Lách cửa tử với chuyện tình “hơn cả cổ tích”

Ngày 12/02/2015 10:46 AM (GMT+7)

Hai má sâu hoắm, mặt biến dạng vì những lần phẫu thuật chống chọi với bệnh ung thư lưỡi, nhưng đón chúng tôi anh Lê Ngọc Quyết (sinh năm 1981, ở khu 6, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vẫn thường trực điệu cười dù nó méo mó khác người.

 Anh Quyết cho biết, xác định mục tiêu sống và được người yêu (bây giờ là vợ) tiếp sức là điều quan trọng nhất giúp anh chiến thắng bệnh hiểm nghèo.

Lách cửa tử với chuyện tình “hơn cả cổ tích” - 1

Vợ chồng anh Quyết và các con trước căn nhà chi chít biển quảng cáo. Ảnh: M.H

Chỉ húp nước vẫn mong được sống

Tìm nhà anh Quyết khá dễ vì nằm ngay bên đường liên huyện Tam Nông - Thanh Sơn (Phú Thọ). Hơn nữa, anh Quyết cũng nổi tiếng là chàng trai mắc bệnh ung thư giàu nghị lực và có câu chuyện tình đẹp hơn cả cổ tích với Nguyễn Thị Ngọc Lâm, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam. Trước cửa nhà anh Quyết chất chồng các biển hiệu: Từ “thịt chua đặc sản Phú Thọ”, “bánh kẹo nước giải khát”, “nước mía, chè các loại” đến “sửa chữa xe đạp, rửa xe”… Nhìn bên ngoài, ít ai nghĩ đó là ngôi nhà của người đã mất 87% sức khỏe, vừa vượt qua căn bệnh ung thư.

Dù chỉ còn lại 13% sức khỏe (theo kết quả giám định sức khỏe trước ngày xuất ngũ cách đây hơn một tháng) nhưng sáng nào anh Quyết cũng dậy từ tờ mờ sáng phụ giúp vợ thổi xôi. Cùng vợ chở xôi xuống chợ cho vợ bán rồi quay về đánh thức hai con, cho con ăn sáng rồi đưa đến lớp, anh Quyết quay về ngồi bán hàng ở nhà, túc tắc được thêm đồng nào hay đồng đó.

Kể về chuyện tình của mình, giọng anh Quyết méo xẹo vì lưỡi bị cắt. Những điều kỳ diệu diễn ra trong cuộc sống đã khiến chiếc lưỡi mọc lại một phần nhưng anh Quyết vẫn chưa thể nói được bình thường. Anh Quyết hóm hỉnh: “Chị thấy em giỏi không, trong lúc đang bị căn bệnh đáng sợ như vậy mà vẫn có người mê tít đấy”.

Anh Quyết vẫn nhớ  như in chuyện của năm 2002, ngày đến Bệnh viện 108 lấy kết quả sinh thiết: K lưỡi. Lúc đó, trời quay cuồng, đất như sụp đổ dưới chân, anh Quyết hoàn toàn suy sụp, khủng hoảng. Vì từ trước đến giờ vẫn nghĩ khám bệnh mà có chữ “K” là sẽ chết, trong khi anh Quyết mới 22 tuổi, đi nghĩa vụ quân sự được 2 năm.

“Gia đình chỉ có mình em là con trai, nếu em chết đi, mẹ sẽ rất khổ. Càng nghĩ, em càng tuyệt vọng. Nhưng sau đó, nghe bác sĩ giải thích, em xác định mình phải thật mạnh mẽ để chống chọi với căn bệnh. Sống được ngày nào phải quý ngày đó, vui ngày đó. Chính sự lạc quan này mà em đã lọt vào mắt xanh của Lâm khi cô ấy đến thăm bạn trong đơn vị của em”, anh Quyết chia sẻ.

