"Kẻ cắp gặp bà già" - Khi các app vay tiền online gặp "cao thủ"

H.G - Ngày 08/10/2021 06:45 AM (GMT+7)

Không ít người lao đao khi bị tra tấn tinh thần vì dính vào các app vay tiền trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều "cao thủ" đã xuất hiện, tấn công vào điểm yếu và kiếm tiền bằng chính những app cho vay này.

Đặc điểm của các app cho vay tiền trực tuyến là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và không yêu cầu tài sản thế chấp, phù hợp với nhiều người cần tiền gấp mà không xoay xở được. Tuy nhiên, vì cách thức cho vay dễ dàng nên tiền lãi rất cao và chỉ cho vay trong thời gian ngắn (7,14 hoặc 21 ngày). Đơn cử như app V Đồng với những lần đầu vay tiền, hạn mức sẽ từ 1-3 triệu đồng, tín dụng tốt hơn sẽ được nâng lên từ 5-10 triệu đồng. Vậy nhưng số tiền thực nhận sẽ bị trừ đi các khoản phí dịch vụ, ví dụ vay 3 triệu nhưng nhận về tài khoản chỉ có 2 triệu 300 nghìn đồng.

Rất dễ dàng tìm được app vay tiền trên hệ điều hành ios hoặc android.

Rất dễ dàng tìm được app vay tiền trên hệ điều hành ios hoặc android.

Cho vay dễ dàng mà cách đòi nợ cũng cực kì độc đáo. Khi tải app vay tiền, bạn đã vô tình cung cấp thông tin cá nhân của mình như: Danh bạ, Facebook, hình ảnh… Trong trường hợp không trả nợ đúng hạn, những nhân viên của các app này sẽ khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện, nhắn tin, ghép ảnh bêu xấu rồi gửi qua Facebook gia đình, bạn bè, thậm chí còn làm phiền đến nơi làm việc của con nợ. Nhiều người vì không có khả năng trả nợ, quá khủng hoảng về mặt tâm lý nên đã tìm đến các nhóm “hỗ trợ, giúp đỡ anh em bùng tiền vay”.

Xuất hiện nhan nhản những hội nhóm giúp đỡ “bùng tiền”

Không khó để tìm các hội nhóm này trên Facebook, chỉ cần gõ những từ khóa “cách bùng tiền vay”, “vay tiền không trả”, “đối phó vay online”… là bạn đã có thể tìm thấy các nhóm lớn, nhỏ từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên. Nội dung các bài chia sẻ phần lớn đều hỏi về cách thức trốn trả nợ app vay tiền, chia sẻ cách thức trấn an gia đình khi bị làm phiền và thậm chí là cách đối phó với các khoản vay tại các ngân hàng chính thống.

Một tài khoản Facebook H.T đăng bài xin bí quyết, ngay lập tức rất nhiều “chuyên gia” không ngần ngại chia sẻ: “Bạn đăng bài trên facebook đính chính và nói với người thân là thông tin cá nhân bị ăn cắp và không hề vay tiền ở đâu cả.” Hoặc là: “Bật chế độ im lặng hoặc đổi sim mới, bơ đi mà sống. Ai nói gì kệ họ vì người ta không sống thay cho mình. Bỏ hết đi mà làm lại cuộc đời”. Thậm chí còn có những người nhận gọi điện nói chuyện với gia đình nạn nhân để tạo dựng lòng tin.

Một bài đăng điển hình trong nhóm giúp đỡ bùng tiền.

Một bài đăng điển hình trong nhóm giúp đỡ bùng tiền.

Đối với trường hợp người vay ngân hàng bị gửi giấy yêu cầu thanh toán nợ hoặc bị cán bộ thu hồi nợ đến nhà thì nhóm này cũng chỉ ra những cách đối phó tạm thời. Những bình luận kiểu như: “Không trả được bị bỏ thôi bạn, ngân hàng cùng lắm là nợ xấu, giao dịch dân sự không đi tù đâu mà lo. Sau này tính tiếp, bây giờ lo thân đã” cũng không hiếm.

