Kinh hoàng ‘tẩm’ thuốc độc cho chuối

Ngày 02/11/2015 11:11 AM (GMT+7)

Sáng 2/11, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương cho biết đã phát hiện một vụ tẩm hóa chất độc hại cho chuối. Cơ sở này sử dụng “khí đá” và thuốc diệt cỏ CO 2,4D để làm chuối chín và tạo độ cứng cho quả.

Trước đó, cơ quan này lập đoàn thực hiện kiểm tra 6 cơ sở sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất bảo quản nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh. Khi kiểm tra cơ sở của ông Vũ Xuân Tiến (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An), phát hiện có điều bất thường.

Qua kiểm tra kĩ, Chi cục bảo vệ thực vật phát hiện, cơ sở này đã sử dụng hai loại hóa chất độc hại “tẩm” vào chuối. Ngay lập tức, 200 kg chuối tại cơ sở này bị thu hồi. Đồng thời, cơ sở của ông Tiến bị lập biên bản, xử phạt 6,4 triệu đồng vì đã sử dụng hóa chất, yêu cầu không được sử dụng các loại hóa chất trên.

Kinh hoàng ‘tẩm’ thuốc độc cho chuối - 1

Chuối vàng ươm, chín đều, treo lủng lẳng là cảnh quen thuộc các đường phố Sài Gòn

Sau đó, cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã ra quyết định tiêu hủy toàn bộ 200 kg chuối của cơ sở này.

Đại diện Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương cho hay, dung dịch CO 2,4D là chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người buôn bán vẫn nhúng trái cây vào dung dịch này để tiêu diệt các vi sinh vật, giúp trái cây tươi ngon, cứng và được bảo quản trong thời gian dài.

Nhiều tiểu thương tại tỉnh Bình Dương, TP HCM cho biết, thời gian qua, báo chí đưa nhiều thông tin về các loại trái cây bị “tẩm” hóa chất độc hại nên người dân khá thận trọng. Đối với các loại trái cây có da đẹp, to bất thường đều bị người dân từ chối khi mua.

Trong khi đó, chuối là một trong những sản phẩm như vậy. Trước đây, nhiều người dân thích chuối có quả to. Tuy nhiên, bây giờ, tâm lý của nhiều người cho rằng, sơ dĩ chuối quả to là vì được bón quá nhiều phân và “tẩm” hóa chất.

Khó phân biệt bằng mắt thường

Một tiểu thương bán chuối xác nhận, ngoài những người làm ăn lương thiện, vẫn có một số người làm ăn gian dối hay vì lợi nhuận mà “ướp” hóa chất cho trái cây để mau chín, có màu sắc sáng, bóng và trái to. Chính vì những người hám lợi này dẫn đến sự lo ngại của người tiêu dùng, từ đó, người trồng lẫn người bán đều bị vạ lây.

Một tiểu thương khác lại cho biết, theo kinh nghiệm lâu năm, người dân chỉ nên mua những nải chuối vẫn còn xanh hay có vài trái chín xen xanh. Tuyệt đối, người dân không nên mua những nải chuối có màu sắc đẹp, cuốn héo nhưng trái vẫn còn tươi hoặc chín đều và sờ vào trái vẫn còn cứng. Những nải chuối như thế, phần lớn đều đã được xử lý qua hóa chất.

Kinh hoàng ‘tẩm’ thuốc độc cho chuối - 2

Chuối chín tự nhiên có màu lem nhem, da không căng bóng

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy (giảng viên khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành – TP HCM) cho biết, bằng mắt thường rất khó phân biệt được trái cây đã được xử lý bằng hóa chất hay không. Tuy nhiên, bà cho rằng, bằng kinh nghiệm, người dân vẫn có thể phân biệt tương đối thông qua màu sắc, hình dáng.

Trái cây nói chung, chuối nói riêng được “tẩm” hóa chất thường chín đồng đều không chỉ trong phạm vi một trái mà cả một lô so với chín tự nhiên. Chuối, được ủ chín sẽ có màu vàng ươm, căng bóng và đồng đều. Trong khi đó, chuối chín tự nhiên thường có màu lem nhem, da không căng bóng…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) cho biết, chín là quá trình chuyển từ tinh bột thành đường trong trái cây. Nếu xử lý trái cây chín nhanh thì chất lượng quả sẽ không được ngon. Người Việt Nam thường dùng “khí đá” để ép trái cây chín. Nếu người tiêu dùng tiếp xúc với “khí đá” trong khoảng thời gian dài có thể bị ngộ độc, ói mửa, ngứa ngáy ở miệng, cổ, ngất xỉu…  

Hoài Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn