ và lâm sản khai thác mãi cũng hết, cộng thêm việc cơ quan chức năng quản lý quyết liệt nên vợ chồng Thắng chuyển sang hoạt động lén lút và buôn lậu gỗ. Thắng không ngần ngại kể, hồi đó có thời điểm anh thuê một lúc cả đàn trâu 18 con kéo gỗ trộm cả đêm tập kết lại đợi thời cơ bán đi, còn vợ Thắng lo tìm mối tiêu thụ. Nhờ sự liều lĩnh, Thắng phất lên trông thấy.
Thấy việc kiếm tiền bất chính quá dễ dàng, Thắng càng lên mặt với mọi người trong vùng. Gã bắt đầu lao vào cờ bạc để giải khuây cũng là để chứng tỏ bản thân. Nhưng người đàn ông này không ngờ, đây là bước ngoặt khiến anh khuynh gia bại sản. Mặc cho vợ con khuyên ngăn, máu cờ bạc đã ăn sâu vào người Thắng. Sau một năm, số tiền hàng chục tỷ đồng tích cóp từ buôn gỗ lậu bị Thắng ném vào trò đỏ đen. Mất số tiền lớn, gã càng quyết tâm gỡ lại bằng việc bán đi tất cả những đồ vật đắt giá. Đến khi trắng tay, Thắng mới thực sự tỉnh ngộ.
Khó khăn dường như cùng ập xuống một lúc khi cùng thời điểm đó, việc làm ăn buôn bán bị ngưng trệ. Thiếu ăn, thiếu mặc… nên việc học hành của các con cũng bị gian đoạn. Từ vị trí ông bà chủ, vợ chồng Thắng trở thành con nợ, phải đi làm thuê, làm mướn, thậm chí phải bán nhà, bán đất sang vùng khe đóng Thạch Ngàn khai hoang, làm ăn sinh sống. Đây cũng là bước ngoặt đổi đời của cặp vợ chồng một thời trượt dài trong sai lầm.
Những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt
Anh Thắng cần mẫn chăm sóc đàn trâu của gia đình
Sau khi khuynh gia bại sản, vợ chồng Thắng quyết tâm làm lại từ đầu bằng những nghề lương thiện. Quyết tâm là vậy, nhưng cả hai đã gặp muôn vàn khó khăn khi không được mọi người giúp đỡ. Đơn giản vì trước kia họ là người giàu có, sống kiêu căng. Không tìm được công việc thích hợp nơi quê nhà, hai vợ chồng dắt díu nhau vào khe Cây Trổ để đốn củi kiếm tiền mua gạo. Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng đáng là bao khiến cả hai vô cùng chán nản, nhiều lần định buông xuôi. Trong lúc khó khăn, bĩ cực, họ bất chợt tìm ra hướng đi riêng của mình.
Anh Thắng kể: “Sau nhiều hôm bắt tay lên trán suy nghĩ, tôi nhận thấy, đất đai gần khe Cây trổ này là vùng đất rộng, màu mỡ, nếu chịu khó khai hoang để trồng lúa, ngô, sắn... tương lai sẽ rất khả quan. Nghĩ vậy, nhưng vì không có một xu dính túi nên cả hai cứ thì thà, thì thụt không dám làm”. Cuối cùng sau nhiều lần suy nghĩ, anh Thắng bàn với vợ phải làm liều mới thay đổi cuộc đời được. Khi cả hai vợ chồng cùng đồng thuận, họ làm đơn xin nhận 7ha đất đồi rừng bỏ hoang, quyết tâm biến vùng đất này thành cơm.
