Những tưởng sinh ra là công chúa thì số phận của cô gái này sẽ tốt đẹp hơn so với người thường. Tuy nhiên, cô lại sớm trở thành một quân bài trên bàn cờ chính trị.
Công chúa Fawzia Fuad sinh ngày 5/11/1921, là con gái lớn của vua Fuad I (Ai Cập) và người vợ thứ hai, Nazli Sabri. Ngay từ khi chào đời, cả thế giới đã ở dưới chân Fawzia. Tuổi thơ của cô chỉ xoay quanh việc "yêu mến những người hầu, bà dì, thị nữ" hoặc có vẻ ngoài như vậy.
Tuy nhiên, gia đình Fawzia lại là định nghĩa hoàn hảo cho sự "rối loạn chức năng". Vua cha và mẹ cô coi thường nhau. Fuad I dùng đủ mọi quy tắc để kìm kẹp vợ mình, bà Nazli lại kiên cường. Ông chỉ để bà ra ngoài xem kịch và thường "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ. Có lẽ chính một gia đình không hạnh phúc như vậy đã đẩy Fawzia vào một cuộc hôn nhân ác mộng sau này.
Còn một điều rất quan trọng khiến Fawzia sau này gặp bất hạnh, đó chính là sự ngây thơ không tưởng của cô. Được bố mẹ gửi đến học tại một trường nội trú danh tiếng tại Thụy Sĩ, thông thạo tiếng Anh, Pháp và Ả Rập nhưng nàng công chúa lại rất ít kiến thức thực tế. Một nguồn tin từng mô tả "cô bé như được bọc trong lồng kính, được bảo vệ quá mức".
Sau khi du học trở về, Fawzia hy vọng được thực hiện những quyền tự do mà cô đã học được. Tuy nhiên, cô đã bị vỡ mộng bởi gia đình muốn công chúa tuân thủ các truyền thống của Ai Cập.
Đến khi Fawzia tròn 18 tuổi, bố mẹ cô bắt đầu tìm kiếm một người chồng đủ tiêu chuẩn cho con gái. Cuối cùng, họ nhắm tới Mohammad Reza Pahlavi, con trai vua Shah của Iran và là người kế vị ngai vàng. Nhưng cuộc hôn nhân này không giống như cổ tích bởi nó hoàn toàn vì lợi ích chính trị.
Đáng buồn thay, Fawzia không có tiếng nói trong cuộc hôn nhân tương lai của mình. Anh trai của cô, Farouk đã đưa ra mọi quyết định. Ngoài những bức ảnh, Fawzia và vị hôn phu của mình chỉ gặp nhau một lần trước ngày cưới.
Khi Mohammad Reza đến thăm nhà vợ tương lai, ông và nhà vua trẻ Farouk đã đi tham quan vòng quanh Ai Cập trong một cuộc gặp gỡ gia đình công khai. Người ta chú ý đến 2 người đàn ông và phát hiện chú rể trẻ khoác lên mình bộ quân phục giản dị còn Quốc vương Farouk lộng lẫy trong những bộ vest hàng hiệu.
Bản thân Mohammad Reza cũng không nhận thức được chuyện gì đang diễn ra. Mặc dù vua Farouk ký hôn ước cho em gái Fawzia của mình vào ngày 26/5/1938 nhưng phải mãi sau này chú rể Mohammad mới biết được tin trên thông cáo báo chí giống như nhiều người khác trên thế giới.
Dù bị "úp sọt" nhưng Mohammad Reza vẫn đồng ý kết hôn với Fawzia bởi cô ấy sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp lộng lẫy. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Cecil Beaton đã mô tả cô ấy là “Thần Vệ nữ Châu Á” với “khuôn mặt hình trái tim hoàn hảo và đôi mắt xanh biếc nhưng nhợt nhạt một cách kỳ lạ”. Trong khi những người khác so sánh cô với những huyền thoại Hollywood như Hedy Lamarr và Vivien Leigh. Cho đến bây giờ, Fawzia vẫn được mệnh danh là hoàng hậu đẹp nhất thế giới.
Ngày 15/3/1939, công chúa Fawzia và Thái tử kết hôn trong một buổi lễ xa hoa tại cung điện Abdeen ở Cairo. Chưa hài lòng với hôn lễ này, vua Farouk còn tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi là đại tiệc 20 món khiến công chúng chấn động. Đó có thể là lần cuối cùng Fawzia thực sự hạnh phúc.
Tiền không thể mua được hạnh phúc, cũng không giúp người ta yêu nhau. Công chúa Fawzia không biết tiếng Ba Tư trước khi hứa hôn và thái tử Mohammad cũng không biết tiếng Ai Cập. Cặp đôi nói tiếng Pháp với nhau nhưng điều này không giúp được gì cho công chúa khi về nhà chồng.
Sau đám cưới, Fawzia cùng mẹ khởi hành đến Iran và ngay lập tức họ trải qua một điềm báo đen tối. Hai người phụ nữ đi bằng tàu hỏa và con tàu mất điện nhiều lần. Rất nhiều người cho rằng vũ trụ đang cố gửi tín hiệu gì đó đến cho Fawzia.
Mọi thứ dường như vẫn tuyệt vời khi Fawzia nhập cảnh. Cô tổ chức lễ cưới thứ hai tại cung điện cẩm thạch xinh đẹp của Tehran. Các đường phố của thủ đô Iran cũng rực rỡ các biểu ngữ, cổng chào lễ hội. Hoàng gia Iran thậm chí còn tổ chức một buổi lễ ăn mừng lớn dành cho nàng với những món ăn Pháp đắt tiền. Nhưng không hiểu sao, Fawzia lại có cảm giác nôn nao trong lòng.
Ngay từ những giây phút đầu tiên tại cung điện Iran, Fawzia đã cảm thấy bất an. Cô nhanh chóng phát hiện ra gia đình chồng không chỉ kỳ quặc mà còn rất kinh khủng. Bố chồng cô, Shah Reza Khan là một người độc đoán, bạo lực. Điều không may là chồng cô cũng chẳng mấy khác biệt.
Vua Shah nghĩ rằng việc thể hiện tình cảm với con sẽ khiến cậu bé có xu hướng đồng tính, và ông không để điều đó xảy ra. Kết quả là thái tử tính nóng như lửa, không biết cách thể hiện bất cứ cảm xúc nào với người khác.
Mẹ và các chị gái của thái tử Mohammad Reza cũng không tử tế với nàng dâu mới đến. Đặc biệt, thái hậu Tadj ol-Molouk coi Fawzia là đối thủ tranh giành tình yêu của con trai bà. Mối thù gia tộc âm ỉ trở thành bạo lực trong chớp mắt.
Fawzia đã phải cố gắng rất nhiều để sống hòa bình với gia đình chồng nhưng ngay cả thiên thần cũng không đủ kiên nhẫn để đối phó với họ. Một ngày nọ, nàng công chúa và chị chồng xảy ra xô xát. Người phụ nữ đã phẫn nộ dùng một bình hoa đập lên đầu Fawzia. Tuy nhiên, cả gia đình nhà chồng và thái tử Mohammad lại không mảy may bênh vực.
Nếu Fawzia có bất cứ ảo mộng nào về một "hoàng tử quyến rũ" thì Mohammad Reza khiến cô nhanh chóng tỉnh mộng. Cô sớm nhận ra anh ta là một người lăng nhăng và có vô số mối quan hệ ngoài luồng. Điều đáng nói, người đàn ông này trơ trẽn đến mức ngoại tình công khai. Người ta thường thấy anh ta lái xe quanh thị trấn cùng những cô tình nhân của mình.
Cuối cùng, mối quan hệ lạnh nhạt của Fawzia với chồng và gia đình nhà chồng khiến cô trở nên ẩn dật. Cô từ chối tham gia mọi buổi tiệc tùng kể cả khi chồng đến cầu xin.
Vì quá đau đớn, u uất mà đến năm 1944, công chúa phải đến gặp bác sĩ để thăm khám tình trạng trầm cảm nặng của mình. Tình hình bất ổn của cô cũng đồn thổi về quê hương Ai Cập khiến gia đình lo lắng. Họ đã cử đặc phái viên đến xem công chúa sống ra sao và những gì ông ấy nhìn thấy thật khủng khiếp.
Khi đại sứ đến Tehran, ông chứng kiến sự rối loạn cảm xúc của Fawzia. Công chúa chỉ còn da bọc xương, bả vai cô "nhô ra như của một số loài cá thiếu dinh dưỡng".
Fawzia sẽ chẳng là gì nếu không làm tròn bổn phận của một nàng dâu hoàng gia và cô biết nhiệm vụ của mình là sinh cho Iran một người kế vị. Vì vậy, vào tháng 10/1940, hơn một năm sau khi kết hôn, cô hạ sinh công chúa Shahnaz Pahlavi. Đó không phải một đứa con trai như chồng cô mong đợi và về sau họ không có thêm người con nào nữa.
