Virus Ebola hiện vẫn đang hoành hành dữ dội ở Tây Phi. Con số mắc phải dịch bệnh này đã lên đến hơn 2000 trường hợp. 1.145 người đã tử vong trong khi việc dùng vaccine nhằm đối phó với Ebola đang gây rất nhiều tranh cãi.
Thi thể một người đàn ông chết vì Ebola bên ngoài một nhà xác ở quận Kailahun thuộc tỉnh miền đông của Sierra Leone. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến thứ tư, ngày 13/8 số người chết vì dịch bệnh Ebola bùng phát ở các nước Tây Phi đã tăng lên 1.145. Hiện có tổng cộng 2.127 ca mắc Ebola được ghi nhận, hãng tin CNN dẫn báo cáo của WHO. Đây được cho là trận dịch Ebola tồi tệ nhất lịch sử, bùng phát vào tháng 2/2014 ở Guinea và lan sang Nigeria, Liberia và Sierra Leone. Tất cả bốn nước trên đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh Ebola.
Nhân viên đội chôn cất di chuyển thi thể một phụ nữ nghi bị nhiễm Ebola ở thủ đô Monrovia, Liberia. Công việc của họ hết sức nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm Ebola rất cao ngay cả khi người bệnh đã chết, hơn nữa đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với người dân địa phương. Họ không hề muốn thấy sự xuất hiện của những nhân viên này.
Finda Marie Kamano ở làng Guéckédougou, Guinea là một trong những nạn nhân của dịch bệnh này. Sau khi 5 người thân qua đời vì Ebola, Finda cũng đã bị nhiễm virus chết người đó bởi những lần mai táng cho người thân, cô đã tắm rửa cho họ mà không chú ý tới việc tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể. Lây qua dịch cơ thể là cách khiến Ebola hiện đang hoành hành dữ dội.
Cô gái 33 tuổi đã qua đời sau 2 ngày nhận được xét nghiệm dương tính với Ebola. Hầu hết câu chuyện về những bệnh nhân nhiễm virus Ebola đều kết thúc theo cách trên. Virus chết người ấy đã cướp đi sinh mạng tới 90% những người bị nhiễm bệnh.
Đối với người dân nơi đây, nhiễm virus Ebola đồng nghĩa với lĩnh bản án tử hình, cái chết đã được dự báo trước và không gì có thể cứu vãn sự sống... Nhiều gia đình còn mua sẵn quan tài cho người thân của mình khi biết họ bị nhiễm loại virus đáng sợ khủng khiếp này.
Nhưng không phải nạn nhân nào của Ebola cũng được như vậy. Đây là thi thể một chàng trai nằm lạnh lẽo giữa đường và đang dần phân hủy trước mắt những người qua lại, trong đó có không ít trẻ em ở Liberia. Cảnh tượng đầy đau xót đó không khó bắt gặp trên đường phố của quốc gia này đối với các nạn nhân Ebola. Trong lúc bấn loạn và hoảng sợ, không ít gia đình đã lôi thi thể chính người thân của mình ra đường như một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cách ly với căn bệnh đang trở thành một nỗi lo sợ trên toàn thế giới.
Nỗi đau còn đọng lại... Chị gái của Finda cảm thấy tuyệt vọng và thất bại khi không biết làm gì hơn trước cái chết thương tâm của em gái và những người thân trong gia đình mình.
Những giọt nước mắt lăn dài trên má khi thi thể người bạn, người thân trong gia đình bị nghi nhiễm Ebola, được chuyển đi hỏa táng...
Cô bé Messi Boa ngồi buồn bã trước cửa nhà ở làng Njala Ngiema sau khi bố mẹ em qua đời vì virus Ebola. 61 người chết vì dịch bệnh khiến ngôi làng trở thành khu vực hứng chịu hậu quả nặng nề nhất ở Sierra Leone. Vẫn có nhiều người ở lại đây nhưng ngôi làng giờ như bị đóng băng. Trong những căn nhà tối om, vật dụng cá nhân của nạn nhân như quần áo, dép, chiếc đài radio hiếm hoi nằm nguyên tại chỗ vì sẽ chẳng có ai đụng vào chúng nhiều ngày sau đó. Kể từ khi "cơn bão Ebola" quét qua Njala Ngiema và mang theo người làng, bao trùm nơi đây là một màu u ám. Những người sống sót còn muốn bỏ làng ra đi để "trốn chạy" khỏi thảm dịch Ebola.
Thành viên người Liberia của nhóm Xây dựng Mạng lưới Phụ nữ Hòa bình nằm trên mặt đất trong khoảng thời gian ăn chay và cầu nguyện hai tuần để xin Chúa ra tay xóa sổ virus Ebola, để sự sống nơi đây không còn bị đe dọa nữa.
Cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân xấu xố bởi Ebola được thanh thản, bình yên... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nhân loại đang đánh giá thấp quy mô các ổ dịch Ebola ở Tây Phi, đồng thời kêu gọi áp dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn dịch bệnh này.
Đến nay bệnh Ebola vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng chưa có văcxin phòng ngừa. Tổ chức Y tế Thế giới đã cho phép sử dụng các loại thuốc thử nghiệm chống Ebola chưa qua kiểm tra lâm sàng để xử lý các ổ dịch ở Tây Phi. Những đợt điều trị thử nghiệm thuốc ZMapp đầu tiên tại châu Phi đã được tiến hành ở Liberia. Trước đó ZMapp chưa được thử nghiệm trên người nhưng đã cho thấy tiềm năng trong những thí nghiệm nhỏ với khỉ. Hai nhân viên y tế người Mỹ mắc bệnh được hồi hương từ Liberia về sau khi nhiễm virus đã được điều trị thử nghiệm và đang có dấu hiệu hồi phục tốt. Tuy nhiên, một linh mục người Tây Ban Nha Miguel Pajares được dùng Zmapp để chữa trị đã qua đời hôm 12/8.
Các công tác để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lạn của dịch bệnh chết người trên đang được thắt chặt. Một nhân viên y tá đo nhiệt độ hành khách bằng thiết bị hồng ngoại ở sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny, Bờ Biển Ngà. Nước này hồi đầu tuần đã ra lệnh cấm du khách từ các nước nhiễm dịch và dừng các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia đến và đi từ những nước nhiễm dịch. Một chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) trong buổi đào tạo về sự lây nhiễm của virus Ebola ở thành phố Lagos, Nigeria hôm 11/8.
9 chuyên gia Trung Quốc được cử tới Tây Phi để giúp người dân nơi đây chống lại dịch Ebola. Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cung cấp khoản cứu trợ trị giá 4,9 triệu USD cho ba quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi Ebola - Guinea, Liberia và Sierra Leone. Đây là đợt cứu trợ thứ hai của Trung Quốc dành cho các nước chịu ảnh hưởng của Ebola. Chính phủ Canada cũng cho biết sẽ quyên góp từ 800 tới 1.000 liều vaccine cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chống lại nạn dịch Ebola.