Cô gái làm công nhân bốc vác ở Sài Gòn bỗng trở thành công chúa, thu hút sự quan tâm của cả thế giới

NGỌC HÀ - Ngày 31/08/2022 11:00 AM (GMT+7)

Tròn 18 tuổi, Martine xin vào làm công nhân bốc vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên. Một hôm cô gái đang làm việc bỗng nhận được cuộc gọi của cậu ruột kêu về nhà gấp, có mấy nhà báo đang tìm gặp. Hơn cả người này khẳng định chắc nịch với cháu gái rằng: “Ba mày bây giờ là tổng thống”.

Hai cô gái Việt bỗng dưng “một nước lên mây” trở thành công chúa của nước Cộng hoà Trung Phi đã được rất nhiều báo ở miền Nam trước năm 1975 cũng như báo giới quốc tế quan tâm và đăng tải. Bởi nó rất nóng sốt, ly kì tại thời điểm bấy giờ. Thậm chí trải qua hơn 50 năm, chuyện hi hữu này đến nay vẫn thu hút sự tò mò của nhiều người. Họ muốn tường tỏ mối tình giữa cô gái Việt và chàng lính Phi; chuyện tổng thống tìm thấy con gái và cả số phận của hai cô gái sau khi chạm tới phú quý…

Mối tình giữa cô gái Việt và chàng lính Phi

Năm 1950, trung sĩ Bokassa (29 tuổi, người gốc Bắc Phi – lúc đó là thuộc địa của nước Pháp) được đưa tới Việt Nam, nhận nhiệm vụ gác Cầu Ghềnh ở Cù Lao Phố (Biên Hoà, Đồng Nai). Gần đó có một trụ nước phông tên công cộng – nơi người dân trong vùng tụ tập sinh hoạt, giặt giũ, tắm rửa và đem nước về.

Tháng ngày ở đó, Bokassa đã để mắt tới một cô gái tên Nguyễn Thị Huệ – gánh nước thuê có làn da trắng trẻo, ưa nhìn và tóc dài. Anh liền lân la làm quen với cô nàng. Song gia đình cô một mực cấm đoán, không đồng ý cho con gái qua lại với lính tây đen vì sợ mang tiếng. Dẫu thế anh kiên quyết không bỏ cuộc, thường xuyên quà cáp và đưa đón cô gái mình yêu. Cuối cùng cô đã xiêu lòng, gật đầu đồng ý.

Trung sĩ Bokassa và cô gái Đồng Nai dù bất đồng ngôn ngữ nhưng yêu nhau rất nồng cháy. Cả hai giao tiếp chủ yếu bằng tay và thông qua lượng tiếng bồi ít ỏi.

Bokassa và bà Nguyễn Thị Huệ. (Ảnh: EUROPE1)

Bokassa và bà Nguyễn Thị Huệ. (Ảnh: EUROPE1)

Chàng trai Bắc Phi chiều chuộng người yêu vô bờ. Cứ cuối tuần hay dịp lễ, anh lại đưa cô Huệ lên Sài Gòn chơi. Thế rồi, cô nàng có thai và phải chịu đựng bao lời đám tiếu của thiên hạ, bị cha ruột chửi mắng, còn người mẹ buồn tủi khóc không nguôi.

Lúc này Bokassa bèn đưa cô Huệ về gần doanh trại nơi anh đang đóng quân ở Tân Thuận Đông (Nhà Bè). Anh thuê một căn nhà nhỏ nền đất mái lá để cả hai cùng chung sống như vợ chồng. Và khi đứa trẻ trong bụng lớn dần, anh nhận được lệnh quay trở về Pháp theo đoàn quân viễn chinh bởi Pháp đã thua trận ở Điện Biên Phủ.

Bokassa không thể đưa người tình và đứa con trong bụng đi theo bởi cả hai không có hôn thú. Anh đành gom hết tiền bạc đưa cho cô Huệ rồi dặn nếu sinh con gái đặt là Martine, còn con trai tên Martin. Anh hứa hẹn có cơ hội sẽ quay trở lại Việt Nam tìm vợ con.

Cuối năm 1954, cô Huệ hạ sinh con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Martine theo họ của cô. Đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Phi có làn da đen nhạt, tóc xoăn và gương mặt giống Bokassa nhiều hơn. Sau đó cô không chịu nổi chi phí thuê nhà lẫn nuôi nấng con nhỏ đã quay trở về nương tựa nhờ cha mẹ.

Cha mẹ cô Huệ dù rất giận nhưng thương con thương cháu đã chấp nhận bỏ qua tất cả, dang tay cưu mang dù cuộc sống vốn rất khó khăn. Cô nàng sau khi trở về nhà đã phải bươn trải nhiều nghề kiếm tiền nuôi con. Cô mang bé Martine đi khắp nơi mưu sinh với hi vọng con gái khoẻ mạnh và lớn khôn.

Năm 1966, cô Huệ tái hôn với một người đàn ông khác. Cả gia đình sinh sống ở chợ Nhỏ (nay là thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Cô đã mở một sạp rau cỏ để bán kiếm đồng ra đồng vào. Còn bé Martine cũng làm đủ nghề như phụ mẹ buôn bán rau cỏ ngoài chợ, bán báo dạo, bán đậu phộng, bánh mì,…

Nguyễn Thị Martine.

Nguyễn Thị Martine.

Tròn 18 tuổi, Martine xin vào làm công nhân bốc vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên. Một hôm cô gái đang làm việc bỗng nhận được cuộc gọi của cậu ruột kêu về nhà gấp, có mấy nhà báo đang tìm gặp. Hơn cả người này khẳng định chắc nịch với cháu gái rằng: “Ba mày bây giờ là tổng thống”.

Tổng thống nước Cộng hoà Trung Phi tìm được con gái thất lạc

Năm 1960, châu Phi xích đạo giành lại được độc lập. Vùng thuộc địa giữa hai sông Oubangui và Chari trở thành Cộng hòa Trung Phi với vị tổng thống mới tên David Dacko – có họ hàng xa với Bokassa. Ông Dacko đã mời Bokassa về nắm quyền chỉ huy quân đội.

Năm 1966, Bokassa với lực lượng vũ trang trong tay tiến hành đảo chính, lật đổ David Dacko rồi tự xưng làm tổng thống suốt đời. Và khi ở trên đỉnh cao quyền lực, ông chợt nhớ đến cô gái Việt Năm nào cũng đứa con chưa biết mặt mũi. Năm 1972, ông đã nhờ Bộ Ngoại giao Pháp liên hệ với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nhờ tìm kiếm đứa con thất lạc...

Sau một thời gian rất ngắn, nhà chức trách đã kiếm ra được một cô gái lai Tây đen đang đeo thùng bán thuốc lá lẻ trên đường phố Sài Gòn thay thế cho Martine. Cô gái tên Ba-xi (17 tuổi), là con gái bà Nguyễn Thị Thân ở Xóm Gà (Gia Định).

Bokassa nghe tin báo đã tìm được con gái lập tức mua vé máy bay đưa con đến Bangui – thủ đô cộng hoà Trung Phi hội ngộ. Sáng 26/11/1972, Martine giả (tức Ba-xi) tới Bangui.

Martine giả đứng bên phải Bokassa. (Ảnh: GUY LE QUERREC/MAGNUM PHOTOS)

Martine giả đứng bên phải Bokassa. (Ảnh: GUY LE QUERREC/MAGNUM PHOTOS)

Bokassa cùng các quan chức cao cấp đã chờ sẵn cô gái trong tiếng kèn chào mừng của dàn quân nhạc. Ông xúc động ôm chặt con gái rồi vui mừng giới thiệu với mọi người.

Cuộc hội ngộ ấy giữa tổng thống và con gái thất lạc giống như một câu chuyện cổ tích. Bởi Ba-xi từ một cô gái thấp hèn đã đổi đời trở thành công chúa ngồi xe Limousine, váy áo lộng lẫy, có kẻ hầu người hạ… Vì thế sự đổi thay đáng kinh ngạc ấy đã trở thành đề tài để người dân cả thế giới bàn tán xôn xao.

Đó cũng là thời điểm gia đình bà Huệ nhìn thấy hình ảnh Tổng thống Bokassa cùng con gái thất lạc trên báo. Cậu ruột của Martine ngay lập tức đến toà soạn báo Trắng Đen xin gặp ông chủ nhiệm phân định trắng đen.

Người đàn ông quả quyết cô gái mà Tổng thống Bokassa vừa nhận là Martine giả, còn cháu gái của ông mới là người thật. Sau đó ông đưa ra chứng cứ là hình ảnh và giấy tờ của cháu gái. Lúc này báo Trắng Đen biết đã “trúng mánh” với đề tài đang hot lại đáng tin cấy bèn giao kèo với ông để độc quyền khai thác thông tin.

Các phóng viên báo Trắng Đen ngay lập tức vào cuộc điều tra, từ chuyện tình của anh lính Phi và cô Nguyễn Thị Huệ, đến phi vụ giao “Martine” giả qua một loạt phóng sự điều tra nhiều kỳ. Báo trở thành tờ báo in không kịp bán, từ 100.000 tờ/ngày lên đến 200.000 tờ/ngày. Thậm chí phóng viên báo Time (Mỹ) cũng tìm đến báo Trắng Đen xin mua bản quyền hình chụp bà Huệ và Bokassa thời trẻ.

Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Cuộc hội ngộ âm thầm và số phận trái ngược của hai nàng công chúa gốc Việt vào 12h ngày 1/9

Số phận trái ngược của hai nàng công chúa gốc Việt: Người bị hãm hại, người thành công tại Pháp
Cùng là công chúa nhưng hai cô gái gốc Việt sau khi lấy chồng lại có số phận hoàn toàn trái ngược.

Thâm cung bí sử

NGỌC HÀ (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử