Khai giảng 2019 khắp cả nước: Nước lũ bao vây trường học, học sinh miền Trung không thể tới trường

Ngày 04/09/2019 12:30 PM (GMT+7)

Ngày 5/9 được chọn là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Nhưng năm nay, ở mỗi địa phương, không khí ngày khai giảng lại có những điểm khác biệt.

Miền Trung: Mưa lớn gây ngập lụt, hàng ngàn học sinh không thể dự lễ khai giảng

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, liên tiếp trong 2 ngày 2/9 và 3/9, trên địa bàn các tỉnh miền Trung xảy ra mưa lớn, cộng thêm nhiều đập thủy điện xả lũ, nhiều nơi bị ngập úng, chia cắt, sạt lở.

Nghệ An: Ngày 3/9, bà Hoàng Xuân Thảo, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, Phòng đã giao cho các hiệu trưởng, tùy thời tiết và điều kiện của từng địa phương để cho học sinh nghỉ học và nghỉ tập luyện, chuẩn bị có phương án thay thế cho lễ khai giảng.

Theo bà Thảo, hầu như các trường, học sinh không đi học mà chỉ tập luyện cho công tác khai giảng năm học mới. Một số trường THCS vẫn học bình thường nhưng thời tiết mưa to, nhiều tuyến đường bị ngập nên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đang làm văn bản giao quyền chủ động cho các trường.

Khai giảng 2019 khắp cả nước: Nước lũ bao vây trường học, học sinh miền Trung không thể tới trường - 1

Giáo viên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) di dời tài sản trong trường đến vị trí cao. (Ảnh: Tiền Phong)

“Ngập lụt thì tùy theo tình hình của từng vùng nhưng phần lớn học sinh tiểu học đều được nghỉ tập luyện. Theo lịch, sáng nay một số trường mầm non tập trung học sinh đến để làm quen trường lớp nhưng các tuyến đường bị ngập nên đành hoãn lại. Còn Phòng thì chuẩn bị phương án 2 cho lễ khai giảng nếu như tiếp tục mưa, thì tổ chức trong nhà đa chức năng, chỉ làm phần lễ chứ phần hội thì không làm được”, bà Thảo cho biết thêm.

Hà Tĩnh: Nhà máy thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn với lưu lượng 1.253 m3/s, khiến nhiều xã thuộc huyện Hương Khê bị ngập cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời dân khi cần thiết.

Ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, do mưa lớn nhiều tuyến đường bị ngập nên 26.000 học sinh thuộc các bậc học trên địa bàn phải nghỉ học.

Trong sáng 3/9, nhiều trường học trên địa bàn huyện Hương Khê đã phải di chuyển đồ dùng học tập, bàn ghế lên tầng cao hơn, đề phòng nước sông dâng cao gây ngập lụt.

Quảng TrịNgày 4/9, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh những ngày qua có mưa lũ lớn, chia cắt nhiều nơi ở vùng miền núi, đi lại rất nguy hiểm. Vì vậy, Sở này đã chỉ đạo các đơn vị, trường học có các phương án cho lễ khai giảng vào ngày mai.

Khai giảng 2019 khắp cả nước: Nước lũ bao vây trường học, học sinh miền Trung không thể tới trường - 2

Trường học ở Quảng Trị ngập trong biển nước

Theo đó, các trường phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức lễ khai giảng tại đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trường hợp tình hình thời tiết bình thường, địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.

Trong trường hợp mưa kéo dài, không thể tổ chức lễ khai giảng ở ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức.

Trường hợp thời tiết trên địa bàn diễn biến xấu có thể gây nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, địa bàn bị chia cắt do mưa lũ..., các trường chủ động dừng tổ chức lễ khai giảng, chọn thời điểm phù hợp khác để tiến hành.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Bộ GD&ĐT cũng đã có công điện khẩn gửi các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, TP khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc phòng, chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu giám đốc các sở, hiệu trưởng các trường trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra, sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão lũ. Nhà trường cũng cần lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho khai giảng năm học mới, xem xét lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn.

