Hãy mang bỉm khi đi chơi lễ

Ngày 25/12/2017 15:52 PM (GMT+7)

Nếu không muốn lao xuống hồ, bật khóc hay phát điên trước đám đông xếp hàng dài chờ đến lượt đi WC chắc chỉ còn cách đóng bỉm khi lao vào chốn đông người nơi đông vui, lễ hội thôi các bạn ạ!

Những dòng này hơi hài nhưng vô cùng chân thật “Lượng người có mặt tại phố đi bộ Hồ Gươm quá đông đã tạo một áp lực cực lớn đế hệ thống WC (nhà vệ sinh) công cộng.

Theo chia sẻ đã có một thanh niên bật khóc khi đứng sếp hàng chờ đi WC, hiện tại anh đang cảm thấy hối hận và bế tắc, anh liên tục vò đầu, bứt tai và làm những hành động điên rồ, nhằm thông báo cho mọi người biết số 69 là số thứ tự chờ đi vệ sinh của mình.

Nhiều thanh niên đã nghĩ đến chuyện lao xuống hồ tự tử vì không thể kìm nén nổi nỗi buồn nơi đáy lòng”.

Nhưng tôi còn nghe một anh Nguyễn Văn Tèo hay chị Phạm Thị Nở nào đấy liên tục tâm sự với nhau “tôi rất buồn”. Vâng! Xếp hàng cả tiếng đồng hồ trong lúc bí bách như thế ở ngay Bờ Hồ thì họ buồn là phải thôi. Mà không riêng gì Tèo hay Nở, XYZV nào đó cũng “rất buồn khi không được đi”. Trong lúc họ buồn, người ta cũng chỉ biết ghi nhận rồi chờ những  dịp khác để buồn.

Hãy mang bỉm khi đi chơi lễ - 1

Rất đông người trật tự xếp hàng, chờ đến lượt đi vệ sinh. Ảnh Lê Hiếu

Nỗi buồn ấy không chỉ có ở Hồ Gươm tối qua mà hiện diện trên khắp cả nước khi lễ về Tết đến hay lạc vào chốn đông người. Những chỗ ấy, người và WC dường như không tìm thấy nhau, xa cách vời  vợi dù nhớ nhung luôn vô bờ. Chuyện ấy càng nhân đôi, nhân ba trong những ngày đông lạnh giá. Nhất là khi ngàn người cùng chung niềm đau. Không thể đeo mặt nạ, cũng chẳng cách nào chui vào bụi hay len lén đâu đó. Tất cả chỉ là chịu đựng và bỉm có lẽ là giải pháp hợp lý nhất.

Người ta có thể nhịn ăn, bớt uống hay chẳng còn nhu cầu vật chất nào nhưng chuyện đó thì có chết cũng phải giải quyết cái đã. Nhưng giải quyết vào đâu, lúc nào và bao giờ được giữa đêm đông giá lạnh và hàng trăm người chen chân chờ đến lượt thì vô cùng nan giải. Đặc biệt là quanh đấy chỉ có hai WC như ở Hồ Gươm tối qua hay chỉ có các bụi cây, cột điện như ở vô vàn nơi khác.

Sau cú "xả" ngay trên phố Hà Nội nổi danh thiên hạ năm rồi, quả thật đến bây giờ vẫn chưa ai nghĩ sẽ làm cách nào để “trút bầu tâm sự” giữa đường kẹt cứng xe cộ và không thấy bóng dáng WC. Tôi có thể góp thêm gạch đá cho anh chàng ấy nhưng lỡ rơi vào hoàn cảnh này, có lẽ thà thế hơn chết vì vỡ một số thứ rất cần thiết. Đã từng có mối lo ngại hoặc tỷ lệ bệnh thận tăng đột biến hay giá bỉm bất ngờ tăng mạnh nếu WC nơi công cộng vẫn hiếm như thú trong sách đỏ như thế.

Bạn có thể thấy những bức tường xỉn màu, nhà vệ sinh công cộng chễm chệ trên phố, hàng cây lấp ló bóng người trong tối. Anh chị chắc cũng chưa quên tài xế taxi trách “người hùng dẹp vỉa hè” Đoàn Ngọc Hải “Anh quá đáng quá à!” khi đậu xe đi giải quyết không đúng chỗ... Tôi cũng chẳng bao giờ ủng hộ cho những người mắc bệnh “đái đường” nhưng chẳng lẽ họ lại lao xuống hồ tự tử như bức bách của các anh chàng bên Hồ Gươm tối qua? Nếu không, chỉ còn lựa chọn hoặc mang bỉm hoặc mọc thêm WC cộng cộng thôi các vị ạ!

Một người bạn tôi nhìn nhận: Trong dòng người đau đáu hướng về WC, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đã được san lấp tuyệt đối. Giàu hay nghèo cũng có chung một tâm sự là một nỗi buồn không thể giải tỏa khi đứng giữa đất trời như thế! Còn với tôi, thay vì ngậm ngùi câm nín và nén ngược vào lòng, lần sau lên phố chơi lễ tôi sẽ đóng sẵn cái bỉm trong khi chờ WC công cộng phong phú hơn. 

>> Xem thêm: Hà Nội: Dở khóc, dở cười cảnh xếp hàng dài chờ… đi vệ sinh trong đêm Noel

Hà Phan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề NOEL