Rạn xương sườn, nứt sọ não, lưng chi chít sẹo, mặt còn đầy những vết thương rướm máu… tôi không thể tưởng tượng nổi cha ruột lại đánh đập con mình mới 10 tuổi dã man như vậy.
Nếu không bị tâm thần thì không thể dung thứ và cực kì khó lý giải cho tội ác của cha bé trai 10 tuổi bị bạo hành khủng khiếp gây chấn động dư luận mấy ngày qua. "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", tôi có thể hiểu vì sao mẹ kế kia tàn bạo đến vậy nhưng cha đẻ lại đánh đập con mình như trút mọi căm hờn lên đầu bé như thế thì không còn từ gì để biện hộ.
Tôi không biết anh ta có đọc được những phẫn nộ này “Hổ dữ còn không ăn thịt con, mà sao lại làm vậy? anh không có trái tim và khối óc à?”, “Trời đất ơi, không còn lời nào để nói. Đau xót cho đứa trẻ quá! Những con quỷ đội lốt cha mẹ" hay “Con trẻ làm gì nên tội. Con tôi, tôi đánh 1 roi mà tôi còn đau. Ông có phải con người không”…
Làm người tôi nghĩ hắn phải biết suy ngẫm sau hành động phi nhân tính này, còn ngược lại tôi không biết gọi kẻ ấy là gì? Các vụ bảo mẫu bạo hành bé dã man gây phẫn nộ còn có lý do con người ta nhưng đây là cha ruột, là con đẻ của mình thì không còn gì để bào chữa.
Nguyễn Hoài Nam thuật lại những trận đòn roi lên con trai của mình
Để cho con phải chia lìa cha mẹ, anh em, gia đình tan vỡ đã là tội. Vì hạnh phúc mới, bởi chiều lòng vợ kế mà hành hạ con lại phạm trọng tội hơn, không chỉ với pháp luật mà cả với danh xưng cha mẹ. Trẻ nhỏ có hư bột phát, nghịch ngợm không vừa lòng nhà nào chẳng có nhưng đâu là cái cớ để cha mẹ trút mọi hằn học lên đầu chúng. Chia tay tội người lớn phải chịu, có duyên mới càng phải để ý con. Đằng này lại coi bé như “thùng rác” đổ mọi thứ “dơ bẩn” của cha đẻ, mẹ kế vào đấy?
Chẳng ai dám chắc 100% cuộc hôn nhân của mình sẽ đến đâu và yêu thương dành cho nhau còn đến khi nào. Nhưng với con, những đứa bé đứt ruột sinh ra và dày công chăm bẵm, nựng nịu, nuôi nấng thì có khi về thế giới bên kia chúng ta còn đau đáu dõi theo chúng.
Ngày bé tôi từng nghe mẹ kể, lúc anh tôi ngã mẹ cũng ngã theo để xem con đau thế nào. Tôi chẳng may bị gãy tay, cha cũng ngậm ngùi bảo ước gì ông bị thay con. Tôi cứ nghĩ cha mẹ dỗ mình nhanh nín vậy thôi, cho đến khi có con tôi mới biết chúng quý giá ngần nào. Không phải cha mẹ tôi mà đại đa số ông bố bà mẹ khác trên trần gian này cũng hiếm khi lỡ vụt roi xuống con mình chứ huống gì trút đòn thù như gã đàn ông bất tình kia.
Nhưng trách anh ta và ả mẹ kế 10 cũng phải nhìn lại những người thân, xung quanh bé 6,7 phần. Cứ cho rằng hắn cắt đứt mọi liên lạc, chống chế đủ cách để giữ cháu bé nhưng từng đó người thân lại không hay biết gì về cuộc sống con cháu gần 2 năm ròng thì vô cùng kì lạ? Bảo rằng hàng xóm, địa phương sao không lên tiếng, tuy nhiên ngay cả người thân còn thờ ơ như thế thì làm sao trách được người ngoài?
Chẳng biết mình có chủ quan hay không nhưng tôi vẫn tin rằng nếu người thân làm mọi cách, nhờ khắp nơi can thiệp thì ít ra đứa bé ấy sẽ ít bị đòn roi, hành hạ hơn. Tôi cũng nghĩ rằng, liên lạc trực tiếp với kẻ tàn ác ấy cực kì khó nhưng thông qua bạn bè, cơ quan hay cả gia đình mẹ kế có lẽ không hẳn bặt vô âm tín. Và với nỗ lực ấy, chắc chắn không có thảm cảnh ngày hôm nay để rồi ngồi tiếc nuối giá mà với nhau.
Giờ đây trách ai cũng đã muộn, bé đã in sâu những vết đòn trên thân thể và hằn sâu vào ký ức roi vọt cha mình. Nhưng tôi vẫn muốn những người thân còn lại phải tự vấn, không thể bảo rằng chẳng liên lạc được rồi thôi hay chúng nó lớn rồi phải chịu việc mình làm.
Tôi cũng mong những cặp vợ chồng đang bên bờ vực đổ vỡ nếu không hàn gắn được cũng e ngại cho tương lai các bé. Sinh chúng ra, không cho chúng êm ấm đầy đủ tình thương trong cùng mái nhà với cả mẹ lẫn cha thì ít nhất cũng đừng để con chịu thêm nhiều lần bất hạnh nữa. Thay vì làm đẹp, tụ tập vui chơi, ganh đua, bon chen… với cuộc đời nên dành thêm thời gian cho những đứa trẻ vốn đã nhiều thiệt thòi.