Đà Nẵng: Chủ trương khai giảng không quá 45 phút và lãnh đạo không phát biểu

Ngày 3/9, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết sở đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT, các trường THPT hướng dẫn về lễ khai giảng năm học mới. Chủ trương khai giảng tất cả các trường trên địa bàn với phương châm nhanh, gọn, không rườm rà.

Tất cả các trường đều tổ chức khai giảng vào ngày 5/9, bắt đầu từ 7h15 kéo dài tối đa đến 8h, tức, không quá 45 phút. Đối với trường mầm non và trường tiểu học có thể kết thúc sớm hơn.

Chương trình lễ khai giảng chỉ gói gọn đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước, phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng và đánh trống khai trường.

Khai giảng 2019 khắp cả nước: Nước lũ bao vây trường học, học sinh miền Trung không thể tới trường - 3

Khai giảng năm học 2019-2020 không có phần phát biểu của lãnh đạo (Ảnh: Infonet)

Lãnh đạo đến tham dự lễ khai giảng chỉ tặng hoa, chúc mừng, không phát biểu. Đối với hiệu trưởng nhà trường, phát biểu trọng tâm, chúc mừng năm học mới, không trình bày dài dòng. Thời gian phát biểu của hiệu trưởng chỉ từ 3 đến 5 phút.

Bà Thuận cũng cho hay, lễ khai giảng trên địa bàn TP.Đà Nẵng sẽ không có thả bóng bay. Ngay sau lễ khai giảng, tất cả các trường sẽ tiến hành vào học tiết thứ 2 theo thời khóa biểu.

TP.HCM: Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong lễ khai giảng

Sở GD-ĐT TP.HCM, sở đã có văn bản chỉ đạo các trường, các đơn vị giáo dục trên địa bàn lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường trong lễ khai giảng năm học mới.

Cụ thể là vận động học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh... không xả rác ra đường và kênh rạch - vì thành phố sạch và giảm ngập nước, thực hiện phong trào chống rác thải nhựa...

Về phong trào “nói không” với bóng bay trong lễ khai giảng, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết TP.HCM không có chủ trương cấm việc này, song các trường cũng ý thức được việc gì nên làm, việc gì không để ngày khai giảng thật sự ý nghĩa, tiết kiệm và bảo vệ được môi trường.

Kon Tum: Hiệu trưởng, Hiệu phó đến từng nhà “mời” trẻ đi học

Những ngày qua, các thầy cô Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Ngọc Yêu (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chuẩn bị hành lý vượt quãng đường hàng chục, có khi hàng trăm kilomet từ nhà đến trường để kịp đi vận động các em đến lớp.

Khai giảng 2019 khắp cả nước: Nước lũ bao vây trường học, học sinh miền Trung không thể tới trường - 4

Dù mưa gió, địa hình hiểm trở nhưng các thầy cô giáo vẫn đều đều đội mưa đi vận động học sinh (Ảnh: Dân Trí)

Trường THCS Ngọc Yêu, nơi được mệnh danh như “ốc đảo” bởi 4 bề là núi cao, xã nằm giữa lòng chảo. Thầy Võ Văn Cương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ngọc Yêu cho biết do đường lởm chởm, có những đoạn sình lầy trơn trượt sau trận mưa đêm khiến cả đoàn phải chật vật lắm mới đi qua được. Mặc dù quần áo, giày dép nhuộm bùn nhưng các thầy cô vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc.

"Trước đây đường còn xấu hơn, có khi cả người và xe lao vào vũng bùn. Việc trầy xước trên cơ thể là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, khi thấy các em đến trường đi học đầy đủ là mọi người đều quên hết đau đớn, khổ cực", thầy Võ Văn Cương chia sẻ.

Hai bé bị trao nhầm ở Ba Vì vào lớp 1: Nỗi lòng của người mẹ trong ngày khai giảng
Sau gần 2 tháng về với bố mẹ ruột của mình, 2 bé trai bị trao nhầm ở Ba Vì hôm nay đã đến trường dự lễ khai giảng năm học mới, chính thức bước vào lớp...
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày khai giảng