Di chuyển đường xa, nghỉ Tết nhiều ngày rất nhiều người sợ mèo cưng của mình đổ bệnh, vì thế họ không tiếc tiền thuê khách sạn cho thú cưng ở, bất chấp chi phí đắt đỏ.
Từ phòng bình dân đến khách sạn cao cấp dành cho mèo đều cháy phòng dịp Tết
Ghi nhận tại cả cơ sở nhận trông giữ thú cưng ở Hà Nội dịp giáp Tết Quý Mão (2023), hiện nhu cầu đặt phòng đang tăng chóng mặt, rất nhiều cơ sở từ giá bình dân, đến khách sạn cao cấp đều đã cháy phòng. Theo chia sẻ của các chủ cơ sở, năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát người dân về quê nhiều nên nhu cầu gửi thú cưng tăng cao hơn mọi năm. Trong các loại thú cưng được gửi thì năm nay mèo chiếm chủ yếu, lên đến 80%.
“Tôi nghĩ năm nay là năm Mão nên lượng người gửi mèo đông hơn mọi năm. Hơn nữa, mèo cũng hiền lành, dễ trông giữ hơn chó nên mọi người yên tâm gửi tại các các cơ sở trông giữ”, chị Hồng – chủ một cơ sở trông giữ chó mèo bình dân chia sẻ.
Mèo được gửi ở các cơ sở sẽ tùy vào cơ sở vật chất, cách thức chăm sóc mà có giá khác nhau.
Mèo được gửi tại phòng bình dân sẽ có giá từ 60.000-80.000 đồng/ngày trở lên. Còn tại các khách sạn cao cấp giá cao hơn gấp 4-5 lần, với giá từ 250.000-300.000 đồng. Tuy nhiên số lượng phòng những dịp cận Tết luôn ở trong tình trạng "cháy phòng".
Chị Vũ Thị Thu Hương (SN 1988), chủ khách sạn dành cho thú cưng có địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, năm nay ngoài số lượng khách quen thì khách lạ đặt cũng tăng lên. Hiện 20 phòng cao cấp tại cơ sở của chị Hương đã không còn chỗ trống. Chị cho biết, với những khách hàng không gửi được tại cơ sở, chị sẽ trực tiếp tư vấn việc di chuyển mèo khi đi đường xa, cung cấp thức ăn đạt chuẩn cho thú cưng để người nuôi yên tâm.
Chị Hương cho biết, thú cưng được gửi ở khách sạn sẽ được chăm sóc từ bữa ăn, cho đến cắt tỉa lông, móng đến spa hàng ngày...
Giá trông giữ tại khách sạn cao cấp của chị Hương rẻ nhất là 250.000 đồng/phòng. Nếu thú cưng càng lớn thì giá sẽ càng tăng hơn, chủ đặt yêu cầu dịch vụ càng cao như tỉa lông, spa, tắm gội hàng ngày thì giá cũng sẽ cũng sẽ tăng thêm khoảng 200.000 đồng. “Hiện khách sạn đa số nhận đơn trông mèo là chính, chó cũng có nhưng ít hơn”, chủ khách sạn cho hay.
Theo chị Hương, không phải cứ có tiền là gửi được thú cưng tại đây, mà khách sạn cũng có yêu cầu nhất định. Ví dụ như chỉ nhận mèo khỏe mạnh, mèo có thai nhưng không trong giai đoạn sinh con, đặc biệt là phải có chứng nhận tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định. Ngược lại, chủ vật nuôi khi trả tiền thuê người trông cũng sẽ đảm bảo quyền lợi, đó là hàng ngày được gọi facetime cho thú cưng của mình, quá trình tắm gội, spa hay tiêu chuẩn bữa ăn đều được giám sát và báo cáo thường xuyên.
Tất cả thú cưng được gửi tại khách sạn sẽ phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Sang-Xịn-Mịn từ bữa ăn cho đến khâu chăm sóc
Theo chị Thu Hương, nếu nhìn vào giá có lẽ ai cũng nghĩ là rất cao, thậm chí còn cao hơn so với một người thuê nhà nghỉ qua đêm. Tuy nhiên, nhìn vào cơ sở vật chất và quy trình chăm sóc thì số tiền đó mới chỉ đủ tiền gốc bỏ ra.
“Tôi kinh doanh chủ yếu các mặt hàng dành cho thú cưng, còn việc nhận chăm sóc chỉ là một phần trong đó và không có lãi từ nguồn thu này. Sở dĩ tôi làm dịch vụ này là xuất phát từ cái tâm, từ tình yêu với chó mèo, tôi coi chúng như người bạn và thương chúng khi phải di chuyển đường xa, bị ốm nên mới nhận trông giúp những ngày nghỉ lễ Tết hoặc các gia đình đi công tác xa không thể mang theo”, chị Hương tâm sự.
Khu vệ sinh sẽ được bố trí ngay trong phòng khách sạn, các nhân viên phải dọn dẹp hàng ngày, ngày giờ.
Theo đó, tại khách sạn này mèo sẽ được di chuyển bằng thang máy, mỗi con sẽ được ở riêng một phòng (trừ khi chúng đến từ cùng một nhà) trong đó có đủ cơ sở vật chật từ khu vệ sinh riêng, khu ngủ riêng, khu vui chơi riêng, suất ăn riêng và có người chơi cùng theo giờ. Đó là chưa kể các dịch vụ kèm theo như tắm gội. “Nhiều em mèo đến lạ, chúng đi vệ sinh không đúng chỗ, dính ra lông chúng tôi vẫn tắm gội miễn phí, dù chủ không thuê dịch vụ đó”, chủ khách sạn nói.
Bữa ăn của mèo vô cùng chất lượng, tùy sức ăn, tính cách sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.
Đặc biệt, bữa ăn hàng ngày của mèo cũng được lên thực đơn rất rõ ràng gửi cho chủ, đó đều là những đồ ăn cao cấp như các loại hạt hữu cơ, thịt thăn, giò lụa, trứng vịt lộn, pate…. Tất cả đều là những đồ tốt nhất. Lượng thức ăn sẽ tính theo cân nặng của mỗi chú mèo, sau đó phía khách sạn sẽ phải theo dõi vào nhu cầu ăn để căn chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, có những bạn mèo còn bé, đã già hay những bạn kén ăn, người chăm sóc đều phải lên thực đơn riêng, thậm chí là phải bón cho ăn. “Tóm lại chúng tôi chăm sóc như chăm con mọn, thậm chí còn hơn thế. Bởi chủ các em ấy (thú cưng) cũng đều có tình yêu với chúng, nên phải làm từ cái tâm, không thể làm cho xong chuyện được”, chị Hương tâm sự.
Hàng ngày, những chú mèo còn được nhân viên chơi cùng.
Theo chị Hương, năm 2023 là năm Mão nên nhiều người cũng chỉn chu với chú mèo cưng của mình hơn. Không ít người không tiếc bỏ ra số tiền lớn để trang hoàng cắt tỉa, tắm gội, trang trí cho mèo cưng của mình. Những bộ quần áo cho các “bé” cũng thường xuyên được thay mới khiến những chú mèo trở nên xinh đẹp và rạng rỡ.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc thú cưng, chị Hương khuyên mọi người nếu cho các “bé” về quê ăn Tết cùng gia đình nên tiêm phòng dại cho thú cưng trước khi mang về. Ngoài ra, nên cho thú cưng vào chuồng riêng, chuẩn bị đủ quần áo ấm. Thức ăn cho chó mèo những ngày nghỉ Tết phải luôn đảm bảo đầy đủ, giàu dinh dưỡng.