Thông thường những người vay tiền online có xu hướng vay rất nhiều app một lần, vay app này trả app khác và bị vướng vòng xoáy không trả được tiền. Trao đổi với bạn M.H – một nạn nhân vay tiền qua app: “Ban đầu mình chỉ muốn vay 3 triệu để làm việc riêng vì ngại vay tiền bạn bè, nhưng đến hạn chưa có tiền trả nên đành kiếm app khác để vay vì sợ bị đòi nợ. Cứ dần dà như thế số tiền lên tới vài chục triệu lúc nào không hay. Cuối cùng, vì sợ quá nên đành nói thật với gia đình để tìm cách giải quyết.”

Nhưng không phải ai cũng may mắn như bạn M.H, nhiều người bị dồn vào đường cùng và đành chấp nhận đổi hết danh dự, niềm tin vì trót lỡ vay tiền online.

“Nghề” bùng app

Không ít người vì quá khó khăn nên phải tìm đến app vay tiền nhưng cũng có nhiều người lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế cho vay này để chiếm đoạt tài sản. Khi vay tiền, các ứng dụng cho vay đều yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại gia đình, một vài hình ảnh để thẩm định. Một nhóm người đã nhanh chóng nắm bắt được thời cơ và bày ra đủ mánh khóe để lách được sự khủng bố đòi nợ.

amp;#34;Kẻ cắp gặp bà giàamp;#34; - Khi các app vay tiền online gặp amp;#34;cao thủamp;#34; - 3

Họ “nuôi” nhiều tài khoản Facebook, Zalo trong thời gian dài và hoạt động y như Facebook của một người dùng thật. Thông qua các chợ đen mua bán giấy tờ, những người này thu mua căn cước công dân, hộ khẩu với số lượng lớn và dùng những giấy tờ này để mở tài khoản ngân hàng online (một số ngân hàng không cần mở tài khoản tại quầy), chuẩn bị rất nhiều sim rác và tạo ra nhiều danh bạ đối phó với bên cho vay. Một số app cho vay có công nghệ đơn giản, không kiểm tra được độ thật giả của giấy tờ, vậy nên đã xuất hiện rất nhiều dịch vụ ăn theo như làm giả giấy tờ, bán Facebook, nhận nghe điện thoại thẩm định…

Với cách thức hoạt động vô cùng tinh vi, nhóm người này sẽ vay rồi trả tiền ở một vài lần đầu để gây dựng nên uy tín cho tài khoản vay của mình, khi được vay với hạn mức cao hơn thì sẽ rút lui trong êm đẹp và không sợ bị đòi nợ vì toàn bộ thông tin đều là giả. Có thành viên từng khoe mình bùng được hơn 40 app, web với số tiền gần 60 triệu đồng, trừ đi các khoản chi phí bỏ ra ban đầu cũng kiếm được không ít.

Những tưởng "ngon ăn", không ít người học theo những chiêu trò mách nước tinh vi, làm giả danh tính hòng qua mặt các app cho vay. Tuy nhiên, việc xúi giục lừa tiền bùng nợ lẫn cố tình quỵt nợ không trả đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền qua app, web rồi quỵt nợ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015.

Cùng với đó, những người "vẽ đường cho hươu chạy" mách nước cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. 

Tháng 6/2020, ứng dụng cho vay Cashwagon bị Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) điều tra về hành vi kinh doanh tín dụng đen. Đài truyền hình Việt Nam VTV cũng đã rất nhiều lần làm phóng sự, đi sâu vào hoạt động cho vay trực tuyến này. Có rất nhiều app cho vay minh bạch, công khai với số lãi theo quy định của pháp luật, tuy nhiên đa số đều là những hình thức tín dụng đen núp bóng app cho vay, lãi suất cắt cổ.

Hiện nay, việc quản lý, xử phạt các app cho vay còn lỏng lẻo, người dân cần cảnh giác để không vướng vào những hoạt động cho vay phi pháp. Hãy tìm đến những nơi cho vay uy tín, có ký kết hợp đồng rõ ràng và công khai.

Khốn đốn vì bị app cho vay nặng lãi lừa, người phụ nữ kêu cứu và bài học cảnh tỉnh
Đúng lúc rơi vào tình trạng bí tiền do dịch bệnh COVID-19, lại không muốn phiền người thân nên chị N "liều mình" tải app cho vay về điện thoại và điền...

Tin tức 24h

H.G
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lừa đảo