Lọt vào hậu cung với ba ngàn cung tần mỹ nữ mà không “tịnh thân” (loại bỏ một phần bộ phận sinh dục), viên hoạn quan thực sự đã “chuột sa chĩnh gạo”.
Theo Sohu, vào khoảng giữa và cuối thời Đường (Trung Quốc), quyền lực của các hoạn quan đã lên đến đỉnh điểm. Không chỉ nắm binh quyền, một số hoạn quan thậm chí còn thao túng cả tính mạng của hoàng đế.
Năm 824, thái tử Lý Giám lên ngôi, lấy hiệu là Đường Kính Tông. Nói về những hoàng đế không thích làm vua nhất lịch sử Trung Quốc, Đường Kính Tông xếp hàng đầu. Vị hoàng đế chưa đầy 20 tuổi này nổi tiếng ghét chuyện triều chính, phê duyệt tấu chương. Ông chỉ thích tổ chức các trò chơi dân gian như đá cầu, đua thuyền, đấu vật và săn bắn.
Nhờ thế lực của cha nuôi, hoạn quan “rởm” Lưu Khắc Minh thâm nhập hậu cung mà không trải qua “tịnh thân” (ảnh minh họa)
“Ngôi hoàng đế không phải thứ ta muốn. Ta chỉ muốn được chơi đời đời kiếp kiếp” là câu nói nổi tiếng của Đường Kính Tông được lịch sử ghi lại.
Chính vì bỏ bê chính sự, Đường Kính Tông để cho hoạn quan tâm phúc của mình là Lưu Khắc Minh lũng loạn cả triều đình lẫn hậu cung.
Là con nuôi của đại thái giám Lưu Quang Thời, Lưu Khắc Minh được đưa vào cung hầu hạ thái tử Lý Giám từ khi con nhỏ. Cậy thế lực của cha nuôi, Lưu Khắc Minh tiếp cận với hoàng tộc mà không cần trải qua vòng tịnh thân. Mầm mống tai họa từ đây bắt đầu.
Theo Đường sử, Lưu Khắc Minh được miêu tả là có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, sở hữu làn da trắng và phong thái rất giống với nữ giới. Đặc biệt, hoạn quan này bẩm sinh đã không mọc được râu. Vì vậy, Lưu Khắc Minh sống thời gian dài trong cung nhưng thân phận thực sự lại không hề bị phát giác.
Do trạc tuổi thái tử, lại khéo léo, biết bày nhiều trò chơi, Lưu Khắc Minh nhanh chóng trở nên thân thiết với Lý Giám và rất được sủng ái. Để lấy lòng hoàng đế tương lai, Lưu Khắc Minh không tiếc thời gian và sức lực luyện tập thành thục các trò chơi mà Lý Giám yêu thích. Dần dần, họ Lưu trở thành người bạn thân thiết nhất của thái tử.
Đường Kính Tông – vị vua trẻ tuổi nổi tiếng vì mải chơi (ảnh minh họa)
Lên ngôi khi chỉ mới 16 tuổi, Đường Kính Tông vẫn là một ông vua mải chơi, đặc biệt là thích chơi với đám hoạn quan. Đường Kính Tông ban thưởng rất nhiều gấm vóc và vàng bạc cho các hoạn quan sau những buổi chơi đá cầu, yến tiệc, tấu nhạc, kéo co, đấu vật… bất chấp ngân khố cạn kiệt. Trong khi đó, Lưu Khắc Minh ngày càng trưởng thành trong chốn cung đình, sinh lực dồi dào, chất đầy mưu mô.
Vào cung được một thời gian dài, sống giữa hàng ngàn mỹ nữ được tuyển chọn cho hoàng đế, Lưu Khắc Minh ngày càng khó kiềm chế nổi bản thân. Thêm vào đó, việc Đường Kính Tông mải mê ăn chơi hưởng lạc khiến hoạn quan họ Lưu không còn biết kiêng dè gì nữa.
Ban đầu, Lưu Khắc Minh chỉ dám “mồi chài” cung nữ. Theo Sohu, hàng chục cung nữ đã dan díu với hoạn quan “rởm” này. Sau thời gian dài lộng hành, Lưu Khắc Minh không hề biết sợ mà còn bạo gan hơn. Nhận thấy phi tần của hoàng đế phần lớn đều trẻ đẹp, lại cô đơn vì bị bỏ rơi, hắn không ngừng buông lời tán tỉnh, lôi kéo những mỹ nhân này vào cuộc mây mưa vụng trộm.
Trước hết là Đổng Thục Phi, kế đó nhiều phi tần khác cũng dan díu với Lưu Khắc Minh. Chuyện gian dâm của họ Lưu lan truyền khắp hậu cung, nhưng tuyệt nhiên không đến tai Đường Kính Tông.