Năm 1942, bố chồng Fawzia qua đời, Mohammad Reza trở thành vua và cô trở thành Nữ hoàng Iran. Đây là đỉnh cao của vận mệnh hoàng gia nhưng trong miệng cô khi ấy có cảm giác như tro tàn. Với đứa con trong bụng và chiếc vương miện trên đầu, Fawzia càng bị trói buộc chặt hơn với cuộc hôn nhân này. Tuy nhiên, sâu bên trong, Fawzia đang chuẩn bị cho một cuộc giải cứu chính mình.
Vào tháng 5/1945, Fawzia thực hiện giai đoạn đầu trong kế hoạch trốn thoát của mình. Năm đó, cô rời Iran về Ai Cập với lý do nhớ nhà. Sau đó, Fawzia quyết không trở lại Iran nữa.
Trong khoảng thời gian xa cách trước sóng gió này, chồng Fawzia dường như đã ăn năn trước những lỗi lầm của mình, hoặc ít nhất anh đã tự ý thức được điều đó. Đến cuối năm 1945, cuộc hôn nhân của họ chấm dứt. Những năm tháng ở bên người đàn ông đó đã tôi luyện cho Fawzia ý chí sắt đá. Cô đã thành công trong việc ly hôn với quốc vương Iran.
Phải mất 3 năm dài Iran mới chính thức công nhận mong muốn của Fawzia và cho phép cô ly hôn. Hơn nữa, cựu nữ hoàng phải từ bỏ tước vị và vùng đất cao quý của mình, làm các thủ tục trở lại cung điện Ai Cập.
Một trong những điều kiện duy nhất mà vua Iran đưa ra cho vợ cũ, cũng là điều kiện tàn nhẫn nhất chính là cô phải từ bỏ quyền nuôi con gái Shahnaz. Cô bé 5 tuổi phải ở lại cung điện Iran và Fawzia chỉ có thể mong đợi những lần thăm nom khắc nghiệt sau này. Đáng buồn thay, đó không phải sự hy sinh cuối cùng của Fawzia.
Trong thời gian sống ở Ai Cập, xa người chồng tồi, Fawzia đã gặp đại tá Ismail Chirine, một người đàn ông thông minh, phong độ, là một thành viên nổi bật của xã hội Ai Cập. Cô không lãng phí thời gian để ở bên người đàn ông này.
Vào ngày 28/3/1949, chỉ một năm sau khi chính thức ly hôn với vua Iran, Fawzia kết hôn với đại tá. Trái ngược với đám cưới hoàng gia đầu tiên của mình, hôn lễ lần này của công chúa diễn ra rất riêng tư. Những tháng năm sau đó Fawzia rất hạnh phúc. Cặp đôi đã có với nhau 1 gái, 1 trai viên mãn.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào năm 1952, một cuộc đảo chính nổ ra ở Ai Cập, lật đổ vua Farouk và chế độ quân chủ. Fawzia cũng theo đó mà sa sút theo. Sau cuộc cách mạng năm 1952, Fawzia không còn là công chúa Ai Cập nữa. Không chỉ mất danh hiệu, cô còn mất hầu hết tài sản còn lại, trở thành Fawzia Chirine bình thường.
Năm 1976, nhiều thập kỷ sau cuộc đảo chính tước bỏ mọi đặc quyền hoàng gia, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã tìm đến gia đình Fawzia và mời bà trở lại cung điện xưa. Fawzia trò chuyện vui vẻ và đồng ý trở lại hoàng cung lần đầu tiên sau 24 năm.
Sau một đời đầy biến động, Fawzia đã trút bỏ được mọi gánh nặng của quá khứ. Ngày trở lại cung điện hôm ấy, bà nói: "Hai lần trong đời tôi đã đánh mất vương miện. Một lần là Nữ hoàng Iran, một lần là công chúa ở đây. Bây giờ tất cả đã biến mất, nó không còn là vấn đề nữa".
Fawzia qua đời ở tuổi 92 và đã gần như bị lãng quên vào những năm tháng cuối đời. Bà ra đi thanh thản, đám tang diễn ra một cách lặng lẽ. Mọi chuyện khác xa với bi kịch như cuộc hôn nhân đầu tiên bà trải qua. Và có lẽ đó là những gì mà vị công chúa cuối cùng của Ai Cập mong muốn.