Thấm thía bài học đắt giá khi ở tù, lại chứng kiến nhiều cảnh đời đói khổ sau khi mãn hạn, Trần Minh Sĩ đã quay lại cuộc đời bằng con đường thiện nguyện.
“Ở trong tù, mình suy nghĩ rất nhiều về gia đình và trách nhiệm của bản thân…” – Anh Trần Minh Sĩ mở đầu câu chuyện về hành trình hoàn lương của mình. Bỏ lại sau lưng quãng đời sa ngã, người thanh niên 26 tuổi đã và đang sống những ngày tháng có ích cho đời.
Nhìn khuôn mặt hiền lành đối diện, không ai nghĩ người thanh niên quê Hòa Phong (Huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) này lại có một quá khứ không mấy sáng sủa với tiền án 18 tháng tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Học xa gia đình, không có sự kèm cặp của bố mẹ, cậu trai trẻ khi ấy vướng vào những cám dỗ của bạn bè xấu. Học hành sa sút, Sĩ lại sa vào những cuộc nhậu triền miên, lại tụ tập bạn bè đi quậy phá khắp nơi, rồi sa ngã từ khi nào…
Anh Sĩ trao quà tặng cho một cụ già neo đơn (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ những ngày sa ngã…
Thấy con ăn chơi lêu lổng, gia đình tạo điều kiện cho anh mở quán cà phê. Nhưng công việc kinh doanh ế ẩm, Sĩ bôn ba qua nhiều công việc trước khi bước vào con đường làm bảo kê, đòi tiền tại các nhà hàng, khách sạn. Làm bảo kê được một thời gian, anh bỏ vào Bình Dương tìm việc làm rồi bị bắt trong một lần về thăm nhà cuối năm 2010, sau 1 năm rưỡi bị truy nã với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”.
“Hồi ấy suy nghĩ còn nông nổi, mình nghe lời bạn bè xấu rủ rê, đi làm bảo kê quậy phá để kiếm tiền ăn nhậu. Đến khi bị án tù vì cái nghiệp đó mới thấy hối hận, nghĩ tới cảnh gia đình bị dị nghị, bị điều tiếng mà cảm thấy hổ thẹn với người thân và cả chính bản thân mình.” – Anh Sĩ bồi hồi nhớ lại.
Anh Sĩ bên thùng từ thiện đặt tại quán cà phê của Câu lạc bộ CTXH Teen Đà Nẵng (Ảnh: Đoàn Sơn)
18 tháng tù là 18 tháng anh đối mặt với vô vàn trăn trở, bên cạnh nỗi ân hận, còn là tác động tiêu cực lẫn tích cực từ những người bạn tù. “Mỗi con người trong đó đều mang một cái ‘nghiệp chướng’ với cuộc đời. Suốt 3 tháng sống trong môi trường phức tạp đó, tôi nghĩ chỉ những ai còn giữ được tình cảm gia đình, biết suy nghĩ chín chắn, biết hối cải thì tâm mới hoàn lương được. Bằng không thì rất dễ tha hóa.” – Anh hồi tưởng lại những ngày tháng ở trại giam Hòa Sơn.
“Mỗi lần ba mẹ đến thăm là một lần mình áy náy về bổn phận làm con, về những điều xấu đã làm. Gia đình đã vì mình mà khổ nhiều rồi, chỉ mong đến lúc hết hạn tù để làm lại cuộc đời”.
…đến hành trình “Sống có ích cho đời”
Mãn hạn tù, anh Sĩ quyết tâm làm lại cuộc đời. Cố gắng bỏ qua mặc cảm quá khứ, anh đi xin việc ở nhiều nơi với mong muốn đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Sau khi có được việc làm, anh bắt đầu tham gia vào những hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh.
“Đó là một ngày trời mưa to, mình gặp một bà cụ nghèo khổ, bán vé số trên đường. Lúc ấy mình nghĩ phải làm cái gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh như thế này”, anh nói.
Anh Sĩ chia sẻ về những ngày tháng tù tội (Ảnh: Đoàn Sơn)
Nói là làm, anh liên hệ với một số bạn bè lập nhóm thiện nguyện. Kinh phí từ thiện được các thành viên tích cóp từ thu nhập hằng tháng và khoản tài trợ từ những mạnh thường quân xa gần.
Ngày 15-10-2012, Câu lạc bộ “Công tác xã hội Teen Đà Nẵng” (CTXH Teen Đà Nẵng) do anh và bạn bè thành lập chính thức ra đời, đến nay đã hoạt động ổn định với hơn 30 thành viên thiện nguyện.
Trụ sở chính của câu lạc bộ là một quán cà phê nhỏ ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Mỗi khách hàng đến uống cà phê được xem như góp 500 đồng vào thùng từ thiện đặt giữa quán.
Anh Sĩ và bạn bè trong một đợt từ thiện (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cứ thế, hoạt động của câu lạc bộ suốt 3 năm qua dần đi vào ổn định. Anh Sĩ và các thành viên không nề hà bất cứ hoạt động gì, từ việc dọn vệ sinh sau đêm pháo hoa, phát cơm chay từ thiện, tiếp sức mùa thi cho đến xây nhà tình nghĩa cho người nghèo.
Chương trình “Mái ấm tình thương” do câu lạc bộ phát động đã gây được tiếng vang. Thời điểm đang nói chuyện với chúng tôi, anh và câu lạc bộ của mình vừa bàn giao ngôi nhà tình thương cho một hộ nghèo tại quê nhà Hòa Phong của mình.
Câu lạc bộ CTXH Teen Đà Nẵng trao nhà tình nghĩa cho một hộ nghèo ở xã Hòa Phong
Chia sẻ về câu chuyện làm từ thiện, anh Sĩ cho rằng đó không chỉ là kết quả của quá trình hoàn lương, đó còn là cách để anh thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình:
“Có làm từ thiện mới hiểu được những mảnh đời quanh mình, có những mảnh đời vừa gặp đã rơi nước mắt, có những bà mẹ tảo tần nuôi con trong cảnh nghèo, có những hoàn cảnh nằm vật vã trên giường bệnh, phải đối diện cái chết chỉ vì thiếu tiền chữa chạy”.
Hành trình “Sống có ích” của anh dường như đã đi đúng lộ trình. Niềm hạnh phúc với người thanh niên hoàn lương không còn gói gọn trong khát vọng tái hòa nhập cuộc đời nữa. Nó đã được san sẻ trên nụ cười bình dị của người mẹ nghèo khắc khổ ; trên những bó rau rừng, con cá suối sẻ chia của đồng bào vùng cao ; trên những giọt nước mắt cảm ơn của bà cụ già neo đơn ; trên bàn tay run run của những bệnh nhân đang đau đớn. Đó là thứ quý giá nhất mà anh có được sau từng đó năm tái hòa nhập với cuộc đời.