Khai quật ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm được một chiếc quan tài cực lớn cùng 21 chiếc quan tài của mỹ nhân ở bên cạnh.
Tháng 2/1978, trên một ngọn đồi nhỏ ở ngoại ô huyện Tùy (nay là thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), lực lượng không quân đang tiến hành sử dụng thuốc nổ phá núi để mở rộng nhà máy sửa chữa ra-đa. Sau khi lớp đất đá nổ tung, một khoảng đất với màu sắc bất thường đã lộ ra. Sau khi kiểm tra, các nhân viên cho rằng đây có thể là một ngôi mộ cổ nên đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền.
Ngay sau đó, một nhóm khảo cổ thuộc Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc được thành lập, họ dành suốt 2 tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị khám phá lăng mộ. Tới ngày 11/5/1978, công cuộc khai quật chính thức bắt đầu.
Đây là sự kiện khảo cổ lớn hiếm có, máy bay trực thăng quân sự đã được huy động để chụp ảnh toàn cảnh lăng mộ, báo chí và đài truyền hình cũng liên tục có mặt để đưa tin về tiến độ khai quật. Ông Lưu Bính, một chuyên gia trong đoàn khảo cổ năm đó nhớ lại: "Tôi đã tham gia khai quật cổ vật cả đời, chưa bao giờ thấy cảnh huy động máy bay quân sự để làm việc này cả. Đây là lần đầu tiên".
Sau đó, các nhà khảo cổ đã tìm được 47 cánh cửa bằng đá nguyên khối khổng lồ dẫn vào lăng mộ. Đây có thể là cách để người xưa ngăn những kẻ trộm mộ đi vào, vì vậy những phiến đá vô cùng kiên cố. Nhóm khảo cổ đã phải nhờ quân đội giúp sức, dùng cần cẩu dịch chuyển những phiến đá này, sau đó đào qua một lớp than củi dày mới có thể tiếp cận vào lăng mộ cổ.
Được biết, lăng mộ này có tổng diện tích 220 m2, sâu 13 m, chỉ tính riêng buồng quan tài đã rộng 190 m2, lớn gấp 6 lần buồng mộ Tân Truy phu nhân trong lăng mộ Mã Vương Đôi nổi tiếng. Khi ấy, các chuyên gia tiếp tục sững sờ khi thấy toàn bộ lăng mộ ngập trong nước, đồng thời có 21 quan tài nhỏ nổi lềnh bềnh bên trên.
Thì ra, lăng mộ này đã không may gặp phải một trận động đất hoặc lũ lụt trong quá khứ khiến mạch nước ngầm bị vỡ tung, các cổ vật bên dưới đều chìm sâu dưới nước và đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Ngay lập tức, nhóm khảo cổ đã tiến hành bơm hết nước ra khỏi lăng mộ. Khi ấy, toàn cảnh ngôi mộ cổ mới hiện ra.
Bên trong lăng mộ này, các chuyên gia đã tìm được hơn 15.000 cổ vật, trong đó có 6.239 đồ đồng, ngoài ra còn có đồ gỗ sơn mài, đồ bằng vàng và ngọc, vũ khí, xe ngựa, đồ gốm... Trong đó, đáng chú ý nhất là bộ chuông đồng 65 chiếc - bộ chuông lớn và hoàn chỉnh nhất từng được khai quật tại Trung Quốc, có thể coi là đỉnh cao của nhạc cụ đồng thời Chiến Quốc và được mệnh danh là “báu vật của quốc gia".
Tại đây, các chuyên gia cũng khám phá được một chiếc quan tài rất lớn, được cho là chủ nhân của lăng mộ. Đó là chiếc quan tài bằng đồng được chạm khắc hoa văn nổi vô cùng tinh xảo, dài 3,2 m, rộng 2,1 m, cao 2,19 m và nặng 3,29 tấn. Kỳ lạ hơn là áo quan đồng còn được bổ sung một cánh cửa nhỏ, một số chuyên gia suy đoán rằng đây là thiết kế đặc biệt cho phép linh hồn người quá cố đi lại tự do.
Sau khi kiểm tra kỹ càng, các chuyên gia kết luận rằng đây là lăng mộ của vua nước Tăng, một nước chư hầu thời kỳ Chiến Quốc. Ông có tên thật là Cơ Ất nên được gọi là Tăng Hầu Ất (475 TCN - 433 TCN). Như vậy, lăng mộ của Tăng Hầu Ất đã có niên đại hơn 2.500 năm.
Còn về 21 chiếc quan tài nhỏ bí ẩn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, các nhà khảo cổ cũng đã mở nắp quan tài và phát hiện bên trong là hài cốt của 21 mỹ nữ. Họ đều có độ tuổi rất trẻ, chỉ từ 13-25 tuổi. Sau khi khám nghiệm hài cốt, các nhà nghiên cứu cho biết, xương cốt của các cô gái không có vấn đề gì ngoài sự thoái hóa của xương bàn chân.
Hóa ra, 21 cô gái này là vũ công trong hoàng cung. Sau khi Tăng Hầu Ất qua đời, những cô gái trẻ đó đã phải gánh chịu số phận thê thảm khi bị giết để chôn cùng với chủ nhân. Đây là hủ tục tùy táng đáng sợ trong lịch sử Trung Quốc cổ đại mà mãi đến triều nhà Thanh (vua Khang Hy) mới bãi bỏ và cấm thực hiện.