Lạ lùng nơi những người cứ buồn là… tự tử

Ngày 05/03/2016 20:27 PM (GMT+7)

Ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều xã mà người đồng bào dân tộc vì nhận thức còn hạn chế nên mỗi khi có chuyện buồn là… tự tử. Đặc biệt, sau mỗi lần có cái “chết xấu” như vậy, người trong làng, xóm lại bỏ đi sinh sống nơi khác vì sợ… “con ma”.

Muôn ngàn lý do để… tự tử

Trà Nam là một xã nghèo của huyện Nam Trà My nằm cao vút trên núi. Toàn xã có 3.002 nhân khẩu với 783 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng (2.942 người) và dân tộc Ca Dong sinh sống. Vì thế, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn và còn tồn tại nhiều hủ tục lạ lùng khiến ai nghe qua cũng bất ngờ.

Công tác ở Trạm Y tế xã Trà Nam mấy năm nay, y sĩ Trần Văn Toàn (Trạm phó) đã từng chứng kiến nhiều cái chết lãng nhách của bà con dân tộc nơi đây. Điều đáng nói, cứ sau mỗi lần có người tự tử, cả làng đều bỏ làng mà đi vì họ sợ… “con ma”. Hủ tục lạ lùng này tồn tại một thời gian dài, chưa thể bỏ dứt điểm.

Lạ lùng nơi những người cứ buồn là… tự tử - 1

Y sĩ Trần Văn Toàn chỉ xóm Măng Dí 3 nói, sau cái chết của anh Hồ Văn Giang, cả xóm đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Ảnh: Đ.Hoàng

Y sĩ Trần Văn Toàn cho biết: “Nhiều đôi vợ chồng, gia đình cứ mâu thuẫn, cãi nhau với lý do lãng nhách. Sau đó vợ hoặc chồng đi tự tử để lại nhiều hậu họa đau lòng. Nó như là một nốt trầm buồn tồn tại nhiều năm qua ở xã Trà Nam này…”.

Lật lại hồ sơ, y sĩ Trần Văn Toàn nói, có nhiều trường hợp tự tử bằng lá ngón và treo cổ. Khi người thân phát hiện được sự việc, đưa tới Trạm Y tế xã cấp cứu thì đã quá muộn. Đơn cử như đầu tháng 8/2015 vừa qua, vợ chồng chị Trần Thị Thêm (SN 1990, trú tại thôn 5) mâu thuẫn, cãi nhau về vấn đề rượu chè. Trong lúc buồn bã, chị Thêm ra bìa rừng bứt lá ngón ăn. Khi người thân phát hiện, đưa tới Trạm Y tế xã thì cơ thể chị Thêm đã tím tái và tử vong ngay sau đó.

Hay như trường hợp anh Hồ Văn Giang (29 tuổi, ở xóm Măng Dí 3) cãi nhau với vợ cũng về chuyện rượu chè. Đêm hôm đó, trong phút giây thiếu suy nghĩ, cho rằng vợ không cho uống rượu, anh Giang ra sau vườn nhà thắt cổ tự tử. Cái chết của anh Giang khiến cả xóm cứ tưởng là “con ma” về bắt đi, nên cả xóm bỏ đi nơi khác sinh sống. Để bây giờ, xóm này tan hoang, tiêu điều, chỉ còn lại một hai mái nhà trống hoác, ít người qua lại.

“Năm 2015, ở Trà Nam có gần 20 trường hợp tự tử với lý do là… buồn. Xã này có 2 làng người dân tự dời nhà đi nơi khác vì có người “chết xấu”. Dù chính quyền địa phương ra sức vận động, giải thích nhưng bà con dân tộc vẫn chưa nghe. Trạm Y tế xã đã về tận nơi tuyên truyền, phổ biến cách phòng bệnh tật hay khi phát hiện người thân ăn lá ngón thì nên sơ cứu thế nào. Nhưng thi thoảng vẫn xảy ra những trường hợp đau lòng như trên…”, y sĩ Trần Văn Toàn nói với giọng chậm buồn.

Tìm cách xóa hủ tục

Thượng úy Bùi Văn Luật - Đội phó Đội tham mưu tổng hợp (Công an huyện Nam Trà My) cho biết, trước tình trạng một số bà con dân tộc tìm đến cái chết với những lý do không đáng có, Công an huyện đã mở chuyên đề khảo sát tìm giải pháp hạn chế. “Chúng tôi mở chuyên đề chủ yếu nắm rõ số lượng, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để họ hiểu hơn. Đặc biệt, địa bàn có nhiều hộ dân quá nghèo, đời sống khốn khó, bế tắc trong cuộc sống nên họ hay nghĩ quẩn. Vì thế, lực lượng công an cùng chính quyền địa phương phải “xắn tay chỉ việc” giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, hạn chế những vụ tự tử không đáng có”, Thượng úy Bùi Văn Luật nói.

Thượng úy Bùi Văn Luật cho biết, để giúp dân cụ thể, chính quyền huyện Nam Trà My giao cho các đơn vị trên địa bàn mỗi đơn vị giúp cụ thể bao nhiêu hộ thoát nghèo. Riêng lực lượng công an đang giúp cho 7 hộ với phương pháp hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất… để họ thoát nghèo. Tuy nhiên, vì đa số người dân là đồng bào dân tộc nên việc vận động, giúp dân thoát nghèo còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải kiên nhẫn và hướng dẫn tận tình.

Thượng úy Bùi Văn Luật chia sẻ: “Nếu chúng tôi không kiên nhẫn, tận tình vận động bà con thì họ sẽ không nghe theo. Và cứ có người chết là cả làng, xóm lại bỏ đi thì gây ra bao hệ lụy. Vì cứ mỗi làng, xóm như thế, chính quyền đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho bà con sinh sống. Nếu bà con bỏ đi, đến nơi ở mới thiếu thốn đủ thứ, chính quyền lại đầu tư tiếp thì lấy đâu ra tiền mà làm. Từ đó, cái vòng luẩn quẩn nghèo khó sẽ bu bám miết”.

Theo thống kê của Công an huyện Nam Trà My, trong năm 2015 vừa qua, trên địa bàn huyện có 31 vụ tự tử, khiến 26 người chết, 5 người bị thương. Các xã có người tự tử nhiều như Trà Nam (17 vụ), Trà Cang (10 vụ), Trà Dơn (2 vụ), Trà Tập (2 vụ)… Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người bi quan trong cuộc sống, mâu thuẫn trong gia đình, nhận thức còn hạn chế…

Theo Đức Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h