Đến khi có đất trong tay, họ cũng chẳng biết lấy đâu ra vốn để mua trâu cày bừa, mua giống? Đang trong lúc bí bách thì có chủ trương của Hội nông dân tín chấp cho hội viên vay vốn làm ăn, vợ chồng Thắng mạnh dạn làm đơn vay 10 triệu đồng, mua một con trâu cày kéo và ít giống, phân bón đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Thắng tâm sự: “Đang là ông chủ ăn sung mặc sướng, nay túng đói nợ nần, đi đâu gặp ai cũng bị đòi nợ. Vì xấu hổ, có khi anh ở miết trong trang trại cả tháng, cả năm không ra ngoài. Hai vợ chồng ngày đêm khai hoang, phục hoá, cứ vậy ngày đêm đào cuốc, cày bừa. Mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại, vợ chồng anh khai hoang được hơn 7ha đất để trồng trọt chăn nuôi.
Không để cho chân tay nghỉ ngơi, nhìn gần 3.000m2 đất bỏ hoang, vợ chồng anh mạnh dạn đem giống mới vào trồng. Đất lạ lắm mùn, cộng với mồ hôi đã cho vợ chồng anh những mùa ngô, lạc, đậu, lúa bội thu. Không chỉ trang trải đủ lương thực cho gia đình cả năm, còn đủ cho chăn nuôi và bán trả nợ ngân hàng. Một cuộc sống mới bắt đầu hiện ra trước mắt đôi vợ chồng này.
Thừa thắng xông lên, anh chị càng mạnh dạn hơn trong công việc, cũng nắm bắt thị trường. Vậy nên, khi Nhà nước có chủ trương đưa cây mía vào canh tác, tăng năng suất vợ chồng anh tiếp tục đầu tư, nhận trồng lúc đầu 2ha, rồi lên 5ha. Vụ mía đầu tiên cho lãi hơn trăm triệu đồng, không chỉ đủ trả nợ nần, mua sắm đồ dùng mà còn dư ra. Cạnh nhà trại có con suối nhỏ, anh ngày đêm đào đắp ngăn khe, trữ nước vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới cho cây trồng, phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Năm ngoái, anh thu được gần 1,5 tấn cá, bình quân 7-8kg/con, có những con trắm cỏ to nặng 14-15kg, cho thu nhập hơn trăm triệu đồng.
Không chỉ có thu nhập cao, bình quân mỗi ngày vợ chồng anh còn giải quyết việc làm cho 5 - 6 lao động, công trả 60.000 -100.000 đồng/ngày, nuôi bữa cơm trưa. Lúc cao điểm, gia đình này thuê cả 50 - 60 người để thu hoạch mía, sắn. Nhẩm tính riêng trồng trọt mía và sắn, mỗi năm cho vợ chồng anh thu nhập 350-400 triệu đồng, ao cá thu thêm gần trăm triệu. Trong chuồng hiện giờ có 35 con dê nái, 40 con lợn, 10 con trâu, hàng năm thu hoạch 2 tấn lúa, chưa kể rừng keo 2 ha sắp đến thời kỳ khai thác.
Từ vị thế của một người lầm lạc, giờ đây vợ chồng Thắng, Loan lại trở thành tỷ phú, là tấm gương điển hình cho nhiều người dân huyện miền núi này. Mô hình kinh tế của cặp vợ chồng đặc biệt này thường xuyên được huyện và tỉnh biểu dương, nhiều người dân tìm đến học hỏi.
Không bao giờ quay lại phá rừng Tôi hỏi thật vợ chồng anh: “Nếu bây giờ, Nhà nước mở cửa rừng, cho tự do buôn bán lâm sản, vợ chồng anh có trở lại “nghề” không?” Không ngần ngại cả hai vợ chồng cùng đồng thanh đáp: “Bây giờ có ăn vàng, ăn bạc chúng em cũng không bao giờ làm “lâm tặc” nữa! Nói không phải khoe chứ giờ, muốn ăn gà chỉ cần giơ nắm gạo là có, muốn ăn cá chỉ cần một cái buông câu”. Nói rồi cả hai cười sáng khoái. Với nhiều thành tích đáng nể đó, giờ đây cả hai vợ chồng này đều đảm nhiệm những chức vụ trong xã; anh Thắng là cán bộ chi hội nông dân, còn chị Loan là cán bộ chi hội phụ nữ. |