Làm gì để không rơi vào cảnh: Nhốt cha mẹ giữa... lưng chừng trời?

Ngày 20/08/2019 12:00 PM (GMT+7)

Cha mẹ già sống ở quê có con cái làm việc và ở lại trên thành phố ngày nay không phải là chuyện hiếm. Hoàn cảnh này thường làm nảy sinh một số vấn đề, con cái ở xa không yên tâm khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, sống thui thủi nơi quê không người chăm sóc. Nhưng lên phố ở với con cái cũng không đơn giản.

Mỗi năm con chỉ về thăm cha mẹ được một vài lần, nhất là trường hợp hai cha mẹ không còn đầy đủ, chỉ còn một mình cụ già thui thủi sớm hôm lỡ khi ốm đau làm thế nào? Nghĩ như thế nên nhiều người con muốn đưa cha mẹ ra thành phố ở với mình để tiện bề báo hiếu.

Về phía cha mẹ già, nhiều người cũng chỉ lấy con cháu làm vui. Khi nghe con thuyết phục lên thành phố để hàng ngày được gần con cháu, khi ốm đau có chúng chăm nom hoặc nếu cần đi bệnh viện kể cả cấp cứu cũng thuân lợi hơn ở nông thôn rất nhiều.

Làm gì để không rơi vào cảnh: Nhốt cha mẹ giữa... lưng chừng trời? - 1

Con cái ở xa không yên tâm khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, sống thui thủi nơi quê nhà không người chăm sóc. Ảnh minh họa

Nghe con cái nói có lý, họ liền bán tất cả đất cát nhà cửa thêm tiền đi mua nhà chung cư ở với con. Nhưng trong thực tế không phải trường hợp nào cũng êm giầm mát mái. Nó phụ thuộc rất nhiều vào tính cách mỗi người có hòa nhập được với nếp sống thị thành không và mối quan hệ cha mẹ với con cái, nhất là con dâu, con rể có hòa hợp hay không?

Tôi biết một ông thời thanh niên ông từ miền quê Ninh Bình lên Vĩnh Phúc dạy học cấp 2. Được vài năm ông kết hôn với một cô gái làng nơi ông dạy học. Hai ông bà sinh được 3 người con, hai trai một gái. Hai người con trai đầu học hành chăm ngoan lớn lên đều thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Khi tốt nghiệp ra trường do họ học giỏi và có năng lực thực tế nên đều thi tuyển được vào các công ty lớn của nước ngoài và làm ăn khấm khá. Cô em Út cũng được hai anh kèm cặp và được học bổng đi du học nước ngoài rồi lấy chồng ở lại luôn bên đó. Hai người con trai cũng lấy vợ sinh con và mỗi người mua được một căn chung cư rộng rãi.

Họ sợ bố mẹ nghỉ hưu sống ở quê buồn nên cả hai anh em đều cố gắng thuyết phục bố mẹ lên thành phố sống với con cháu. 

Thấy ông mấy lần gọi điện mời đến chơi, tôi liền đến gặp ông xem cuộc sống thế nào. Điều đầu tiên tôi nhận thấy cả hai ông bà tuy tuổi U70 nhưng rất khỏe mạnh và vui vẻ. Ông bà sống riêng trong một căn hộ 70 m2 liền kề với các con. Ông tham gia vào đội bóng chuyền của các cụ ngày nào cũng tập luyện với nhau lại còn thi đấu với các đội khác gần đó. Cụ ông còn làm tổ trưởng dân phố rất năng nổ công tác xã hội. 

Cụ bà tham gia vào hội dưỡng sinh sáng nào cũng tập đều. Điều ngạc nhiên nhất với tôi là cụ ông còn chơi đàn ooc-gan đánh được nhiều bài rất hay. Cụ còn đệm đàn cho các cháu hát múa. Nhìn nét mặt vui vẻ của hai cụ tôi biết là họ sống rất hài hòa với không khí Thủ đô, mỗi năm con cái lại chở ô-tô đưa bố mẹ về thăm quê một lần. 

Nhưng cũng có những ông bà lên thành phố ở với con cháu không hợp. Có ông than rằng chúng nó đi làm, đi học hết, "nhốt" hai vợ chồng tôi ở cái phòng trên lưng chừng trời này, muốn xuống đất chơi phải đi thang máy mà bà nhà tôi mỗi lần lên xuống thang lại bị say, đi bộ thì mười mấy tầng không đi được. 

Mà có xuống được mặt đất cũng không biết đi đâu vì... sợ lạc. Đến đi chợ cũng không biết đường. Có cụ ngày đêm nhớ đến cuộc sống ở quê đầm ấm tình làng nghĩa xóm, họ hàng qua lại trò chuyện với nhau hàng ngày, rồi chăm sóc vườn tược làm không hết việc mà lại khỏe người. 

Có cụ kể, ở đây lắm lúc không biết làm gì cho hết ngày. Đã thế các cụ lại mâu thuẫn với con dâu vì động vào cái gì cũng trái ý nó. Chăm cháu nó bảo mất vệ sinh, nghĩ tủi thân vì cháu nội của mình mà không dám bế. Nhiều lúc các cụ bàn nhau, hay lại trở về quê nhưng nhà đất đã bán rồi về biết ở vào đâu?

Nói chung khi chúng ta đã sống ở đâu gần hết đời người thì quen với nếp sống nơi đó. Người già nông thôn ra thành thị không phải ai cũng hợp, cũng như các cụ già ở thành thị cho về nông thôn ở mấy ngày đã muốn quay ra thành phố ngay.

Thậm chí người Việt theo con đi định cư ở nước ngoài cũng kêu buồn chỉ muốn về trong nước. Có cụ già nghe hai tiếng trại “dưỡng lão” đã sởn da gà, trong khi có cụ lại bảo sống ở trại an dưỡng vui lắm vì lúc nào cũng có người bầu bạn chuyện trò.

Thế cho nên muốn đưa cha mẹ từ nông thôn ra thành phố bạn đừng nhìn vấn đề bằng quan điểm của mình, mà cái chính là phải xem các cụ có thích cuộc sống ấy không? Người con có hiếu nhất là người luôn làm cha mẹ hài lòng thì sẽ sống vui và sống thọ. Chứ không phải cứ tạo ra cuộc sống đầy đủ tiện nghi là các cụ sung sướng. 

Có người mời cha mẹ nông thôn ra thành phố “sống thử” vài ba tháng xem sao, nếu thấy bố mẹ hài long thì hãy chuyển ra nếu thấy các cụ bảo sống thế này chẳng khác đi tù thì tưởng là đưa cha mẹ ra báo hiếu lại thành bất hiếu.

Thay đổi một cuộc sống với người gia không đơn giản chút nào. Để tránh những bi kịch đau lòng cho cả người già lần người trẻ, lời khuyên của chuyên gia tâm lý là hãy thử xem thế nào, dù có tốn công một chút nhưng chắc ăn hơn. Tránh đã bước chân đi nhiều khi quay về cũng không được!

                                       

Bán nhà theo con xuống phố: Xót xa cảnh cha mẹ bị giam lỏng giữa... lưng chừng trời
Bán nhà ở quê lên phố mua căn chung cư trên tầng cao để hưởng cuộc sống tiện nghi và gần con cháu, tuy nhiên, nhiều người già lại cảm thấy họ như đang...
Theo Chuyên gia Trịnh Trung Hòa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xã hội