Hơn 1 tháng sóng gió, lần đầu tiên Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ

Ngày 09/04/2020 06:30 AM (GMT+7)

Sáng ngày 9/4, Việt Nam không công bố trường hợp nào nhiễm COVID-19, không chỉ có vậy, số ca mắc đang điều trị được công bố khỏi bệnh cũng gia tăng.

Ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17 và cũng là ca đầu tiên ở Hà Nội. Kể từ đó, nước ta chính thức bước vào giai đoạn 2 của dịch, số người mắc COVID-19 ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Tính đến hết ngày hết ngày 8/4 đã có 251 ca dương tính với COVID-19 đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hà Nội và TP HCM đang là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất.

Trong số các ca mắc đến thời điểm này, đa số bệnh nhân là du khách, công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thời gian gần đây bắt đầu ghi nhận những ca lây nhiễm trong cộng đồng, mất dấu ca F0 khiến công tác phòng bệnh gặp không ít khó khăn và phải chuyển sang giai đoạn 3 để phòng dịch.

Trong hơn 1 tháng qua (tính từ 6/3), đây là lần đầu tiên Việt Nam không công bố trường hợp dương tính COVID-19 nào trên toàn quốc trong vòng 24 giờ. Trước đó, có ngày nước ta ghi nhận 19 ca dương tính, còn lại bình quân mỗi ngày công bố khoảng 4-5 ca nhiễm.

Hơn 1 tháng sóng gió, lần đầu tiên Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ - 1

Kể từ ca thứ 17 nhiễm COVID-19 ở phường Trúc Bạch, ngày 9/4 đây là lần đầu tiên Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong 24 giờ

Trong số 251 ca dương tính, Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 126 người, dự kiến ngày 9/4 sẽ có 2 ca xuất viện. 125 ca dương tính còn lại hiện đang được điều trị ở nhiều cơ sở y tế khác nhau từ tuyến huyện đến tuyến Trung ương. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nhất nước ta cho đến thời điểm hiện tại.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho rằng, phải kiên định với 5 nguyên tắc đã được thực hiện ngày từ những ngày đầu thực hiện phòng chống dịch COVID-19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi, chúng ta phải quyết liệt thực hiện, không được chủ quan, mất cảnh giác.

Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng các đối tượng F1, F2 và dập dịch.  

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” mở rộng đối tượng rà soát. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…

Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.

Con trai lập ban thờ, chịu tang bố trong khu cách ly: Trên trời mong cha hiểu cho
Do đi từ vùng dịch về, cách ly chưa đủ 14 ngày nên chú Sỹ buộc phải ở lại khu cách ly khi biết tin bố mất, việc làm này để bảo vệ người thân, cộng...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19