Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí

Ngày 05/09/2019 06:00 AM (GMT+7)

Để vừa giải quyết vấn nạn đói nghèo, vừa giải quyết vấn đề rác thải nhựa ô nhiễm môi trường, người dân nơi đây đã nghĩ ra một cách vô cùng đặc biệt.

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 1

Hai vấn nạn: Rác nhựa và đói nghèo

Nhiều thập kỷ qua, chính phủ Ấn Độ vẫn đau đầu với những núi rác thải khổng lồ dù đã ban hành nhiều bộ luật, nhiều quy định cụ thể. Cục Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ ước tính mỗi ngày có hơn 26.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở nước này. Rác nhựa không được phân hủy hay tái chế, cứ mỗi ngày chồng chất lên nhau khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

Theo hãng thông tấn AFP cảnh báo, chỉ vài tháng nữa, núi rác Ghazipur ở phía đông thủ đô New Delhi sẽ cao hơn ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal cao 73 m. Mặc dù vậy, hàng trăm chiếc xe chở hàng tấn rác vẫn được đổ ra đây đều đặn mỗi ngày.

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 2

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 3

Người dân nhặt rác tại bãi rác Ghazipur.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải đối mặt với một vấn nạn khác là nghèo đói. Hơn một nửa trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ đang sống trong tình trạng thiếu thốn thức ăn. Theo Chỉ số nghèo đói toàn cầu năm 2018 (Global Hunger Index), Ấn Độ được xếp vào mức độ nghèo "nghiêm trọng". Nước này cũng có tỷ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng cao nhất thế giới với hơn 195 triệu người, chiếm 1/4 tỷ lệ toàn cầu.

Vậy làm thế nào để Ấn Độ có thể cùng lúc giải quyết 2 vấn nạn to lớn là rác nhựa và đói nghèo?

Đổi rác nhựa lấy thức ăn

Bữa trưa trị giá 1 kg rác nhựa, còn bữa sáng trị giá nửa kg rác nhựa. Đó là tuyên bố của một quán cafe đặc biệt ngay từ tên gọi của nó: Cafe Rác (Garbage Cafe). Lấy cảm hứng từ chiến dịch tương tự đã tổ chức tại Bỉ và Campuchia, quán cafe này đã được mở tại thành phố Ambikapur, bang Chhattisgarh, Ấn Độ. 

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 4

1 kg nhựa đổi lấy một bữa trưa, nửa kg nhựa đổi lấy một bữa sáng.

Theo đó, quán Cafe Rác này sẽ được xây dựng trong một nhà chờ xe buýt, phục vụ việc đổi rác nhựa lấy thức ăn. Mỗi người dân nghèo khi tới đây chỉ cần thu thập đủ 1 kg rác nhựa sẽ được đổi lấy một suất ăn trưa và nửa kg rác nhựa cho một suất ăn sáng. 1 kg rác nhựa có thể đổi lấy một bữa ăn bao gồm cơm cà ri, đậu hoặc bánh mì và bánh papadum. Đây được coi là bữa cơm xa xỉ với rất nhiều người dân nước này.

Rác nhựa thu thập được sẽ được gửi tới một nhà máy tái chế, biến nó thành hạt nhựa nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho việc làm đường. Hơn 34.000 km đường nhựa, chủ yếu là ở khu vực nông thôn, đã được xây dựng lên nhờ cách này. Sau một thời gian, thành phố Ambikapur đã trở thành thành phố sạch nhất Ấn Độ, vượt xa những thành phố lớn như Delhi hay Bombay.

Đổi rác nhựa lấy học phí

Không chỉ giải quyết vấn đề đói nghèo, người dân Ấn Độ còn nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường bằng cách thực hiện hàng loạt chiến dịch nhằm giảm thiểu rác nhựa, tiêu biểu trong đó là việc đổi rác nhựa lấy học phí.

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 5

Trẻ em mang rác nhựa thu thập được đến trường.

Ngôi trường đầu tiên áp dụng chính sách này là một trường tiểu học ở bang Assam, Ấn Độ, do anh Parmita Sarma và chị Mazin Mukhtar thành lập nên. Ban đầu, ngôi trường này miễn phí học phí với mục đích thu hút những đứa trẻ kém may mắn tới học. Sau đó, Parmita và Mazin đã nảy ra ý tưởng khuyến khích học sinh mang rác nhựa tới trường để được miễn học phí. Giờ đây, học sinh không chỉ mang theo cặp sách đến trường mà còn mang theo một túi rác thải nhựa mà chúng tìm được.

Ngôi trường này cũng có khu vực tái chế rác nhựa riêng. Những chiếc chai nhựa có thể biến thành vật liệu xây dựng để làm nên những bồn cây xinh đẹp. Cách này cũng làm giảm thiểu việc người dân địa phương đốt rác nhựa thay vì củi để sưởi ấm, gây nên khói độc hại. 

Ở nơi người dân đổi rác nhựa lấy thức ăn và học phí - 6

Chai nhựa được tái chế thành vật liệu xây dựng.

Ý tưởng tuyệt vời của anh Parmita và chị Mazin đã truyền đi thông điệp vô cùng ý nghĩa cho trẻ em: "Bạn phải bắt đầu từ chính mình để thay đổi thế giới". 

Mặc dù việc đổi rác nhựa lấy thức ăn hay học phí chưa được diễn ra với quy mô lớn nhưng không thể phủ nhận tác động và ý nghĩa tích cực mà nó mang lại. Dù chưa thể thay đổi số phận nhiều người, cũng chưa thể giảm đi số lượng rác nhựa khổng lồ mà thế giới thải ra mỗi ngày nhưng bằng những hành động nhỏ ấy, người dân đã phần nào thay đổi nhận thức về việc bảo vệ môi trường.

Ý kiến bạn đọc

Bạn nghĩ sao về chiến dịch Giảm nhựa?



Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện
Một chai nhựa cũ có thể là đồ bỏ đi đối với chúng ta nhưng đối với những người nghèo không thể chạm tới ánh sáng của điện, nó lại trở thành một thứ vô...
Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa