Kinh hãi phố lớn Hà Thành bán “độc dược” Vàng ô

Ngày 03/12/2015 00:00 AM (GMT+7)

Trước nạn sử dụng chất cấm tràn lan trong thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư, bổ sung 5 loại chất Vàng ô vào “danh mục cấm”. Thế nhưng thực tế, những “độc dược” nói trên vẫn đang được bày bán tràn lan ngay giữa phố lớn Hà Thành.

Lên phố Hàng Hòm  mua “độc dược”!

Chưa bao giờ vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lại “nóng” như thời điểm này. Trong phiên họp Quốc hội vừa qua, một Đại biểu đã phải thốt lên “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”. Và cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt quả tang hàng loạt công ty chế biến thức ăn chăn nuôi bất chấp quy định của pháp luật để trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi.

Vì lợi nhuận, nhiều chủ doanh nghiệp không ngại ngần trộn chất Vàng ô – một trong những chất độc bị cấm sử dụng vào cám để biến những con vật nuôi da xanh èo ọt thành màu vàng đẹp đẽ, để cho bắt mắt, dễ bán, dễ thu hút khách hàng. Trong quá trình thâm nhập để viết bài, PV Báo GĐ&XH đã chứng kiến chất Vàng ô được bán tràn lan và có thể mua bao nhiêu cũng được.

Ngày 30/11, có mặt tại cửa hàng V.T ở phố Hàng Hòm (Hà Nội), khi PV đề cập đến chuyện muốn mua Vàng ô với số lượng lớn, chủ cửa hàng không ngại đặt thẳng vấn đề “có thể mua Vàng ô về nhuộm vải, quét tường mà cũng có thể mua về trộn vào thức ăn chăn nuôi để da gia cầm, gia súc vàng óng”(?). Chủ cửa hàng này cũng tiết lộ, chủ yếu khách hàng đến đây mua chất này trộn vào thức ăn chăn nuôi. “Giá bán lẻ là 200.000 đồng/kg, còn mua buôn cả thùng 30kg còn 180.000 đồng/kg”, chủ hàng cho biết.

Kinh hãi phố lớn Hà Thành bán “độc dược” Vàng ô - 1

Cửa hàng này chuyên bán đồ sơn nội ngoại thất gồm cả những chất trong danh mục cấm trong chăn nuôi. Ảnh: C.Tuân

Theo quan sát của PV, những túi Vàng ô được các cửa hàng chia nhỏ theo khối lượng 100g một túi. Chất này có màu giống bột nghệ, được đựng trong các túi nylon không ghi rõ tên hàng hay địa chỉ cơ sở sản xuất. Khi PV đề cập mua với số lượng lớn, chủ cửa hàng dẫn PV vào bên trong xem một thùng nguyên đai nguyên kiện. Theo quan sát, Vàng ô được đóng trong một thùng phuy có sơn màu đen bên ngoài với trọng lượng 30kg cùng với dòng chữ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ “Made in China”.

Tại cửa hàng T.D trên cùng phố Hàng Hòm, khi PV hỏi về chất Vàng ô để trộn vào thức ăn chăn nuôi, vị chủ quán tỏ vẻ thận trọng rồi gật đầu. Chưa đợi đến lúc PV đặt câu hỏi về thành phần, xuất xứ và cả cách sử dụng thì người đàn ông đeo khẩu trang này nói gọn lỏn: “Ở đây tôi chỉ bán, còn cách dùng thế nào thì anh tự hỏi”.

Gói chất lạ mà ông này đưa cho chúng tôi cũng là một túi ni lông đựng 1 thứ bột màu đen từa tựa như than cám. Rồi người đàn ông này nhanh chóng treo túi ở xe máy của chúng tôi và xin tiền thanh toán mà không trả lời thêm bất cứ câu hỏi nào.

Cửa hàng sơn có thuốc “quét vàng” da gà thịt

Kinh hãi phố lớn Hà Thành bán “độc dược” Vàng ô - 2

Những gói Vàng ô và Vàng sắt mà PV dễ dàng mua được trên phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Dạo thêm một vòng quanh con phố này, chúng tôi tiếp tục ghé qua một cửa hiệu bán vật liệu sơn nội ngoại thất với nhu cầu tìm mua thuốc giúp tăng trọng và vàng da cho vật nuôi. Tuy đông khách nhưng nữ chủ cửa hàng vẫn không quên rỉ tai PV rằng, chỗ này vẫn có và chờ ít phút sẽ có “hàng”. Loại hàng mà chị ta mang ra cho chúng tôi xem được gọi là chất “Vàng tơ” có màu vàng giống như bột nghệ. Sau khi chuyển lọ thuốc, chị ta không quên dặn:

“Em về chỉ cần dùng khoảng 1 thìa nhỏ chất này hòa vào thức ăn cho gà hoặc pha với khoảng 5 lít nước ấm rồi quét lên da gà sau khi thịt, da sẽ vàng óng, trông rất bắt mắt và dễ bán hơn nhiều”.

Tại một cửa hàng ở đầu phố Hàng Hòm, chúng tôi cũng được một chủ quán giới thiệu gói bột màu đen được gọi là chất “Vàng sắt” và không có tên sản phẩm, thành phần hay nguồn gốc sản xuất ở đâu. Cũng như chất Vàng ô, Vàng tơ, chất Vàng sắt này cũng được sử dụng để biến những động vật từ da xanh, trắng thành… da vàng. Theo ghi nhận của PV, có không ít người đến khu phố này tìm mua những chất nói trên và việc mua bán đều dễ dàng như trở bàn tay.

Trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ tìm hiểu các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chúng tôi bắt chuyện được với người đàn ông tên H, trạc 50 tuổi, chủ cơ sở chăn nuôi ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ông H cho biết, thấy một số chủ chăn nuôi khác bảo mua chất Vàng ô về trộn vào cám hoặc quét trực tiếp lên da lợn trước khi xuất chuồng thì da lợn sẽ có màu vàng óng, trông bắt mắt và dễ bán hơn. Trò chuyện trên đường về, khi PV đặt câu hỏi có biết đây là chất cấm thì ông H lắc đầu tỏ vẻ sợ hãi: “Tôi nghe mọi người mách nên mua chứ có biết độc hại gì đâu”. Dứt lời, ông H vội phóng xe đi.

Một lượng nhỏ “hô biến” hàng nghìn con gà da vàng óng

“Đây là chất Vàng sắt có tác dụng làm cho da gà trở nên vàng óng. Cách sử dụng tốt nhất là nên hòa vào nước sôi từ 60 – 100 độ C cho mau tan rồi để nguội. Mỗi lần dùng chất này, chỉ cần 1 lượng nhỏ bằng đầu ngón tay rồi hòa vào xô nước là đủ biến hàng nghìn con gà thịt thành da vàng óng, nhìn rất bắt mắt”, ông chủ cửa hàng bán “chất cấm” ở phố Hàng Hòm giới thiệu.

Thích… đẹp dễ rước độc vào người

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân chính của việc các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trộn chất Vàng ô xuất phát từ tập quán tiêu dùng của người Việt Nam hay thích ăn những thực phẩm có màu sắc bắt mắt, nên dân buôn đã đánh vào điểm này để cho gia cầm ăn chất Vàng ô, hút thêm người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này chỉ giúp cho da, mỡ của gia cầm có màu vàng bắt mắt chứ không tăng thêm chất dinh dưỡng cho thịt, thậm chí còn khiến cho thịt của chúng trở thành chất kịch độc. Ông Dương cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen “ăn bằng mắt” vì đây có thể sẽ là nguyên nhân chính khiến họ sẽ sử dụng phải những loại thực phẩm chỉ đẹp mã ở bên ngoài, còn bên trong không những xấu mà còn rất độc hại.

Chất cực độc, gây ung thư cực cao ở người

Là người đặc biệt quan tâm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, Vàng ô là một loại chất màu chuyên dùng làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm màu vải. Còn trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, chất này đã bị cấm tuyệt đối trên toàn thế giới, dù liều lượng ở mức ít hay thậm chí là cực ít, bởi nó có tính chất cực độc, có khả năng gây ung thư cực cao ở động vật và đặc biệt là ở con người.

Theo đó, Vàng ô là chất thuộc nhóm anthraquinone, thường tồn tại ở dạng tinh thể hoặc ở dạng dung dịch đặc nhớt, có ánh kim, màu từ vàng nhạt đến vàng nâu, không tan trong nước mà tan trong mỡ và dung môi hữu cơ. Khi sử dụng chất Vàng ô để phối trộn thức ăn chăn nuôi cho gia cầm như vịt, gà sẽ làm cho mỡ, da (đặc biệt là da chân) và lòng đỏ trứng có một màu vàng bóng, trông rất bắt mắt đối với người tiêu dùng.

Vị chuyên gia thực phẩm này cũng cho biết, chất Vàng ô có khả năng xâm nhập vào cơ thể rất nhanh và dễ dàng, tuy nhiên lại không phân hủy hết và trở thành chất tồn dư trong cơ thể của động vật ăn phải. Nếu người nào ăn phải những con vật có tồn dư chất Vàng ô thì lượng chất Vàng ô tồn dư đó sẽ chuyển vào cơ thể của họ. Và là một chất hóa tan trong mỡ nên Vàng ô sẽ phá hủy gan của con người đầu tiên, khả năng ung thư gan là cực cao, sau đó là tới các bộ phận liên quan khác như thận.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thốt lên rằng: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành động tội ác, táng tận lương tâm nên cần hình sự hóa”. Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng cho biết: “Hiện, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và kiến nghị Chính phủ đưa hành vi sử dụng chất cấm vào Luật Hình sự với tội danh đầu độc con người. Ngày 16/11 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành thông tư, bổ sung 5 loại chất vàng ô vào “danh mục cấm” trong thành phần thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới 140 triệu đồng và các hình phạt bổ sung như thu hồi, tạm ngừng sản xuất”.

Theo Cao Tuân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Bão Yinxing di chuyển khá nhanh theo hướng tây tây bắc, hướng về vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sau khi đi qua ven biển...

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn