"Vụ việc là điều trường không mong muốn. Hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm trước" - vị đại diện Trường THCS Bạch Đằng nói với báo giới.
Chiều nay (26/5), Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND quận 3 đã họp báo cung cấp thông tin về vụ cây phượng bật gốc trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) khiến nhiều học sinh bị thương, trong đó có một bé tử vong.
"15h chiều nay, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng lãnh đạo thành phố đã đến viếng học sinh tử vong tại nhà riêng" - ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết tại buổi họp báo. Cũng theo ông Từ Lương, gia đình em học sinh bị tử vong là hộ cận nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn.
Có mặt tại buổi họp báo, thầy Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng cho biết, quy định của nhà trường là giáo viên và học sinh tập trung có mặt tại trường lúc 6h30. Thời điểm cây đổ là các em đang ngồi ăn sáng với nhau thì cây bất ngờ đổ.
Thầy Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng trả lời phỏng vấn của phóng viên tại họp báo. Ảnh: Kim Vân
"Vụ việc là điều trường không mong muốn. Nhà trường rất đáng tiếc. Hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm trước vì cây xanh nằm trong khuôn viên quản lý của nhà trường" - thầy Nguyễn Vạn Phúc nói.
Cũng theo thầy Phúc, tính đến đầu giờ chiều nay, Công ty quản lý cây xanh đã dọn dẹp xong vụ tai nạn tại sân trường. Hiện tại, trong trường còn có một cây phượng lớn nữa, nhà trường đã đồng ý cho Công ty quản lý cây xanh cho đốn bỏ.
Tham dự buổi họp báo, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho hay: Vụ việc xảy ra tại trường Bạch Đằng là sự việc rất đáng tiếc, ở TPHCM chưa có trường hợp nào xảy ra như vậy. Đây cũng là một bài học cho toàn ngành giáo dục trong việc tiếp tục công tác kiểm tra an toàn cho học sinh nói chung và an toàn cây xanh trong trường học nói riêng.
Cũng theo ông Lê Hoài Nam, hiệu trưởng các trường học không được tự ý đốn cây, đối với cây trên 10m, phải làm văn bản gửi cơ quan chức năng thẩm định.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vụ việc cây phượng bật gốc đè chết học sinh là sự việc rất đáng tiếc. Ảnh: Kim Vân
Tại buổi họp báo, ông Trần Quang Bá - Phó Chủ tịch UBND quận 3 - cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, trường THCS Bạch Đằng đã đưa các cháu vào các bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Công an quận 3 cử công an khám nghiệm hiện trường và xử lý vụ việc.
Trong số 18 em bị thương, có 8 em được đưa vào Bệnh Viện Nhi đồng 2. Đến trưa nay, 5 em đã được khám ổn, bệnh viện cho về, 3 em bị gãy tay, chân được giữ lại chỉ định mổ và theo dõi.
Ngoài ra, có 4 em được nhập viện Bệnh viện chấn thương chỉnh hình SAIGON - ITO thì có 1 em đã về nhà, 1 em mổ xương tình hình đã ổn. 5 trường hợp học sinh còn lại chỉ bị thương nhẹ.
Cây phượng lâu năm bị bật gốc đè nhiều em học sinh. Ảnh: Từ Lương
Đối với các học sinh bị thương, UBND quận 3 đã cùng nhà trường và phụ huynh đến các bệnh viện thăm hỏi. Quận có chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các nhà trường xem lại các cây xanh ở sân trường để tránh các trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
Riêng với trường hợp em Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 2008, học sinh lớp 6.8, ngay sau khi xảy ra tai nạn đã được chuyển ở Bệnh viện An Sinh nhưng không qua khỏi, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đến bệnh viện và nhà riêng, bước đầu hỗ trợ 40 triệu.
Ông Trần Quang Bá thông tin, trường hợp gia đình bé Kiên rất đáng lưu tâm. Gia đình em là hộ cận nghèo. Mẹ bé Kiên mới sinh em bé được 3 ngày.
Như Gia đình và Xã hội đã đưa tin, khoảng 6h15 hôm nay, một cây phượng lâu năm ở sân trường THCS Bạch Đằng (đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) bất ngờ bật gốc ngã xuống đè một nhóm học sinh.
Vụ tai nạn làm 13 học sinh bị thương được chuyển đến các bệnh viện. Theo đó, 8 học sinh được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có 4 em bị gãy xương, 4 em bị xây xước nhẹ.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Saigon ITO (Phú Nhuận), các bác sĩ đang điều trị cho 3 học sinh bị gãy xương, 1 em bị xây xước nhẹ.
Tuy nhiên, em N.T.K, sinh năm 2008, học sinh lớp 6.8, được cấp cứu tại Bệnh viện An Sinh (ngay gần trường THCS Bạch Đằng) đã tử vong.
Mặc dù em K đã được các bác sĩ Bệnh viện An Sinh tích cực hồi sức tim phổi trong 65 phút nhưng không thành công.
Sau khi biết tin em K bị tai nạn, mẹ của em đã nhanh chóng đến bệnh viện và khi hay tin con mình không qua được, chị đã bị ngất xỉu. Ngay sau đó chị được chuyển vào khoa Cấp cứu của bệnh viện. Được biết, mẹ em K mới sinh em bé thứ hai được vài ngày.