“Chúng ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”, Luật sư Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.
Chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam họp báo chính thức ra “Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN”. Ngoài việc tuyên bố quan điểm, Hội Luật gia còn trả lời báo chí các vấn đề liên quan dựa trên cơ sở pháp luật.
Tại cuộc họp, PV đề cập đến diễn biến mới nhất trên biển Đông, phía Trung Quốc có đề nghị phía Việt Nam rút tàu biển ở vị trí giàn khoan, mới đàm phán.
Trả lời câu hỏi, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng, đây là “đề nghị không bình thường”. Vì vị trí giàn khoan HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên lực lượng thực thi luật pháp của Việt Nam hoạt động là bình thường. Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán.
Ông nói thêm: “Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Chắc chắn, Việt Nam không bao giờ thực hiện vấn đề hết sức vô lý như vậy”.
Tàu bảo vệ giàn khoan HD-981 của TQ chủ động đâm, va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Pháp luật TPHCM
Khi được hỏi về tính thời điểm phía Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép và vùng biển Việt Nam, luật sư Trần Công Trục cho rằng, khi họ “tính bước mới”, họ đã đã tính toán thời điểm. Cụ thể, lúc này quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có tranh chấp ở Ukraine. Bây giờ nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra, nên có thể biển Đông không phải quan tâm số một nữa. Trung Quốc lợi dụng thời điểm này nhảy vào biển Đông.
“Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, dựa vào thái độ của các quốc gia có lợi ích trực tiếp trên biển Đông mà thời gian qua Trung Quốc đã thăm dò. Đó là sự tính toán thời điểm của Trung Quốc mà ta phải lưu ý”, luật sư Trục nhận định.
Ông phân tích, trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần này, họ đã có rất nhiều hoạt động trên các mặt như chính trị, ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông và đặc biệt là hoạt động trên thực tế.
Họ thăm dò, đe dọa, rồi tính thời điểm làm việc này. Và hành động mới đặt giàn khoan là bước tiến mới rất nguy hiểm của Trung Quốc. Đây là kết quả tất yếu mà Trung Quốc bày binh bố trận khá lâu rồi.
“Chắc chắn, họ sẽ tiến thêm để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố, là đường lưỡi bò. Nhưng họ có làm được hay không, lúc nào còn phụ thuộc vào chúng ta có bước ngăn chặn thế nào”.
Ông Trần Công Trục cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vấn đề này lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển. Philipines đã làm. Họ đã có hồ sơ rất đầy đủ kiện lên Hội đồng trọng tài về Luật Biển quốc tế. Hội đồng đã được thành lập với 5 thành viên, đang thụ lý hồ sơ. Việc làm trên đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Với tư cách thành viên và dựa vào Công ước LHQ về Luật Biển 1982, ta hoàn toàn có thể làm điều chính đáng, một biện pháp hòa bình, đó là kiện Trung Quốc ra tòa.
Ông nói thêm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nói trong cuộc điện đàm với phía Trung Quốc là Việt Nam sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để mà xử lý vấn đề. Một trong những biện pháp hòa bình là chúng ta đưa việc này ra các cơ quan tài phán quốc tế. Đây là việc làm đúng đắn, văn minh trong xã hội hiện đại.