Sau lần giáp mặt đầu tiên, chị Lâm đến thăm bạn thường xuyên hơn để nghe chuyện cười anh Quyết kể và ngắm gương mặt khá điển trai của anh. Anh Quyết cũng dần hình thành thói quen cuối tuần đợi bạn của bạn đến chơi. Họ phải lòng rồi yêu nhau lúc nào không hay và chính chị Lâm đã tiếp thêm nghị lực, giúp anh Quyết tìm thấy điểm tựa vững chắc hơn cho cuộc sống của mình. Gặp nhau lúc nào anh Quyết cũng kể chuyện cười, chị Lâm cũng líu lo góp chuyện khiến các cuộc gặp gỡ luôn vui nhộn.

“Dù sau mỗi đợt phẫu thuật em không thể nói được vì bị cắt lưỡi, mỗi đợt lại khoét sâu hơn một chút. Em chỉ có thể nói chuyện với Lâm qua ánh mắt nhưng cô ấy hiểu hết. Nói ra thì thấy mình rất tham, đó là em không muốn nhường cô ấy cho ai nên muốn mình phải quyết liệt hơn nữa để chiến đấu với bệnh tật. Không còn ăn được cơm thì em ăn cháo, có thời điểm cháo không ăn được thì húp nước, em vẫn muốn được sống. Em không muốn làm cô ấy thất vọng”, anh Quyết thành thật.

Vượt qua rào cản, đối mặt khó khăn chồng chất

Lách cửa tử với chuyện tình “hơn cả cổ tích” - 2

Bệnh tật không làm mất đi tinh thần lạc quan của người đàn ông này. Ảnh: Mai Hạnh

Sau khi anh Quyết phẫu thuật lần 2 thì cả hai đều thấy không thể thiếu nhau được nữa. Chị Lâm cũng muốn ở bên cạnh để tiện chăm sóc anh Quyết hơn. Anh Quyết đưa chị Lâm về nhà giới thiệu với mẹ thì chính mẹ anh Quyết là người đầu tiên không đồng ý. Chị Lâm chia sẻ: “Mẹ anh ấy nói: “Bác sĩ nói thằng Quyết chỉ sống được vài năm nên mẹ nhận con làm con gái thôi. Lấy nhau làm gì, khổ lắm”. Ngay cả chị chủ nơi em làm việc khi biết chuyện cũng cấm cản. Khi biết không cản được thì nói em là ngu, là dốt, thiếu gì người yêu mà phải lao đầu vào chỗ khổ như vậy. Nhà lại ở rừng núi, vừa nghèo, vừa heo hắt lại có bệnh ung thư”.

Thậm chí, anh trai chị Lâm còn nói nếu cô lấy anh Quyết sẽ từ mặt em gái. Nhưng bao lời cấm cản không lay chuyển được tình yêu chị Lâm dành cho anh Quyết. Vượt qua mọi ngăn cản, thị phi, cuối cùng đám cưới của họ cũng được tổ chức vào một ngày đẹp trời cuối năm 2005. Sau tổ chức đám cưới, anh Quyết lại đi phẫu thuật lưỡi lần 3. Sau 5 tháng bác sĩ kết luận không còn tế bào ung thư nữa. Niềm vui của vợ chồng trẻ được nhân đôi vì đó cũng là lúc chị Lâm đang mang bầu con trai đầu lòng, cháu Lê Trung Kiên.

