Trong khi hầu hết các đồng nghiệp đều đã nghỉ vì sợ lây lan dịch bệnh, nam bác sĩ này vẫn mở cửa phòng khám, rộng mở vòng tay chào đón những bệnh nhân tới khám chữa khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ.
Bác sĩ Kamran Ali là một bác sĩ đa khoa làm việc tại 2 phòng khám ở khu Kallangur và khu Kenmore, ngoại ô thành phố Brisbane, bang Queensland, nước Úc. Thông thường, anh sẽ làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều ở phòng khám nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh thậm chí còn làm việc muộn hơn rất nhiều dù không ai ép buộc cả.
Hầu hết các phòng khám quanh đó đều đã đóng cửa do các bác sĩ tại đây lo sợ dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới bản thân và gia đình, một số bác sĩ làm việc tại nhà nhưng không nhiều. Tại phòng khám chi nhánh Kallangur, bác sĩ Kamran là người duy nhất còn làm việc.
Bác sĩ Kamran tại Úc.
Anh Kamran đã làm việc miệt mài, liên tục suốt 28 ngày qua mà không có lấy một ngày nghỉ. Mỗi ngày, anh phải tiếp nhận khám chữa từ 50 - 55 bệnh nhân, bất kể có lúc chính bản thân cũng cảm thấy mệt mỏi và bất chấp cả nỗi lo sợ bị lây nhiễm virus từ bệnh nhân mình khám cho.
Cô Nazia, vợ của bác sĩ Kamran, chia sẻ: "Toàn bộ hệ thống phòng khám chăm sóc sức khỏe trong khu vực này đang quá tải. Có nhiều bác sĩ mắc bệnh mãn tính, đang mang thai hoặc có con nhỏ. Họ đang rất căng thẳng và áp lực. Các bác sĩ cũng sợ hãi dịch bệnh như bất cứ ai. Họ đang ở tiền tuyến và chính là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Đây là một khoảng thời gian thực sự khó khăn".
Do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên còn hệ thống y tế lại quá tải, bác sĩ Kamran không thể dừng lại công việc của mình vì không muốn chứng kiến bệnh nhân ngã xuống do nhiễm virus. Cách đây 1 tuần, anh đã tổ chức một buổi tư vấn cho bệnh nhân về dịch COVID-19 ngay tại nhà để xe, vì không muốn ảnh hưởng tới những người đang nằm trong phòng chờ.
Bác sĩ Kamran đeo khẩu trang và mặt nạ do sinh viên y khoa tặng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Kamran cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn vật tư y tế như quần áo bảo hộ, khẩu trang hay găng tay. Theo cô Nazia, chiếc khẩu trang và mặt nạ bảo hộ mà anh Kamran đang dùng là do một sinh viên y khoa trong vùng tặng. Việc thiếu hụt cơ sở vật chất này có thể ảnh hưởng rất lớn đến các bác sĩ, tăng nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân.
Cô Nazia cũng cho biết, số lượng bệnh nhân quá lớn buộc các bác sĩ như anh Kamran phải chọn lọc bệnh nhân để điều trị. Những trường hợp nguy kịch vẫn đang được ưu tiên nhất, trong số đó có rất nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm vì sự chậm trễ y tế.
Bác sĩ Kamran nói với vợ: "Tại thời điểm này, anh không thể nghỉ ngơi được. Những bệnh nhân này không có nơi nào để đi, các phòng khám xung quanh đều đã đóng cửa và không chấp nhận họ".
Gia đình của bác sĩ Kamran.
Cô Nazia chia sẻ, dù mỗi buổi tối về nhà anh Kamran đều kiệt sức nhưng vì sức khỏe của người dân, anh vẫn say mê với công việc này mỗi ngày. Dù rất lo lắng cho sức khỏe của chồng, cô Nazia chưa một lần ngăn cản, ngược lại luôn động viên, hỗ trợ anh Kamran từ phía sau.
Hôm 22/3 vừa qua, cô Nazia đã đăng tải câu chuyện của chồng mình lên một nhóm mạng xã hội Facebook nói về những hành động tử tế trong đại dịch COVID-19. Câu chuyện về sự hy sinh của anh Kamran cùng nhiều bác sĩ khác đã thu hút sự chú ý lớn, nhận được hơn 51.000 lượt thích và gần 6000 bình luận.
"Nhiều người khác đã lan tỏa những hành động đẹp. Tôi đã thấy mọi người làm điều tốt đẹp cho những người xung quanh: miễn phí tiền thuê nhà, tặng đồ tạp hóa... Thật đáng kinh ngạc. Khi bạn nhìn thấy những hành động tử tế diễn ra xung quanh, nó sẽ thúc đẩy bạn làm nhiều việc tốt hơn nữa", cô Nazia nói.