Trước nhiều ý kiến không đồng tình trong việc sử dụng thang điểm 20 như dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ giữ nguyên thang điểm 10
Kỳ thi THPT quốc gia vẫn dùng thang điểm 10; thí sinh được mang Atlat vào phòng thi; các trường ĐH, CĐ có thể dùng kết quả của thí sinh thi cụm địa phương để xét tuyển... Đó là những thông tin mới nhất được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định trong buổi tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22-1 tại TP HCM.
Dùng thang điểm 10 để tạo sự ổn định
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nêu ra một số vấn đề mà ông cho là đáng quan tâm và cần làm rõ trong kỳ thi quốc gia lần đầu tiên được tổ chức. Đối với kỳ thi quốc gia, các trường được Bộ GD-ĐT giao tổ chức thi đang phải gánh 2 vai: vai cho sở GD-ĐT và vai cho các trường không tổ chức. Việc nhập vai đó, các trường vẫn chưa quen.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại tọa đàm Ảnh: TRẦN HUY
Về vấn đề kỹ thuật, TS Nghĩa cho biết ở TP HCM có tới 8 cụm thi, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó chủ tịch UBND TP; các phó ban là sở giáo dục, các trường. Với quy chế này, liệu ban chỉ đạo kỳ thi ở TP HCM có quá to? Ở điều 8 của quy chế, vấn đề tổ chức phòng thi, lấy số báo danh như thế nào cho hợp lý, dồn thí sinh vào các phòng thi như thế nào để tiện cho khâu tổ chức...
Một vấn đề khác mà các trường khi giải thích cho học sinh còn có sự khác nhau là đăng ký thi ở đâu? Dự thảo ghi là đăng ký ở nơi cư trú, vậy KT3 và tạm trú được không?
Vấn đề thang điểm, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng về kỹ thuật thang điểm 10, 20, 100 là như nhau nhưng vấn đề lớn nhất phải tạo ổn định trong xã hội. Do vậy, TS Nghĩa đề nghị dùng thang điểm 10 như cũ.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Kim, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho rằng học sinh trong trường THPT hiện đang áp dụng thang 10, do vậy nên duy trì thang điểm 10.
Nhiều vấn đề kỹ thuật cần sớm công bố
Các đại biểu còn đề nghị Bộ GD-ĐT nói rõ cấu trúc đề thi giống như kỳ thi trước đây là như thế nào. Atlat trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây thí sinh được mang vào phòng thi còn kỳ thi ĐH thì không. Vậy giống là như thế nào?
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là cấu trúc đề thi và bộ cần sớm công bố.
Còn theo ông Trần Luân Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An ninh, cần xem lại điều 8 và 9 trong quy chế vì chưa quy định rõ và quá phức tạp. Nếu để các trường tự in phiếu báo thi, lập danh sách thi... sẽ có nhiều điểm phức tạp. Cần phải thống nhất thời điểm phát giấy báo thi để thí sinh biết chắc thi ở cụm thi nào, giờ nào. Điều 28 của quy chế quy định về chấm kiểm tra, chấm thẩm định, kết quả được sử dụng như thế nào cũng không thấy quy định trong quy chế.
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, băn khoăn về vấn đề kỹ thuật. Đây là vấn đề các trường vẫn chưa an tâm. Về quyền lợi thí sinh, sự khác nhau của thí sinh thi ở tỉnh và cụm thi cần phải quy định rõ.
Đầu tháng 2 sẽ có quy chế chính thức
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định những thay đổi lần này và tới đây vẫn lấy quyền lợi, lợi ích căn bản của học sinh làm trung tâm. Phương án năm 2015 sẽ là hình hài của những năm tiếp theo. Đến năm 2016, phương án thi tốt nghiệp THPT có thể sẽ thay đổi một số chi tiết nhỏ nhưng về tổng thể vẫn giữ nguyên.
Về thang điểm 20 như dự thảo đưa ra, ông Luận cho rằng không khác biệt về bản chất do nhiều kỳ thi trước đó cũng đã sử dụng thang điểm này, thậm chí có lợi cho học sinh. Khác chăng là thầy cô phải vất vả hơn, bỡ ngỡ hơn vì chấm xong lại phải quy đổi điểm. Do đó, trong việc này Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến dư luận, giữ thang điểm 10.
Đối với sinh tự do, Bộ GD-ĐT cho phép các em có thể đăng ký thi ở bất cứ địa phương nào trên cả nước. Tuy nhiên, thí sinh đang theo học tại các trường THPT, GDTX phải tham gia thi một cách có
tổ chức.
Ông Luận tiết lộ cấu trúc đề thi năm nay sẽ tương tự 2 đề thi THPT và ĐH, CĐ năm ngoái, có câu dễ, câu khó, câu vừa... nhằm tạo điều kiện cho việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đối với mô hình đề thi, bộ sẽ đưa lên mạng, với thông tin về số lượng câu, kiến thức từng phần, độ khó... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết trên tinh thần không bắt thí sinh học thuộc lòng nên Bộ GD-ĐT sẽ cho các em mang Atlat vào phòng thi.
“Đầu tháng 2 này, bộ sẽ ban hành chính thức quy chế tuyển sinh 2015 sau khi nghe ý kiến từ nhiều phía. Việc lập hội đồng phúc khảo, xét kỷ luật, bộ sẽ xem xét bổ sung vào quy chế” - ông Luận cho biết.
Thi cụm địa phương vẫn được xét tuyển vào ĐH Thông tin thêm về kỳ thi tỉnh, liên tỉnh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay việc lập cụm thi liên tỉnh nhằm duy trì những ưu điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; bảo đảm độ tin cậy, tính khách quan, công bằng. Đồng thời, cụm thi liên tỉnh mang lại nhiều ích lợi cho thí sinh hơn, giúp các em được thi ở tỉnh mình hoặc tỉnh lân cận thay vì đến các TP lớn như mọi năm. Cũng theo ông Luận, bộ không bó hẹp cơ hội vào ĐH của các thí sinh thi ở cụm địa phương do sở GD-ĐT tổ chức. “Bộ chấp nhận việc thí sinh ở cụm địa phương xét tuyển vào bất kỳ trường ĐH, CĐ nào; kể cả các trường lớn, uy tín nếu trường đó chấp nhận xét tuyển thí sinh thi ở cụm này” - bộ trưởng nói. |