Để chuẩn bị cho sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp ứng phó nhanh chóng.
Sáng 27/3, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 500.000. Tính đến 10h ngày 27/3, có tổng cộng 534.386 ca nhiễm virus, 24.073 người tử vong và 119.987 người được chữa khỏi. Trong số đó, đáng chú ý nhất là Mỹ bởi chỉ sau một đêm, quốc gia này đã tăng mạnh về số ca nhiễm, hiện đứng đầu thế giới, vượt qua cả Trung Quốc và Ý. Mỹ hiện có 85.327 người nhiễm bệnh, 1.306 người tử vong và 252 người được chữa khỏi. Mỹ hiện đang là ổ dịch lớn nhất thế giới, theo sau là Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Iran...
Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng triển khai hành động để ứng phó với dịch bệnh. Để đáp ứng số bệnh nhân ngày một gia tăng theo cấp số nhân, nhiều khu vực đã gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến chỉ trong vài ngày, cung cấp vật tư y tế, cơ sở vật chất và nhân lực để chuẩn bị cho dịch bệnh.
Một bệnh viện dã chiến 2.000 giường được thành lập nhanh chóng tại Iran.
Tại Iran, quân đội đã nhanh chóng thành lập một bệnh viện dã chiến 2.000 giường bệnh tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Tehran để ngăn chặn dịch bệnh chết người. Quốc gia này hiện có 29.406 ca nhiễm virus corona chủng mới, 2.234 người tử vong và 9.625 người đã khỏi bệnh.
Tại Tây Ban Nha, các nhân viên y tế đang chuẩn bị tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên tại một bệnh viện dã chiến ở khu triển lãm Ifema, thành phố Madrid. Đơn vị quân đội khẩn cấp Tây Ban Nha đang lắp đặt một bệnh viện với công suất 5.500 giường và một đơn vị chăm sóc đặc biệt. Tính đến sáng 27/3, Tây Ban Nha đã ghi nhận 57.786 ca nhiễm COVID-19, 4.365 người tử vong và 7.015 người được chữa khỏi, đứng thứ 4 trên thế giới về số ca nhiễm bệnh.
Một bệnh viện quân đội ở Tây Ban Nha có sức chứa 5.500 giường.
Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha xây dựng trung tâm y tế để khám bệnh cho người dân.
Chính quyền Tây Ban Nha đã dốc hết sức mình để chiến đấu với dịch bệnh, đặc biệt trong tình hình quốc gia này ghi nhận là một trong những nơi có tỷ lệ tử vong trong một ngày cao nhất thế giới, 738 người. Tổng số người đã chết vì COVID-19 tại Tây Ban Nha thậm chí còn vượt qua Trung Quốc - ổ dịch đầu tiên của thế giới.
Tại Thủ đô London của Anh, Trung tâm hội nghị ExCel đã biến thành một bệnh viện dã chiến với sức chứa 5.000 giường bệnh, trong đó có khoảng 2.000 giường bệnh giành cho bệnh nhân nguy cấp. Chính phủ Anh hiện đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến, cung cấp đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như máy thở, máy đo nhịp tim, để đáp ứng tình trạng bệnh nhân ngày càng tăng lên.
Trung tâm hội nghị ExCel tại London, Anh biến thành bệnh viện dã chiến.
Gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến ở Bergamo, Ý.
Ý hiện vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới với 8.215 người tử vong, cao quá gấp đôi Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tốc độ lây nhiễm tại Ý trong vài ngày qua đã có dấu hiệu chậm lại. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với "ổ dịch lớn nhất châu Âu".
Nhiều bệnh viện dã chiến đã được xây dựng trên khắp nước Ý, đặc biệt là ở thành phố Bergamo, vùng Lombardia, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
Brazil xây dựng bệnh viện dã chiến ở phía bắc thành phố Sao Paulo.
Bulgaria xây dựng bệnh viện tạm thời để phục vụ người bệnh.
Một công viên đô thị tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha đã được triển khai thành một phòng khám quy mô lớn, cho phép thử nghiệm virus cho người dân trong vòng 5 phút. Một bệnh viện dã chiến khác cũng được xây dựng tại thủ đô của Bồ Đào Nha. Quốc gia này hiện có 3.544 người nhiễm bệnh, 60 người tử vong và 43 người được chữa khỏi.
Một số quốc gia châu Âu khác như Bulgaria và Serbia cũng xây dựng thêm nhiều phòng khám và bệnh viện để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh mẽ số người nhiễm COVID-19.
Một trung tâm điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 được thành lập tại Washington, Mỹ.
Quân đội Serbia thành lập bệnh viện dã chiến chỉ trong vài ngày.
Tiếp bước Trung Quốc và Nga, chính quyền nước Đức cũng đã quyết định xây dựng một bệnh viện dã chiến mới để điều trị COVID-19. Chính quyền thành phố Berlin đã đồng ý kế hoạch xây dựng một bệnh viện cho tối đa 1.000 bệnh nhân.
Tại thành phố Sao Paulo, Brazil, một bệnh viện dã chiến với sức chứa 2.000 bệnh nhân đã được thành lập. Tính đến 10h sáng 27/3, Brazil có 2.985 người nhiễm virus, 77 người tử vong và 1 người khỏi bệnh.
Tại Mỹ, một số tòa nhà tạm thời đang được xây dựng để thay thế cho bệnh viện dã chiến, giảm sức ép lên các bệnh viện công hiện đang quá tải vì số lượng bệnh nhân tăng lên hàng giờ.