Nhưng khi chị Lâm sinh con được hơn 1 tháng, anh Quyết lại phải đi phẫu thuật hàm phải do chạy hóa chất, xương hàm bắt đầu mục, hoại tử. Đây cũng là lần đầu tiên anh Quyết lên bàn phẫu thuật mà không có chị Lâm bên cạnh. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 12 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Anh Quyết phải băng bó kín mặt, người chằng chịt sẹo vì lấy thịt ở người đắp lên mặt, lấy xương be ở hông cho lên hàm. Đến lúc tháo băng, khuôn mặt điển trai đã bị sưng phù, nhiều vết khâu chằng chịt, má lõm sâu trông như ông già. Chị Lâm sốc, hẫng hụt nhưng cố kìm nén, động viên để chồng không quá buồn.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Lâm thật thà: “Anh Quyết là mối tình đầu, ngày đó yêu chẳng nghĩ gì, chỉ biết yêu thì lấy. Dù khi đó, bác sĩ cũng khuyên là kiêng tốt thì được 5-7 năm nhưng không kiêng thì chỉ sống được 2-3 năm nữa. Vậy mà bây giờ đã là hàng chục năm rồi”. Thế nhưng, gương mặt người vợ trẻ cũng đượm buồn vì một thực tế khá khắc nghiệt trong cuộc sống hiện nay của họ: “Từ khi anh ấy ra quân, đi giám định sức khỏe đã mất tới 87% sức khỏe. Mới về nhà được ít ngày thì xương hàm trái lại bị mục, rơi ra một miếng. Răng hàm đã rụng gần hết, bác sĩ nói hàm trước rồi cũng sẽ bị mục. Nhìn anh ấy đau đớn thương lắm. Nhiều đêm mất ngủ suy nghĩ, em gày sọp hẳn đi, chỉ còn 35kg”.

Hiện tại gia đình chị Lâm và anh Quyết đang nợ gần 100 triệu đồng. Đó là khoản vay lãi ngân hàng 30 triệu, khoản vay anh em nhà chị Lâm 50 triệu và khoản vay lẻ bà con ở đây hơn 10 triệu để mở quán bia. Thế nhưng, bia bây giờ cũng không bán  được. Gian ngoài của ngôi nhà họ đang ở bày nhiều món đồ nhưng luôn trong cảnh vắng khách vì vùng rừng núi, thưa người chỉ có một bên là nhà, bên kia là vực, có xe khách chạy qua nhưng không đỗ nên hàng họ ế ẩm. Cuộc sống cả nhà chỉ trông chờ vào xe xôi buổi sáng.

Chị Lâm ngấn lệ: “Cứ thế này thì em lo là đến đời con em cũng không trả hết nợ. Đầu tư để kiếm sống mà ế ẩm quá, chồng lại cứ đau ốm liên miên. Cứ nghĩ đến là em thấy mình không còn sức để mà trụ nữa. Có đôi lúc ý nghĩ tự giải thoát cho mình cũng xuất hiện nhưng nhìn chồng đau ốm, hai con còn quá nhỏ lại cố gắng vì thấy không thể đẩy chồng và các con cho ai lo được. Em có mệt, có đau ốm cũng không dám nằm nghỉ vì chồng, con đều nhìn cả vào mình”.

Con trai lớn của họ đã học lớp 3, con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi tên là Lê Thị Yến Nhi. Dường như ngay từ nhỏ, cả hai đứa trẻ đều ý thức được cuộc sống của mình nên khá tự lập. Ngoài thời gian đi học, ở nhà nếu có khách đến quán, cháu Kiên cũng lăng xăng ra phụ giúp bố. Yến Nhi thì tự xúc cơm ăn dù mới chỉ hơn 2 tuổi.

Nói về sức khỏe của mình, anh Quyết cho biết: “Trong người lúc nào cũng thấy đau, mỏi. Rét thế này hai hàm nhức lắm, nói một lúc là mỏi hàm, chỉ ăn được cháo. Hôm nào thèm cơm thì phải nấu cơm thật nát. Hàm trái đang bị hoại tử, nhiều lúc cảm giác đau không thể chịu được nhưng nhìn hai con còn nhỏ dại là nguồn động viên lại thấy vui, lại thấy mình phải cố gắng sống nhiều hơn nữa. May trời thương cho hai con khỏe mạnh”.

Mong có bữa cơm ngon!

Lách cửa tử với chuyện tình “hơn cả cổ tích” - 3

Dù mất tới 87% sức khỏe vì ung thư, nhưng Lê Ngọc Quyết vẫn lao động kiếm sống, cùng vợ nuôi con và chữa bệnh.

Đằng sau niềm vui chiến thắng căn bệnh nan y, có rất nhiều những nỗi buồn khác của “cặp vợ chồng cổ tích” này. “Ăn uống của anh ấy cũng rất khó khăn, chỉ ăn được cháo hoặc cơm thật nát. Có 4 người chẳng lẽ nấu hai nồi cơm nên cả nhà đều ăn chung theo bố. Nhiều hôm đang ăn cơm mắt mũi anh ấy trợn ngược, tưởng không thể thở được vì cơm nghẹn ở cổ. Cổ bị khô do chạy hóa chất, tuyến nước bọt cũng bị ảnh hưởng nên rất khó nuốt. Ngồi vào mâm cơm nhưng bữa nào chồng cũng ăn uống rất khó khăn nên em khó mà ăn được. Em chỉ mong gia đình có một bữa cơm ngon. Nhưng rất khó vì khi đó, anh ấy phải được phẫu thuật hàm trái, trồng lại được răng”, chị Lâm nghẹn ngào kể về cuộc sống hiện nay của họ.

Anh Quyết cho biết: “Không có tiền, em ăn cháo cả đời cùng vợ con cũng được, chỉ mong xử lý được cái trước mắt là có tiền phẫu thuật hàm trái đang bị mục, bị hoại tử. Còn răng không có cũng được”.

Khi chia tay chúng tôi, anh Quyết bịn rịn: “Khi cận kề cái chết, em mới thấy yêu cuộc sống tới mức nào. Em tâm niệm câu, “Hãy luôn mỉm cười, may mắn sẽ đến”. Ông trời đóng cánh cửa này, sẽ mở ra một cánh cửa khác cho mình. 12 năm đã trôi qua, dù sức khỏe của em vẫn còn yếu nhưng em tin mình sẽ dần ổn định. Em mong, những ai đã và đang bị bệnh như em, hãy tin vào cuộc sống khi còn có thể, và hãy nỗ lực sống hết mình nếu vẫn còn nỗ lực được”.

Dẫu niềm tin sống còn mãnh liệt nơi anh Quyết, dẫu sự yêu thương và hy sinh quá mức cho chồng con, cho gia đình vẫn còn trong sâu thẳm tâm hồn và đôi mắt tự tin của chị Lâm, thế nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ái ngại cho họ. Mong rằng, rồi họ sẽ vượt qua đận này. Tin rằng, mùa Xuân trọn vẹn rồi cũng về với họ - cặp vợ chồng với câu chuyện tình đẹp hơn cả cổ tích!

“Trước đây anh ấy còn trong quân đội mọi chi phí chữa bệnh đều được quân đội chi trả, bây giờ giải ngũ rồi thì gia đình phải lo. Hàm trái bị vỡ nhưng chưa dám đi khám. Em đã gọi cho bác sĩ, bác sĩ nói nếu không có bảo hiểm thì mất khoảng 80 triệu đồng nên chưa lo được kinh phí. Nhà cũng chẳng còn “cửa” để vay nữa vì có chỗ nào vay được em đã hỏi vay hết rồi. Em lo lắm, chỉ mong sao có đủ tiền để cho chồng đi phẫu thuật. Các con khỏe mạnh để yên tâm công việc kiếm sống và trả nợ”, chị Lâm trải lòng nghe mà rơi nước mắt!

 “Ba lần em phẫu thuật ung thư lưỡi, lúc nào Lâm cũng ở bên cạnh chăm sóc. Em thấy mình không còn cô độc chống chọi với bệnh ung thư nữa. Vừa uống thuốc, vừa truyền hóa chất với những phản ứng phụ vô cùng khó chịu như ói mửa, rụng tóc, mệt mỏi...  nhưng liều thuốc lớn nhất giúp em vượt qua được bạo bệnh đó là… tiếng cười và cô gái tên Lâm bé nhỏ luôn ở bên tiếp sức”,  anh Quyết hào hứng kể.

Theo Mai Hạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot