Để học sinh tiểu học bình bầu những bạn có thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc đã khiến cho dư luận xôn xao, lo ngại việc đấu đá, mất đoàn kết. Tuy nhiên, thực tế các em ngưỡng mộ các bạn học giỏi chứ không hề ganh ghét, hãm hại bạn như người lớn nghĩ.
Không nên quá nặng nề
Chiều 6/1, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về việc đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc để học sinh bình bầu cho nhau khiến không ít thầy cô và phụ huynh lo ngại bởi thay vào đó các em lại nói xấu nhau và mất đoàn kết vì ai cũng muốn mình được nhận giấy khen.
Tuy nhiên, thực tế thầy Nguyễn Trọng Đạt, hiệu phó trường tiểu học Nguyễn Khuyến cho rằng sự việc không... nghiêm trọng như dư luận suy diễn. Cụ thể như trường tiểu học Nguyễn Khuyến, do số lượng học sinh không nhiều nên giáo viên sẽ chọn những điểm mạnh của từng học sinh để tuyên dương. Mục đích là các em cảm thấy được ghi nhận thành tích cố gắng của mình và những em chưa được khen sẽ có động lực để phấn đấu.
Không nên quá nặng nề trong việc để học sinh bình bầu.
Việc bình bầu sẽ diễn ra công khai, giáo viên chọn học sinh nổi trội ở từng lĩnh vực và trưng cầu ý kiến cả lớp. Phụ huynh cũng góp phần nhỏ trong việc bình chọn thành tích của học sinh. Cuối cùng cô giáo chủ nhiệm và nhà trường sẽ quyết định khen thưởng cho các em.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh có 3 lĩnh vực đánh giá là kiến thức, kỹ năng và thái độ tương ứng với mức độ hoàn thành là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành. So với cách đánh giá cũ là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến thì theo thông tư 30, khen thưởng phân bố nhiều hơn, dàn trải hơn. Mặt khác, có học sinh không học giỏi nhưng lại được mặt khác như phẩm chất tốt, vượt khó, trả lại của rơi... vẫn được nhận giấy khen. Do vậy, tâm lý các em cũng sẽ thoải mái hơn trong việc bình bầu.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, phụ huynh của học sinh học lớp 2 ở Hà Nội tỏ ra đồng tình với việc để các em học sinh bình bầu cho nhau: "Trẻ con hồn nhiên vô tư và biết chính xác mỗi bạn trong lớp có ưu điểm gì. Cô giáo có thể quý bạn này, thích bạn kia nên có phần thiên vị trong khen thưởng, nhưng học sinh tiểu học thì sẽ "công tâm" nhất.
Có khi chính cha mẹ mới là người suy diễn vì không đồng tình với bình chọn và cho rằng đáng lẽ con mình phải được thành tích cao hơn hay xứng đáng với phần thưởng khác".
Học sinh tiểu học... sòng phẳng
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, sau khi thông tư 30 được áp dụng đại trà trên cả nước, các thầy cô giáo than phiền các em học sinh tiểu học không còn quan tâm đến việc học hành như trước nữa vì tính chất ganh đua đã giảm rõ rệt, điều này cũng đã ảnh hưởng đôi chút đến hiệu quả học tập. Vì thế, để học sinh tự bình bầu nhau cuối kỳ tạo hiệu ứng thúc đẩy đam mê học tập cũng là một kết quả đáng mong đợi của các em.
Học sinh tiểu học ngưỡng mộ và thích chơi với các bạn học giỏi chứ không ganh ghét và tìm cách hãm hại bạn.
Vị này cũng bày tỏ: "Nếu chúng ta nhớ lại khi chúng ta còn nhỏ, thì rõ ràng bạn nào học giỏi ở trong lớp sẽ được quý mến. Nếu bạn ấy ngoan và đáng yêu nữa thì lại càng được các bạn khác coi trọng. Tâm lý thích bạn học giỏi là tâm lý chung của mọi người đi học, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, đánh giá của trẻ thường chính xác hơn của người lớn rất nhiều.
Học sinh tiểu học cũng sòng phẳng hơn người lớn. Thường thì chúng ngưỡng mộ và thích chơi với các bạn học giỏi chứ không ganh ghét và tìm cách hãm hại bạn. Điều này người lớn chúng ta phải học ở trẻ.
Hơn nữa, việc bình bầu chút ít vào cuối năm cũng là một tiêu chí khiến cho lũ trẻ phải cố gắng hơn, bên cạnh việc học hành chăm chỉ, các cháu chắc chắn sẽ phải tìm cách sống hòa đồng và thoải mái với bạn bè hơn. Vì nếu một cháu học giỏi mà nhiều tính xấu nên cả lớp ghét thì chắc chắn cũng không được bình bầu.
Đây cũng chỉ là một chi tiết nhỏ trong thông tư 30. Điều này không có gì là đặc biệt tồi tệ như suy diễn của người lớn. Khi một bạn nào đó được cả tập thể tuyên dương thì cũng là niềm vui cho chính bạn ấy và động lực cho cả lớp phấn đấu. Nó không quá nhiều, không ảnh hưởng liên tục từng ngày như đánh giá điểm mọi khi. Vì thế, đám trẻ vẫn chơi hòa đồng và vui vẻ".
Dù vậy, TS Vũ Thu Hương cho rằng, hướng bình xét cuối năm không nên tuyên dương một cá nhân. Nếu như chúng ta cho trẻ được đánh giá cả tập thể, mọi cá nhân đều có tác động đóng góp đến danh hiệu của tập thể đó thì chắc chắn sẽ có tác động tốt thúc đẩy khả năng làm việc nhóm của từng thành viên phát triển.