Năm 1933, trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, cô Tẻo đã giành được vương miện, trở thành hoa hậu nhờ tài sắc vượt trội của mình.
Nhắc đến cuộc thi sắc đẹp tại Hoà Bình thời kháng chiến chống thực dân Pháp, người ta thường nghĩ ngay đến Hoa hậu xứ Mường Đinh Thị Nụ “hồng nhan bạc mệnh”. Song ít ai biết rằng, người đoạt vương miện lần đầu tiên – Hà Thị Tẻo cũng mang số phận truân chuyên với bao chuyện buồn đau, thê thiết… thậm chí còn “thảm” hơn cả cô Nụ.
Cô Tẻo (SN 1917) có cha là người Việt gốc Hoa, mẹ quê ở Hà Nội. Cha cô vốn là một đầu bếp trong nhà của Quách Vị – quan lang nổi tiếng giàu có của xứ Mường. Một hôm vị quan lang gặp cô thấy xinh đẹp và thơ ngây liền đem lòng yêu mến. Ông quyết định nhận cô làm con nuôi. Từ đó cô đổi thành họ Quách – Quách Thị Tẻo.
Cô Tẻo mang số phận truân chuyên với bao chuyện buồn đau, thê thiết… thậm chí còn “thảm”.
Người con gái xứ Mường sau khi đổi họ liền bắt đầu cuộc sống nhung lụa tại gia tộc họ Quách. Cô càng lớn càng xinh đẹp, được cha nuôi hết mực chưng chiều. Cô được ăn học đàng hoàng, thậm chí có thầy dạy tiếng Pháp riêng… Dần dần cô trở thành một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn.
Năm 1932, khi vừa bước sang tuổi 16, cô Tẻo đẹp rực rỡ như đóa hoa rừng. Năm ấy Quách Vị nhân chuyến vào Huế yết kiến vua Bảo Đại đã rình rang ngựa xe võng lọng mang theo cả cô con gái nuôi xinh đẹp.
Ban đầu, Quách Vị dự định mang cô Tẻo làm “quà tiến vua” để mong được hưởng thêm nhiều bổng lộc cho mình. Song vì vua không có ý định tuyển thêm tì thiếp nên cô lại theo cha trở về xứ Mường.
Một năm sau, trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, cô Tẻo đã giành được vương miện, trở thành hoa hậu nhờ tài sắc vượt trội của mình. Từ đó cái tên Quách Thị Tẻo ngày càng bay xa, người trong vùng đều tụng ca nhan sắc mặn mà của con gái nuôi Chánh quan lang.
Cô Nụ bên cạnh chiếc ô tô hạng sang.
Nhiều người đàn ông hào hoa phong nhã, công tử con nhà lang danh giá từng gặp cô Tẻo đều thầm thương trộm nhớ. Song trái tim cô gái 17 tuổi khi ấy chỉ dành cho một người, đó là Quách Hàm – con trai cả của Quách Vị.
Quách Hàm từng về Hà Nội học trường tây, nói tiếng Pháp và tư tưởng vô cùng thoáng. Anh chàng hào hoa phong nhã, lại là con trai trưởng của bà cả. Theo tập tục, anh sẽ thừa kế chính thức dòng lang, bổng lộc, gia tài của Quách Vị.
Đặc biệt, mới ngoài 20 tuổi, Quách Hàm đã được bổ làm Tri châu Lạc Sơn với hy vọng có ngày thay bố làm Chánh lang. Anh chàng có 3 vợ nhưng đứng trước vẻ đẹp “sắc nước hương trời” của em gái nuôi đã không kìm nổi lòng, si mê đến độ mất ăn mất ngủ.
Khi biết tin con trai cả yêu con gái nuôi mà mình hết mực cưng chiều, Quách Vị đã nổi cơn thịnh nộ. Ông tìm đủ mọi cách để cấm cản mối tình ngang trái đó. Bởi nó không chỉ phạm luật nhà lang, mà riêng việc để con trai ruột lấy con gái nuôi đã đủ khiến ông bị mất mặt trong thiên hạ, với các con dân xứ Mường. Song ông càng cấm cản thì tình yêu của cặp đôi càng thêm mãnh liệt…
Cô Tẻo (đội khăn trắng" chụp hình cùng Quách Hàm và những người phụ nữ trong gia đình.
Quách Hàm muốn “sự đã rồi” nên đã đón em gái nuôi về sống chung như vợ chồng trong dinh thự ở Lạc Sơn. Lúc này Quách Vị đành phải đồng ý cho con trai lấy con gái cưng. Hai vợ chồng Hàm – Tẻo sống ngập tràn trong nhung lụa và quyền lực.
Người dân trong vùng cứ ngỡ cuộc sống của “bông hoa xứ Mường” viên mãn và tròn đầy đến cuối đời. Nhưng một thời gian sau chế độ nhà Lang bắt đầu tàn lụi. Cũng kể từ đây, cuộc sống vương giả của cô Tẻo cũng dần lui vào dĩ vãng. Người xưa kể rằng, những ngày cuối đời, cô sống trong nghèo khó, đớn đau và nghiện ngập.