Đại dịch Ebola đang gây ra bầu không khí hoang mang lo sợ khắp thế giới, chính vì thế nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Tây Phi: 1.069 người tử vong, gần 2.000 người lây nhiễm
Theo thống kê của WHO, số nạn nhân thiệt mạng trong đại dịch Ebola tồi tệ nhất thế giới từ trước tới nay đã lên tới 1.069 người trong tổng số 1.975 người được xác định là nhiễm virus Ebola. Số người chết chủ yếu tập trung ở Guinea, Sierra Leone và Liberia, trong khi 4 trong tổng số 10 bệnh nhân nhiễm Ebola ở Nigeria cũng đã thiệt mạng.
WHO thừa nhận rằng tình hình đại dịch Ebola hiện nay tồi tệ hơn mọi người tưởng rất nhiều và chính phủ các nước cùng các tổ chức nhân đạo quốc tế cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đối phó với đại dịch này.
Chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 7/8 đến ngày 9/8), đã có tới 52 người ở 3 quốc gia tại Tây Phi chết do nhiễm virus Ebola. Trong đó, tại Liberia có 29 người thiệt mạng, ở Sierra Leone có 17 người và ở Guinea có 6 người.
Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.
Nigeria cùng với Guinea, Sierra Leone và Liberia là những quốc gia hứng chịu sự hoành hành dữ dội của Ebola. Tổ chức Y tế thế giới gọi sự bùng nổ của dịch Ebola là tồi tệ nhất trong vòng bốn thập kỷ qua. WHO đánh giá đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 40 năm qua, tốc độ lan truyền nhanh.
Cho đến nay chưa có loại thuốc chính thức nào chữa được Ebola, tuy nhiên trước tình hình cấp bách, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho phép bệnh nhân nhiễm Ebola được sử dụng các loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm trên người để điều trị bệnh. Hiện lô hàng đầu tiên của loại thuốc thử nghiệm ZMapp đã được vận chuyển từ Mỹ tới Liberia để điều trị cho 2 bác sĩ tại quốc gia này. Trước đó, loại thuốc ZMapp này từng cứu mạng 2 bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola.
Mặc dù hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc sử dụng những loại thuốc chưa qua thử nghiệm trên người để điều trị virus Ebola, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hành động này là không vi phạm đạo đức trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, và đe dọa tới tính mạng của nhiều người khác.
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Ebola
Trước sự hoành hành vượt mức kiểm soát của virus Ebola, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh nguy hiểm này. Quyết định này được đưa ra sau khi WHO kết thúc cuộc họp khẩn bàn về cách phòng chống Ebola diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
1.069 người ở Tây Phi đã thiệt mạng vì Ebola
WHO khẳng định hậu quả của sự lây lan toàn cầu là đặc biệt nghiêm trọng xét về sự tàn phá của virus, sự lây lan tại các cơ sở y tế và cộng đồng, các hệ thống y tế yếu kém tại những quốc gia bị ảnh hưởng”.
Trong một tuyên bố, WHO nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới”.
WHO yêu cầu tất cả các quốc gia có dịch Ebola - cho đến nay gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone - phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, không nên chỉ có lệnh cấm chung về du lịch quốc tế, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị ở Geneva – Thụy Sĩ, Giám đốc WHO - Giáo sư Margaret Chan - cho biết tuyên bố nêu trên là “một lời kêu gọi rõ ràng về sự đoàn kết quốc tế” dù nhiều nước hiện chưa có bất kỳ ca nhiễm Ebola nào.
Chây Âu ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Ebola
Vài ngày sau khi được đưa về điều trị từ Liberia, Linh mục người Tây Ban Nha Miguel Pajares, bệnh nhân đầu tiên ở châu Âu nhiễm Ebola đã qua đời tại bệnh viện ở Madrid.
Linh mục Pajares bị nhiễm virus Ebola trong khi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Liberia. Ông đã được vận chuyển khẩn cấp bằng máy bay từ Liberia về Tây Ban Nha vào ngày 7/8 sau khi phát hiện bị nhiễm vi rút Ebola. Bệnh viện Carlos III là nơi điều trị ông Pajares trong tình trạng cách ly, sau khi ông được hồi hương từ Liberia.
Linh mục Miguel Pajares được cấp tốc đưa về Madrid bằng máy bay ngày 7/8.
Theo AP, Miguel Pajares là người thứ 3 ngoài 2 bệnh nhân người Mỹ được tiêm loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm này. Hai nhân viên cứu trợ của Mỹ cũng được cho dùng ZMapp sau khi bị nhiễm virus Ebola tại Liberia. Tình trạng sức khỏe của họ được cho là cải thiện nhưng không có cách nào để biết liệu có phản ứng thuốc nào khác hay họ đang phục hồi một cách tự nhiên như những người sống sót khác. Hiện vẫn chưa rõ tác dụng của loại thuốc thử nghiệm này đến đâu trong việc tiêu diệt virus Ebola.
Linh mục Pajares bị nhiễm virus Ebola chết người trong quá trình chăm sóc những người bệnh ở vùng dịch tại bệnh viện Saint Joseph Hospital ở Monrovia (thủ đô Liberia), nơi nhóm từ thiện Công giáo của ông hoạt động.
Ông Pajares từng chăm sóc các bệnh nhân Ebola tại bệnh viện San Jose de Monrovia ở Liberia trước khi nhiễm chính loại virus này. Pajares là bệnh nhân người châu Âu đầu tiên tử vong vì bệnh dịch này.
Thế giới gồng mình đối phó với đại dịch Ebola
Trong bối cảnh đại dịch Ebola đang bùng phát ở châu Phi mà thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng loại virus khủng khiếp này để chế tạo “bom bẩn” phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng.
Khu vực bùng phát dịch Ebola.
Ở Nigeria, chính phủ mới đây đã tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay của hãng hàng không khu vực châu Phi ASky Airlines đến nước này do đã bay qua các vùng có người nhiễm virút Ebola.
Tại Liberia, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu cơ quan hàng không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch, như kiểm soát chặt chẽ những người ra vào sân bay và các nhân viên làm việc trong sân bay được trang bị găng tay, nước sát trùng và các phương tiện bảo hộ để ngăn ngừa lây bệnh khi tiếp xúc với hành khách và hành lý tại sân bay. Nước này cũng đã siết chặt kiểm soát biên giới, đóng phần lớn cửa khẩu và cấm tụ tập nơi công cộng.
Cục Hàng không Việt Nam cũng ban hành chỉ thị phòng dịch Ebola lây lan qua đường hàng không tại hai sân bay quốc tế lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đặc biệt giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch (4 nước: Guinea, Liberia, Nigeria, Sierraleone) vào Việt Nam. Những trường hợp nghi vấn phải cách ly theo dõi.
Bộ Y tế Việt Nam nâng mức cảnh báo virus Ebola, lắp hệ thống khử trùng tự động phòng Ebola tại sân bay
Để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm ngay từ cửa khẩu, Bộ Y tế đề nghị Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải và Ngoại giao phối hợp và chỉ đạo việc thực hiện khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế. Theo đó, đối tượng thực hiện khai báo y tế gồm những hành khách đến từ vùng dịch trong vòng 21 ngày
Cách đây 2 ngày (14/8), Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) kiểm tra trực 3 sinh viên người Nigeria (một trong 4 nước đang có dịch Ebola) vừa tới Việt Nam.
Bộ Y tế cho biết, ba sinh viên người Nigeria nhập cảnh vào Việt Nam để theo học trường Đại học FPT tại Hà Nội. Trong 3 sinh viên đến từ Niegira có 2 sinh viên nhập cảnh ngày 8/8 và 1 sinh viên nhập cảnh ngày 31/7.
“3 người này được khuyến cáo nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp xúc với người xung quanh và tự theo dõi sức khỏe bản thân và phải thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có các biểu hiện như: Sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.