Không ai được đưa hình ảnh của Văn Mai Hương lên mạng khi chưa được sự đồng ý

Ngày 29/12/2019 09:00 AM (GMT+7)

Theo luật sư, hành vi của kẻ phát tán clip của ca sĩ Văn Mai Hương là vi phạm pháp luật phải bị xử lý, nhưng trước khi được pháp luật bảo vệ, mỗi người cần biết tự bảo vệ mình trước.

Ngày hôm qua (28/12), dư luận bàn tán xôn xao về việc nữ ca sĩ Văn Mai Hương bị tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội. Những hình ảnh này được ghi lại cách đây 5 năm và được camera ghi lại ở nhà riêng. Điều đáng nói, trên một số video còn được gắn dòng chữ HackerPTG, nhiều người cho rằng đây chính là kẻ phát tán trái phép hình ảnh của nữ ca sĩ này.

Ngay sau khi xuất hiện, các clip đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhiều người kêu gọi bảo vệ nữ ca sĩ Văn Mai Hương, vì cho rằng đó là hình ảnh riêng tư, xảy ra tại nhà riêng chứ không phải hình ảnh công khai tại nơi công cộng. Đồng thời, cộng đồng mạng, trong đó có nhiều người nổi tiếng như MC Trấn Thành, người mẫu Lê Thúy,... cho rằng cần truy tìm kẻ phát tán video để pháp luật trừng trị.

Không ai được đưa hình ảnh của Văn Mai Hương lên mạng khi chưa được sự đồng ý - 1

Văn Mai Hương nhắn tin cho bạn: "Em chỉ muốn chết thôi" sau khi bị phát tán clip

Đây là hành vi vi phạm pháp luật

Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Hà Nội) cho rằng, việc video đời tư của ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán có thể do sự trả thù cá nhân vì một số phát ngôn "nóng" gần đây của nữ ca sĩ này.

“Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau miễn sao đừng vi phạm đạo đức hay pháp luật. Giả sử cô ấy (Văn Mai Hương - PV) có những phát ngôn không làm hài lòng thì chúng ta cũng không nên lấy một hành động sai trái để trả thù như vậy được. Dù những hình ảnh bị phát tán đã xảy ra cách đây 5 năm hay 10 năm, thì vẫn không có ai được sử dụng hình ảnh của cô ấy đưa lên mạng khi chưa được sự đồng ý”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Theo vị luật sư này, phải khẳng định việc hack và đưa hình ảnh của Văn Mai Hương lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền tự do hình ảnh, tự do nhân thân. Mọi hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin nhân thân của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

“Hành vi tung ảnh, clip nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp”, luật sư Bình nói.

Không ai được đưa hình ảnh của Văn Mai Hương lên mạng khi chưa được sự đồng ý - 2

Luật sư Bình cho rằng, cần xử lý nghiêm kẻ xâm phạm đời tư người khác.

Tùy vào tính chất sẽ xem xét xử lý hình sự

Luật sư Bình cho biết, việc phát tán thông tin đời tư người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 64 Nghị định 174/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể là 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:

b) Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định ;.…

Với những hình ảnh khỏa thân, clip nhạy cảm thì tùy thuộc vào nội dung, dung lượng và số người truy cập mà hành vi này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tội Làm nhục người khác hoặc tội Truyền đưa các thông tin dữ liệu trái phép trên mạng internet...

Khi cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ hành vi, động cơ và hậu quả thì cơ quan điều tra sẽ kết luận là có xử lý hình sự hay không, nếu có thì xử lý vào tội danh nào.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, sử dụng hình ảnh trái pháp luật, gây thiệt hại về tinh thần thì phải bồi thường theo quy định.

Không ai được đưa hình ảnh của Văn Mai Hương lên mạng khi chưa được sự đồng ý - 3

Hình ảnh riêng tư của Văn Mai Hương bị phát tán trên mạng.

Không chỉ người nổi tiếng, ai cũng được pháp luật bảo vệ

Từ sự việc của ca sĩ Văn Mai Hương, luật sư Bình thông tin, không chỉ ca sĩ hay người nổi tiếng mới được bảo vệ, mà tất cả mọi người trong xã hội đều được pháp luật bảo vệ khi bị kẻ xấu làm lộ bí mật đời tư khi chưa được cho phép.

Tuy nhiên, trong cuộc sống bản thân mỗi người cũng nên phải tự biết bảo vệ mình trước. Theo đó, việc bảo vệ hình ảnh, thông tin bí mật đời tư của cá nhân là việc rất quan trọng trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Những hình ảnh, clip nhạy cảm lưu giữ trên điện thoại, máy tính mà khi mất thì rất dễ bị phát tán. Ngoài ra khi lắp đặt camera giám sát phải thay đổi mật khẩu thường xuyên để tránh trường hợp những kĩ thuật viên lắp đặt camera sẽ truy cập trái phép vào hệ thống dữ liệu của khách hàng.

Do đó, để tránh những sự việc xấu có thể xảy ra thì mỗi người đều phải thận trọng và có ý thức trong việc bảo vệ quyền tự do hình ảnh, quyền nhân thân và bí mật đời tư của mình để tránh những vụ việc ngoài ý muốn như trường hợp trên.

“Hành vi truy cập trái phép vào thư tín, điện tín của người khác là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên khi xử lý đối tượng vi phạm thì hậu quả đối với nạn nhân là cũng hết sức nghiêm trọng. Vì vậy theo tôi cần phải nâng mức phạt vi phạm hành chính lên nhiều lần và tăng hình phạt mới đủ sức răn đe”, luật sư Bình đề xuất.

Điều 155. Tội làm nhục người khác (Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017) 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;...”

Vụ Văn Mai Hương bị lộ clip nhạy cảm: Clip từ 4 năm trước, mục đích của HackerPTG là gì?
Ngay sau khi loạt clip nhạy cảm của Văn Mai Hương xuất hiện, cư dân mạng đã lên án mạnh mẽ hành vi xâm phạm đời tư, truy tìm danh tính kẻ đứng sau vụ...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cư dân mạng