Nhiều năm qua, mỗi khi có việc phải đi qua ngôi mộ ông ăn mày (xóm 8, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) người dân địa phương thường nhặt một viên đá đặt lên ngôi mộ để… cầu may.
Ngày này qua ngày khác, ngôi mộ bí ẩn ấy càng phình to, chiếm cả lối đi. Chính quyền địa phương đã vào cuộc dọn dẹp nhiều lần nhưng không xuể.
Ngôi mộ ông ăn mày ngày càng to ra do người dân đặt đá. Ảnh: T.G
Lời đồn kì bí về ngôi mộ cổ
Từ TP Vinh chạy xe gần 70km chúng tôi tìm về xã Thuận Sơn để tìm hiểu về ngôi mộ vô chủ bí ẩn này. Với người dân trong làng, ngôi mộ có từ bao giờ thì không ai biết rõ, bao thế hệ sinh ra đã thấy ngôi mộ nằm ở đó. Cụ Nguyễn Thế Đức (86 tuổi) cho biết: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy ngôi mộ này nằm ở đây rồi. Tôi chỉ nghe cha ông đi trước kể lại rằng vào trước những năm 1930 – 1931, khi nạn đói đang hoành hành khắp nơi, một buổi tối có một bà mẹ gánh một đứa con khoảng 4 hay 5 tuổi đi ăn xin, khi đi đến địa bàn xóm thì đói và mệt quá nên bà cùng đứa con ngủ lại bên đường. Gần sáng, đứa con nhỏ vì quá đói nên đã chết, sau đó người mẹ bỏ đứa con lại và ra đi. Sáng sớm hôm sau, những người đi làm đồng đã phát hiện ra xác của đứa bé, bên cạnh nơi đứa bé nằm mọc lên một đụn mối khá to cứ vậy bao trùm lấy thi thể đứa bé. Cũng tại vị trí đó, một cây gạo con mọc lên rất tươi tốt”.
Thấy sự lạ, người dân không dám chuyển thi thể đứa bé đi, không lâu sau đó, một ngôi mộ được hình thành. Không ai trong làng biết tên hay tuổi của đứa bé nên ngôi mộ trở nên vô danh và vô chủ. Về sau, người dân gọi đó là mộ của ông ăn mày. Theo đó, mỗi khi ai đi qua đều nhặt viên đá đặt lên mộ, số đá mọi người nhặt để lên mộ ngày càng nhiều khiến cho ngôi mộ ngày càng to ra, choán hết cả lối đi. Chính quyền xã Thuận Sơn đã phải mang ô tô đến để lấy bớt đá về xây trường học. Mặc dù vậy hiện nay ngôi mộ vẫn rất lớn, có diện tích hơn 10m2, cao gần 2m.
Chị Dương Thị Hóa (25 tuổi, một người dân trong xóm) cho biết: “Cứ vào các dịp lễ, Tết hay vào mùa thi cử, các sĩ tử cũng tìm đến trước ngôi mộ để cầu may. Bản thân tôi cũng vậy, trước đây khi còn đi học trước mỗi lần đi thi mình đều đến đó đặt đá”.
Chia sẻ về điều này, anh Phạm Đình Tú (SN 1976, nhân viên kinh doanh) cho biết: “Tôi tình cờ nghe và biết đến ngôi mộ khi lần đầu lên đây khảo sát thị trường cho công ty. Là dân buôn bán nên khi nghe người dân truyền lại tôi cũng vào thắp hương, đặt đá. Lâu dần thành thói quen cứ hễ đi qua ngôi mộ này tôi cũng vào thắp hương, cầu lộc”.
May mắn chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Bà Nguyễn Thị Hiển (81 tuổi, bán quán nước gần ngôi mộ) nói: “Từ khi có ngôi mộ đến nay, người nào đi chợ qua lại là lại ném lên mộ một hòn đá, cầu mong ngày đó bán đắt hàng. Chính vì vậy, trước đây ngôi mộ bé xíu bằng cái thúng nhưng giờ càng ngày càng to hơn. Lời đồn về ngôi mộ ngày càng lan xa nên bây giờ không chỉ người trong làng mà cả dân tứ xứ đi buôn bán, làm ăn đều tìm đến…”.
Bà Lê Thị Ngọc (75 tuổi, một người dân sống gần ngôi mộ) cho biết, vị trí nơi ngôi mộ nằm sát bên đường và là nơi có khúc cua gấp lại bị che khuất tầm nhìn. Năm 2009, khi dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 46A được tiến hành, trong khi khảo sát mặt bằng, phát hiện thấy ngôi mộ nằm án ngữ trên đường nên nhà thầu quyết định phải san phẳng nhưng sau đó nghe tương truyền thì họ bỏ đi.
Ông Nguyễn Thế Tài, Xóm trưởng xóm 8 (xã Thuận Sơn) cho biết, ngôi mộ nằm trên địa bàn xóm được rất nhiều người tìm đến cầu may, cũng có nhiều điển tích được lưu truyền nhưng việc có tồn tại thật hay không thì không ai biết được. “Việc người đi qua đặt đá và gặp may mắn có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi”, ông Tài chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Bốn, Chủ tịch UBND xã Thuận Sơn xác nhận: “Nhiều năm qua ngôi mộ vô chủ bên đường đã thu hút nhiều người trong và ngoài xã đến thắp hương. Việc người dân đặt đá cầu may cạnh mộ là có thật và đã nhiều lần số lượng đá quá nhiều gây cản trở giao thông trên đường buộc chính quyền phải cho người dọn bớt. Còn những câu chuyện đồn đoán liên quan đến ngôi mộ thực hư thế nào thì không ai kiểm chứng”.