Lưu Khắc Minh qua mặt cả hoàng đế, thông dâm với cung nữ (ảnh: Phim truyền hình Trung Quốc)
Lưu Khắc Minh không phải là kẻ tầm thường, tuy tạm thời có thể dùng quyền thế và tiền tài để bưng bít thông tin nhưng hoạn quan “rởm” này biết rằng, “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Ngày sự việc bại lộ, cũng sẽ là ngày Lưu Khắc Minh rơi đầu. Để tránh hậu họa, Lưu Khắc Minh không ngừng củng cố thế lực, lôi kéo vây cánh tham gia âm mưu giết vua, thay đổi đế vị.
Đường Kính Tông ngây thơ, không hề biết nguy cơ lớn đang nhắm vào mình. Hàng đêm, hoàng đế trẻ tuổi vẫn mải mê cùng đám thị vệ chơi trò săn cáo. Theo Qulishi, cung điện dưới thời nhà Đường được xây dựng quá quy mô và xa hoa, không thiếu những khu vực bỏ hoang, ít người lui tới. Lũ cáo chọn đó làm nơi sinh sôi nảy nở.
Có lần, Đường Kính Tông vô tình phát hiện ra một con cáo chạy trong hoa viên. Ông không những không nổi giận mà còn vui mừng ra mặt. Ngay sau đó, Đường Kính Tông cho tổ chức trò săn cáo đêm ngay trong cung. Nhiều hoạn quan a dua nịnh hót, không khuyên can mà còn cho người lên những ngọn núi xung quanh thành Trường An, bắt thêm nhiều cáo thả vào cung cho hoàng đế săn bắn mua vui. Tình hình chốn cung đình ban đêm hỗn loạn không kể đâu cho hết.
Hoạn quan “rởm” táo tợn, dan díu cả phi tần của hoàng đế (ảnh: Phim truyền hình Trung Quốc)
Mỗi khi săn được nhiều cáo, Đường Kính Tông lại vui vẻ ban thưởng cho đám hoạn quan, thị vệ. Tuy nhiên, nếu một đêm chỉ bắn được vài con hoặc ra về tay trắng, ông sẽ đánh đập thậm tệ và trút giận lên đám quan viên theo hầu. Nhiều kẻ vì thế sinh ra oán ghét vị hoàng đế trẻ tuổi, tính nết thất thường này.
Hàng đêm, khi Lưu Khắc Minh gian dâm với phi tần cũng là lúc tiểu hoàng đế mải mê săn cáo. Có lần, đang lén lút tới cung của Đổng Thục Phi, Lưu Khắc Minh bị Đường Kính Tông tưởng nhầm là cáo và bắn trúng. Khi bị gặng hỏi, Lưu Khắc Minh khéo léo nói rằng mình chui vào bụi lùa cáo ra cho Đường Kính Tông bắn. Hoàng đế nghe vậy không nghi ngờ gì nhưng viên hoạn quan lấy làm chột dạ, cho rằng sự việc mình dan díu với phi tần bị phát giác chẳng còn xa.
Một đêm tháng 1.827, trở về sau cuộc săn cáo đêm, Đường Kính Tông cùng Lưu Khắc Minh và một nhóm hoạn quan khác mở tiệc. Lợi dụng lúc Đường Kính Tông say rượu, Lưu Khắc Minh cùng vài tên hoạn quan thổi tắt đèn, dùng dao đâm chết hoàng đế ngay trong cung. Đường Kính Tông mới 18 tuổi đã chết tức tưởi dưới tay người bạn thời thơ ấu.
Lưu Khắc Minh sau đó lập di chiếu giả, phong cho Giáng vương Lý Ngộ (anh họ Đường Kính Tông) làm hoàng đế, triệu các quan đại thần vào chầu. Lưu Khắc Minh còn bố trí thủ hạ nắm giữ các vị trí trọng yếu trong cung, muốn dùng vũ lực diệt trừ hết thế lực chống đối, dựng hoàng đế bù nhìn. Tuy nhiên, tính toán của hoạn quan họ Lưu thực sự quá ngây thơ.
Quá tin tưởng hoạn quan, Đường Kính Tông bị sát hại khi mới 18 tuổi (ảnh: Phim truyền hình Trung Quốc)
Một số đại thần bất đồng quan điểm với Lưu Khắc Minh như Vương Thủ Trừng, Ngụy Tòng Gián cho rằng, cái chết của Đường Kính Tông có nhiều điểm rất đáng nghi ngờ. Họ tuyên bố phe của Lưu Khắc Minh là loạn đảng giết vua và tập hợp Thần Sách quân, Phi Long quân (tên 2 đội cấm vệ quân thời Đường) kéo vào cung, tìm giết hết hoạn quan.
Nhận thấy tình thế không thể cứu vãn, Lưu Khắc Minh khóc lớn rồi nhảy xuống giếng tự sát. Thi thể của viên hoạn quan này sau đó bị thị vệ kéo lên, phanh thây để răn đe thiên hạ.
Sau vụ chính biến, Giang vương Lý Hàm (em trai Đường Kính Tông) được Vương Thủ Trừng phò tá lên ngôi, lấy hiệu là Đường Văn Tông. Đường Văn Tông ra sức ngăn chặn nạn hoạn quan lộng quyền nhưng thất bại. Nhà Đường ngày càng suy vong.