Vài năm trở lại đây, công việc của bộ phận lao công tại một số chung cư đã khác. Họ không phải mất thời gian phân loại rác thải, thay vào đó đã có những thùng rác đựng từng loại riêng biệt.
Mỗi buổi sáng trước đây, nhân viên dọn vệ sinh tại các khu đô thị ở Hà Nội – TP.HCM thường tập trung ở sân sau cùng nhau phân loại rác thải sinh hoạt của cư dân. Họ sẽ phân rác hữu cơ, gồm: cọng rau, hoa quả hỏng, cơm thừa,… vào một thùng đựng riêng, còn vỏ hộp, chai nhựa thì gom lại.
Nhưng vài năm trở lại đây, công việc của bộ phận lao công tại một số chung cư đã khác. Họ không phải mất thời gian phân loại rác thải, thay vào đó đã có những thùng rác đựng từng loại riêng biệt. Cụ thể, trước khi đem rác đi vứt bỏ, cư dân phải “lọc sẵn” đâu là rác hữu cơ, vô cơ và có thể tái chế được. Nhờ đó, người dân ý thức hơn về một cuộc sống xanh, tích cực tham gia các hoạt động giảm nhựa.
"Thói quen nào cũng có thể thay đổi được"
Năm 2013, chị Bùi Mai Thủy (36 tuổi) chuyển về khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) sinh sống. Ở đó rất yên tĩnh, nhiều cây xanh và sạch sẽ, vì vậy chị liền nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó để giữ không gian này và dạy các con biết yêu, bảo vệ môi trường sống. Lễ Giáng sinh 2014, chị kêu gọị toàn bộ cư dân ở đó cùng nhau làm một cây thông Noel cao khoảng 10m từ 5.000 vỏ chai nhựa để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Người dân tại nơi chị Thủy sống tiếp tục hạn chế sử dụng đồ nhựa và tìm cách tái chế chúng.
Cây thông Noel được làm bằng những chai nhựa đã qua sử dụng.
Sau khi cây thông Noel thật lớn được thắp sáng, người dân mỗi ngày đi qua ngắm cây thông ấy lại chia sẻ với nhau và chỉ cho các con mình về cách bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa và tìm cách tái chế chúng. “Cách đây 30 năm, khi tôi còn nhỏ, các mẹ các dì mỗi khi đi chợ thường mang làn đựng đồ, còn thức ăn như thịt cá, rau đậu đều được gói trong lá chuối và buộc dây lạt. Vậy mà bữa cơm gia đình vẫn tươi ngon, chúng tôi vẫn lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Do đó không có lý do gì để chúng ta không thể hạn chế sử dụng đồ nhựa được”, chị Thủy chia sẻ.
Hiện tại, chị Thủy và những người hàng xóm tại đây luôn nâng cao ý thức về vấn đề giảm rác thải nhựa. Họ thường tổ chức các cuộc thi chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác nhựa, sáng kiến tái chế đồ dùng trong gia đình. Thậm chí, họ còn thành lập các nhóm Yêu môi trường, hướng dẫn người khác cách phân loại rác, thuyết phục cửa hàng ăn uống trong khu chấp nhận bình, cốc khách hàng mang đến thay cho cốc nhựa dùng một lần; thu đổi các hộp nhựa đựng thức ăn trong lần bán trước; tính tiền túi nilon để khách hàng có ý thức mang túi vải đi chợ...
“Hơn nữa chúng tôi cũng tạo phong trào "Dám lên tiếng" khi thấy những hành động xấu như vứt rác bừa bãi, hái hoa chặt cây... Với các em nhỏ, cư dân trong khu đô thị cũng dạy các con yêu môi trường từ những hành động nhỏ như: tự đi bộ, đạp xe đến trường thay vì nhờ bố mẹ đưa đi bằng ô tô/xe máy, không vặt cây, hái hoa, vứt rác đúng nơi quy định... Tôi nghĩ cần cho các con sống giữa thiên nhiên và dạy các con yêu thiên nhiên từ những điều nhỏ bé, giản dị thì khi lớn các con sẽ biết cách gìn giữ môi trường sống của mình”, chị Thủy cho hay.
