Thái giám nhà Thanh có thật sự kiếm được nhiều tiền như trong các bộ phim truyền hình? Trên thực tế, họ có hẳn một thang bảng lương vô cùng chi tiết.
Thu nhập kinh tế của thái giám trong cung đình nhà Thanh của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với địa vị của họ. Trong tình huống bình thường, cấp bạc thái giám càng cao thì thu nhập càng nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số thái giám dù là lãnh đạo nhưng thu nhập lại rất thấp, thậm chí còn ít hơn những hoạn quan bình thường.
Vào tháng 10 năm Càn Long thứ 7 (1742), khi biên soạn "Quy chế hiện hành trong cung", các quy định chi tiết hơn về thu nhập tiền tệ, lương thực của các cấp bậc và chức vụ quan lại khác nhau được thực hiện. Chúng liên tục được sửa đổi và bổ sung từ đó. Đến tháng 12 năm Càn Long thứ 34 (1769), thu nhập hàng tháng của thái giám nhà Thanh về cơ bản được ấn định.
Theo quy định, thu nhập cao nhất của một thái giám và đại thần là 8 lượng bạc, 8 đấu gạo, 1 quan 300 văn tiền (1 lượng bạc = 1 quan tiền = 1000 văn tiền = khoảng 400 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng) hiện nay. 1 đấu gạo = 7,5 kg gạo). Đây là tiêu chuẩn cao nhất về tiền bạc và thức ăn dành cho thái giám và nó sẽ từng bước giảm xuống. Với mức tính lương như trên, thu nhập hàng tháng cao nhất của một thái giám là khoảng 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu đồng), mức thấp nhất là khoảng 1.100 nhân dân tệ (hơn 3,6 triệu đồng).
Ảnh minh họa
Thu nhập của thái giám bình thường thì phức tạp hơn, đại đa số được chia làm 3 cấp bậc theo thời gian phục vụ trong cung, công việc thường ngày và nhu cầu công việc của họ. Những thái giám làm việc trong Dưỡng tâm điện của hoàng đế có địa vị đặc biệt nên họ nhận được 4 lượng bạc, 4 đấu gạo và 6 văn tiền. Ngược lại, những hoạn quan ở một số nơi như Trường Xuân viên hàng tháng chỉ nhận được 2 lượng bạc, 1 đấu rưỡi gạo và không có văn tiền nào.
Nếu thái giám ốm đau, chẳng những không được chữa bệnh mà còn bị khấu trừ tiền lương. Theo quy định, nếu thái giám ốm đau quá một năm thì mọi bổng lộc đều bị khấu trừ hết.
Với những thái giám cấp bậc cao như tổng quản, ngoài nhận bạc, gạo và tiền lương hàng tháng, họ còn có thể nhận được những khoản thưởng hậu hĩnh từ chủ nhân. Phần thưởng này đôi khi còn vượt xa tiền lương hàng tháng. Có nhiều loại phần thưởng, chẳng hạn như thưởng Tết, thưởng sinh nhật, thưởng làm thêm công việc, thưởng trung thu... Theo quy định, hoạn quan ở mọi cấp bậc đều có thể nhận được một số phần thưởng nhất định.
Ngoại trừ ban thưởng hàng năm còn có sắc lệnh ban thưởng đặc biệt. Nếu tân đế đăng cơ, hoàng đế thành hôn, sinh hạ hoàng tử... thì trong cung sẽ cử hành nghi lễ và ban thưởng cho kẻ hầu người hạ. Tất nhiên, số lượng phần thưởng cũng khác nhau.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, với tư cách là một nô lệ, nếu thái giám phục vụ tốt cho chủ nhân của mình thì còn nhận được những phần thưởng trực tiếp từ chủ nhân như tiền, lụa là gấm vóc, đồ lông thú, trang sức, tranh thư pháp...
Nếu tổng quản, thái giám mà cùng hoàng đế du ngoại, săn bắn... họ sẽ được nhận thêm bạc, gạo và tiền mang tính trợ cấp đi chơi.
Vào tháng 6 năm Gia Khánh thứ 13 (1808), hoàng đế ra lệnh thưởng cho hoạn quan lần đầu vào cung một chút bạc làm vốn. Cụ thể, hoạn quan từ 10-20 tuổi được thưởng 5 lượng bạc. Ai trên 20 tuổi được thưởng 3 lượng bạc.
Trong cung còn quy định nếu ông bà, bố mẹ của tổng quản, trưởng sự mà qua đời thì thái giám được trợ cấp 10 lượng bạc và được phép về quê lo tang sự. Nếu là anh em ruột chết thì số tiền trên là 5 lượng bạc. Bản thân tổng quản qua đời thì gia quyến sẽ được hưởng 20 lượng bạc. Mức trợ cấp này sẽ giảm xuống theo cấp bậc của thái giám.
Có thể thấy triều đình nhà Thanh quản lý thái giám rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến thời điểm suy tàn, khi Từ Hi Thái hậu lên cầm quyền, những thái giám như An Đức Hải, Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương đã bành trướng thế lực. Họ không chỉ có quyền lực mà còn vô cùng giàu có. Tài sản của họ khiến những hậu thế sau này phải kinh ngạc.