Khói rơm rạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp

Ngày 24/10/2015 00:09 AM (GMT+7)

Thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính, khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, nếu hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.

Thời gian gần đây, tại các quận nội thành Hà Nội thường xuyên xuất hiện tình trạng khói mù dày đặc. Ngoài những tác động trong thời điểm giao mùa gây nên hiện tượng sương thì một nguyên nhân khác khiến tình trạng này ngày càng gia tăng, đó chính là việc người dân đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành.

Theo đó, tạo các huyện như Hoài Đức, Chương Mỹ, Thường Tín… đang vào mùa thu hoạch và theo thói quen, sau khi rơm dạ được phơi khô, người dân sẽ đốt ngay tại ruộng với mục đích làm cho đất tốt hơn. Tuy nhiên, việc đất tốt hơn được bao nhiêu thì chưa rõ, nhưng những tác động của khói rơm rạ đang là cơn “ác mộng” đối với những người tham gia giao thông.

Không chỉ có vậy, các chuyên gia còn khuyến cáo, khói rơm dạ này khi bay lơ lửng trong không khí ngoài hiện tượng “gây mù” thì còn ảnh hưởng không hề nhỏ đối với sức khỏe của người dân.

Khói rơm rạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp - 1

Khói rơm rạ không chỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân khi hít phải.

Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo: “Người dân vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe như thế nào. Đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn.

Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư”.

Các chuyên gia phân tích, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính, khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.

Đánh giá về về những tác động của hiện tượng “mù khô” đối với mắt khi tiếp xúc, TS.BS Đỗ Quang Ngọc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi. Do đó, bác sĩ khuyên những người dân đang bị tiếp xúc với hiện tượng mù khô cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt tốt hơn.

“Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh”, bác sĩ Ngọc cho biết.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản khuyến nghị các địa phương hạn chế việc đốt rơm rạ để tránh tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đốt rơm rạ phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Vì vậy, các địa phương cần tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của việc này. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ cần nghiên cứu để có giải pháp xử lý đối với rơm rạ sau thu hoạch hiện nay, có công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác.

Theo các nhà khoa học, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt đồng sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự