Trong khi Tết Nguyên đán 2016 của người Kinh còn gần một tháng nữa mới tới thì trên các bản người Mông, không khí Tết đã tưng bừng rộn rã.
Người Mông trên đất nước Việt Nam nói chung và ở Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) nói riêng thường đón Tết cổ truyền sớm hơn 1 tháng so với các dân tộc khác. Họ quan niệm, mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận nên họ luôn luôn đón Tết vào ngày thứ 361 (mùng 1 Tết của người Mông).
Những ngày trước Tết, cờ Tổ quốc tung bay trên các nóc nhà người Mông ở Pà Cò để chào mừng năm mới.
Khác với người Kinh ăn Tết trong 3 ngày chính từ 1 - 3.1 Âm lịch, người Mông ăn trong 3 ngày từ 1 - 3.12 Âm lịch. Tết của người Mông sẽ kéo dài trong cả tháng 12 Âm lịch với nhiều sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc Mông.
Trước đó, từ 26 - 27.11 Âm lịch, người Mông tạm gác mọi công việc đi nương rẫy. Mọi người tập trung dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc… chuẩn bị đón Tết.
Ngày 30.11 Âm lịch, mọi dụng cụ cấy cày như cày, cuốc, xẻng,… đều được gia chủ rửa sạch sẽ, dán giấy màu đỏ đem xếp gọn vào góc bàn thờ, cạnh cây đào. Buổi chiều, những gia đình người Mông ở Pà Cò chuẩn bị giết lợn, gà, đồ nếp nương giã bánh giầy.
Những bông hoa đào bung nở, mận trái mùa vào hột là thời điểm Tết của người Mông đã đến.
Người dân lên rừng chọn những cành đào to đẹp, nở nhiều hoa về để trong nhà.
Mọi hoạt động nương, rẫy… sẽ được tạm gác để người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đón Tết.
Những dụng cụ lao động như cày, cuốc, xẻng… sẽ được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ dựng gần bàn thờ. Người Mông quan niệm, con người được nghỉ ngơi vui chơi Tết thì dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy thì năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu.
Chiều 30.11 Âm lịch, mỗi chiếc cột trong nhà của người Mông ở Pà Cò sẽ được cắm một nén hương để tạ ơn chúng đã chống đỡ, giúp ngôi nhà đứng vững qua bao mưa nắng trong năm.
Mọi đồ đạc trong nhà từ bàn, ghế, giường, tủ, cánh cửa, tivi… đều được dán giấy màu. Trong ảnh: Anh Phàng A Sênh (35 tuổi) đang làm thủ tục dán giấy lên các đồ vật để mừng năm mới.
Theo quan niệm của người Mông, bánh giầy tròn tượng trưng cho mặt trời- mặt trăng- nguồn giốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Khi nếp nương nhỏ mịn thành bánh giày, các cô gái trong nhà sẽ dùng lòng đỏ trứng gà xoa tay và bắt đầu gói bánh vào lá chuối. Những cặp bánh đầu tiên sẽ được dâng lên trời đất và thần mùa màng. Những chiếc còn lại được xếp gọn vào gùi.
Người Mông sẽ thịt một con lợn rừng ngon nhất để đón năm mới.
Các món ăn chế biến từ lợn rừng như hấp, luộc, nướng… được dùng để thết đãi khách quý đến chơi nhà trong ngày Tết.
Người Mông không đón giao thừa vào đúng khoảnh khắc 00h đêm 30 Tết như người Kinh. Khoảng 19 giờ tối, họ chỉ cúng ma nhà bằng một con gà trống tơ.
Gà sau khi làm lễ cúng sẽ được đem giết thịt. Máu gà được gia chủ vẩy quanh ban thờ. Đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ đọc bài khấn bằng tiếng dân tộc của họ.
Đặc biệt, trong đêm giao thừa gia chủ phải thức cả đêm. Nếu như người chồng say thì người vợ phải thức thay để giữ cho bếp luôn đỏ lửa.
Vào mùng 1.12 âm lịch, đàn ông phải làm hết mọi việc thay phụ nữ như nấu cơm, rửa bát, cho lợn, gà ăn... Bởi, đàn ông là trụ cột của gia đình nên mọi việc trong nhà phải có trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Từ ngày mùng 4 trở đi, người Mông bắt đầu đi chơi Tết. Những bộ váy áo truyền thống may trong năm sẽ được các thiếu nữ diện trong dịp này.
Những thiếu nữ người Mông sẽ rủ nhau chơi trò chơi dân gian như đánh cù, ném pao, đánh quay…