Tự đứng ra nhận thu gom pin đã qua sử dụng
Trong gia đình chị Thủy cũng có một kho chứa đồ cũ để thỉnh thoảng… tái chế. Chị kể, hàng ngày đi chợ, dù đã hạn chế lấy túi nilon nhưng trong nhà vẫn có 5-7 cái. Chị thường giặt sạch, dùng để đựng rác hàng ngày. Còn rác thải sinh hoạt, chị hay phân loại theo cách bỏ cọng rau, cơm thừa,… vào một thùng sơn cũ có khoét đáy để ủ làm phân hữu cơ tưới rau. Đồ vỏ hộp, chai nhựa thì gom lại gửi tặng các cô lao công...
“Cứ nho nhỏ như thế cũng hạn chế được kha khá rác thải. Nhà tôi có 3 người lớn, 2 trẻ nhỏ mà mỗi ngày chỉ vứt ra một túi rác nhỏ. Tôi đang cố gắng để giảm đối đa lượng rác thải ra và tăng lượng rác tái chế lên”, chị Thủy nói.
Sinh sống cùng khu với chị Thủy, chị Quỳnh Anh (48 tuổi) kể, mới đây chị đã tham gia hoạt động đổi nhựa lấy cây được tổ chức tại chung cư. Chị thấy những việc đó rất ý nghĩa và thiết thực. “Tôi đổi nhựa được 2 chậu cây nhỏ. Tôi nghĩ hoạt động này chỉ là vui, quan trọng hơn chính là rác tái chế của mình có nơi thu gom, xử lý đúng cách”, chị tâm sự.
Không chỉ khu đô thị Ecopark có các hoạt động giảm nhựa, cư dân sống tại chung cư Thủ Đức House Phước Long (Quận 9, TP.HCM) đã và đang cùng nhau thực hiện hoạt động gom pin đã qua sử dụng. Chị Ngọc Hương (31 tuổi) cho biết, gia đình chị mới chuyển về đây sống một thời gian và khá bất ngờ khi thấy thông báo thu gom pin đã qua sử dụng.
“Nơi cũ mình ở, họ không có bất cứ một hoạt động nào về giảm nhựa hay đổi rác nhựa lấy cây xanh. Thậm chí họ còn không có thùng phân loại rác, tất cả đều vứt chung vào một loại thùng duy nhất.
Khi chuyển đến đây, mình khá ngạc nhiên khi cư dân trong chung cư tự đứng lên tổ chức hoạt động thu gom pin đã qua sử dụng. Theo mình biết, hoạt động ấy được một chị sống trong tòa nhà đứng ra nhận. Theo đó, khi ai có nhu cầu không sử dụng pin hoặc pin hư hỏng thì đem đến phòng chị ấy để gửi. Chị cũng đăng tải thông báo trên Facebook chung cư để mọi người cùng biết”, chị chia sẻ.
Lời kêu gọi cho hoạt động Hành trình giải cứu rác chết tại khu chung cư nói chị Hương sinh sống.
Hiện tại, chung cư này vẫn chưa có thùng đựng cho từng loại rác vô cơ – hữu cơ – tái chế nhưng chị Hương luôn hy vọng hoạt động thu gom pin sẽ lan tỏa hơn ra cộng đồng cư dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp của từng người.
Giống như chị Ngọc Hương, chị Trần Phụng (36 tuổi, chung cư Horizon City, Hà Nội) cho biết, mặc dù nơi chị sống vẫn chưa dùng thùng phân loại rác nhưng cư dân luôn ý thức trong việc vứt rác thải sinh hoạt hàng ngày, nhất là vấn đề vứt pin đã qua sử dụng.
“Pin điện thoại, điều khiển từ xa, xe đạp,… có tính độc hại rất cao. Nhưng nhiều người lại nghĩ đó chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại, vì thế vẫn thản nhiên ném nó vào thùng rác. Khi ấy, người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và nguồn nước. Vì vậy tôi thấy việc thu gom pin đã qua sử dụng là một hoạt động vô cùng thiết thực.
Ở nơi tôi sống, một số cư dân đã dán thông báo dưới sảnh tòa nhà về vấn đề nhận thu gom pin. Họ tự đứng ra và tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình”, chị Phụng cho hay.