Theo truyền thống xa xưa sau khi mời tổ tiên về dự ngày Tết với gia đình. Thì từ ngày mùng 3 Tết gia đình soạn lễ cúng tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh, đây gọi là hóa vàng. Vậy trong những ngày này cần phải làm những gì cho đúng cách và không phạm phải những đại kỵ.
Lễ hóa vàng là gì
Lễ hóa vàng là ngày lễ cúng đưa tiễn ông bà. Có gia đình cúng ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 hoặc lâu hơn. Họ làm mâm cúng gia tiên rồi đem tất cả những vàng mã trong những ngày Tết ra đốt.
Lễ vật cúng hóa vàng ngày Tết
Giấy tiền vàng mã
Mâm ngũ quả
Hương hoa
Rượu, bánh chưng, trầu cau, bánh kẹo
Bạn có thể cúng hóa vàng với mâm cỗ chay đều được, nếu cúng mặn thì không thể thiếu con gà trống. Cỗ với đầy đủ các món ăn ngày Tết được bày biện đầy đặn để cúng hóa vàng tiễn tổ tiên.
Văn khấn hóa vàng
- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
- Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ. Chư vị Tôn thần
- Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
- Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …………………
Chúng con là: ……………………………tuổi………………
Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Những kiêng kỵ và lưu ý khi hóa vàng sao cho đúng
1. Người xưa có quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự ở trên bàn thờ, vì thế đèn hương không được để tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến ngày hóa vàng thì mới được đem xuống (trừ những đồ ăn mặn hay dễ thiu như thịt xôi, canh…). Nếu mà đèn hương bị tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.
Sau khi lễ xong thì việc hóa vàng cũng phải làm riêng. Phần tiền vàng của gia thần phải được hóa trước của tổ tiên để tránh nhầm lẫn.
Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới". Rồi lần lượt hóa hết chỗ vàng mã đã bày mấy ngày Tết. Tại nơi đốt vàng mã người ta thường đặt vài ba cây mía dài để làm “đòn gánh” cho các linh hồn mang hàng hóa theo.
Khi hóa vàng xong họ có vẩy thêm mấy giọt rượu cúng vì tục cho rằng làm như vậy mới thiêng, ở cõi âm mới nhận được và tiêu được ở dưới âm phủ.
Cuối cùng lễ 3 vái, xin gia tiên phù hộ cho các con cháu có sức khỏe, bình an rồi xin phép hạ lễ cho con cháu thụ lộc.
2. Đồ mã ngày xưa đều làm nhỏ nhỏ, mỗi lễ gồm những loại tiền gì, quy định rất cụ thể, chứ không phải cứ như bây giờ sính lễ rất hoành tráng, phải to như thật là không đúng. Khi khách đến mua, đồ lễ được sắp sẵn theo đúng phong tục. Bộ đồ lễ cúng ông công ông táo gồm 3 chiếc mũ nhỏ, 3 đinh tiền, 3 thếp tiền vàng; hay lễ cúng giao thừa gồm 2 mũ áo cho quan hành khiển của năm cũ và năm mới và 2 lễ tiền; hoặc như lễ giải sao cũng chỉ vài nghìn.
“Khi bốc mộ là chuyển về nhà mới thì mới hóa nhà cho họ. Nhà cũng nho nhỏ tượng trưng chứ không phải làm to như thật. Chỉ cần dâng cúng tiền vàng, tiền vàng đó có thể trao đổi và mua được các vật dụng trong thế giới bên kia, chứ không phải hóa những thứ như tủ lạnh, xe máy, ô tô, tivi... như người ta vẫn làm. Cách làm như vậy là hoàn toàn không đúng!”