Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già

Ngày 15/07/2019 00:08 AM (GMT+7)

Trước lúc chết, đứa con gái chỉ kịp ngước nhìn cha và nói trong nước mắt: “Ba ơi đưa con đi bệnh viện”.

Đến thăm gia đình ông Trần Văn Lọ (sinh năm 1965, ngụ ấp 5A xã Phú Cường, Cai Lậy, Tiền Giang) vào một buổi chiều mưa tháng 7. Trong nhà, ông Lọ đang với tay đấm lụp thụp lên vai rồi uể oải cho biết thời gian gần đây, căn bệnh đau khớp của ông ngày càng trở nặng, thậm chí có lúc ông không thể đi lại được. “Thế nhưng giờ tôi là lao động chính trong nhà, ngày nào tôi không đi làm thì coi như ngày đó thiếu ăn”, ông Lọ nói.

Kể về cuộc đời mình, ông Lọ cho biết, cách đây 37 năm, ông Lọ gặp và đem lòng yêu thương một cô gái cùng xã. Không lâu sau đó, 3 đứa con bao gồm 2 gái, một trai ra đời trong cảnh nghèo khó nhưng ấm áp hạnh phúc gia đình. “Hồi đó nhà nghèo quá, làm gì có tiền siêu âm hay đến bệnh viện này nọ. Mấy đứa nhỏ sinh ra bình thường nhưng không hiểu sao chừng 6 tuổi là thường xuyên sốt, thậm chí có lúc còn xỉu tại trường. Dẫn con đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo nó bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh), mà tôi nghèo, lại ít học, làm gì biết đó là bệnh gì đâu”, bà Nguyễn Thị Một  (vợ ông Lọ) bảo.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 1

Hình ảnh 2 đứa cháu ngoại tội nghiệp của ông Lọ, bà Một.

Nhà đông con lại không có việc làm ổn định, chỉ kiếm sống bằng vài đồng thu nhập từ việc làm thuê. Bà Một kể những ngày con mới phát bệnh, bà đưa đi điều trị ở khắp nơi, ai bày chỗ nào cũng tới. Nhưng bệnh tình không suy giảm thì tiền đã cạn kiệt, thậm chí có lúc lu gạo trong nhà không còn một hạt, gắng gượng không nổi, bà bất lực buông tay. “Bác sĩ bảo có tiền tới đâu thì sống tới đó. Truyền máu được 2 lần, không còn tiền tôi đành đưa con Diễm (chị Trần Thị Diễm – con đầu của ông- PV) về nhà, đợi ngày tiễn con đi. Hôm ấy, tôi và vợ đều phải đi làm thuê nên gửi con cho bà nội. Lúc con nhỏ lên cơn mệt, chỉ mình tôi kịp chạy về. Thấy cha, Diễm chỉ khóc và thì thào: Chở con đi bệnh viện. Nói xong, nó thở dài rồi ra đi trong khi chỉ mới 11 tuổi”, ông Lọ nói trong nước mắt.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 2

Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào vài chục ngàn làm thuê mỗi ngày của ông Lọ.

Hai đứa con còn lại của vợ chồng ông bà cũng không thoát khỏi cái bóng đen của căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Anh Trần Văn Lai (32 tuổi) bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu y hệt chị cũng vào năm lên 6 tuổi. Bán hết ruộng đất, 2 vợ chồng dắt díu con lên TPHCM điều trị. Dù anh đã được cắt bỏ lách nhưng sức khỏe không mấy cải thiện. Phải nghỉ học từ năm 11 tuổi, từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của người đàn ông ngoài 30 nhưng thân hình chẳng khác gì đứa trẻ 15 tuổi đều phụ thuộc vào bàn tay của ba mẹ. “Nhiều khi nó vỗ ngực ì ạch rồi khóc, nó nói ước gì con chết đi để ba mẹ đỡ khổ. Thương con, tôi chỉ biết ôm con vào lòng rồi bảo khổ mấy mẹ cũng cố, chỉ cần còn được nhìn thấy con”, ghé mắt nhìn qua khung cửa- nơi con trai bà đang nằm thở những hơi nặng nhọc, bà Một thở dài.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 3

"Tôi không biết mình đã làm gì để phải gánh chịu số phận nghiệt ngã đến như vậy", bà Một nói trong nước mắt.

Con gái bà Một, chị Trần Thị Bích (30 tuổi) cũng phát bệnh từ năm 6 tuổi. Nhìn con gái bụng ngày càng to ra, lại hay đau yếu, linh cảm của một người mẹ báo cho bà biết có một cái chết đang chực chờ sẵn đối với đứa con gái út của mình. Ôm con lên bệnh viện, 2 vợ chồng bà Một ngã quỵ khi bác sĩ báo tin chị Bích cũng mắc Thalassemia. “Vay mượn tới nay cũng hơn 100 triệu rồi nhưng không có tiền trả. Bích đã được cắt lách, các bác sĩ bảo nó không nên sinh con. Năm con gái lên 20 tuổi, có người qua ngỏ lời hỏi cưới. 2 vợ chồng tôi dứt ruột đồng ý gả con với ước mong về nhà chồng con được chồng  phụ giúp để chữa bệnh, chứ vợ chồng tôi không còn khả năng nữa rồi”, bà Một nói.

Tiếp lời vợ, ông Lọ cho biết sau khi con gái cưới không lâu, 2 đứa cháu ngoại của ông ra đời trong cảnh nhà có cha bị thoái hóa cột sống còn mẹ thì đều đặn mỗi tháng phải lên bệnh viện truyền máu 2 lần. Ông cho biết: “Tôi thương con gái, cũng mong nó sau này còn có con để chăm sóc bệnh tật, chứ vợ chồng tôi cũng không sống được thêm bao nhiêu. Giờ 2 đứa cháu ngoại ở cùng vợ chồng tôi vì ba nó không còn khả năng lao động. Bích thì giấu bệnh tật, xin vào làm trong một xí nghiệp cách đây mấy chục cây số để kiếm tiền đi bệnh viện”.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 4

32 tuổi nhưng anh Lai chẳng khác gì đứa trẻ với thân hình gầy nhom, ốm yếu.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 5

Vết mổ dài trong cuộc phẫu thuật cắt bỏ lách- di chứng của căn bệnh hiểm nghèo trên thân hình của người đàn ông tội nghiệp.

Số tiền công nhân ít ỏi từ công việc ở xí nghiệp chỉ vừa vặn đủ cho chi phí truyền máu 2 lần/ tháng của chị Bích. Còn lại mọi chi phí chăm lo bệnh tật cho người con trai, tiền ăn học của 2 đứa cháu nhỏ đang tuổi lớn chỉ còn biết phụ thuộc vào vài chục nghìn đồng làm thuê, cuốc đất mướn mỗi ngày của ông Lọ. “Có nhiều khi người ta thương thì kêu phụ này nọ để có tiền. Còn nhiều người thấy tôi già nên cũng không thuê làm nữa. Ngày nào có đi làm thì cả nhà còn có cơm ăn, ngày nào thất nghiệp thì coi như đói, lại phải chạy vạy vay mượn từng lon gạo nấu cơm. Tôi không biết vợ chồng tôi làm gì nên tội để phải lâm vào cảnh bần cùng như hiện tại. Nhiều khi tôi van xin ông trời để được gánh bệnh thay con,  đổi lấy sức khỏe bình thường cho 2 đứa con tội nghiệp”, ông Lọ nói trong nước mắt.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 6

Hình ảnh đứa con gái vắn số của ông Lọ, bà Một.

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 7

Câu nói ám ảnh trước lúc chết của con gái và nỗi đau đáu của cha mẹ già - 8

Giấy tờ ra viện của chị Bích và anh Lai.

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình ông Trần Văn Lọ xin liên hệ SĐT: 0376165105

Hoặc thông qua số tài khoản 69072.05099.091, Ngân hàng Sài Gòn –Hà Nội (SHB), chi nhánh Tiền Giang

Chủ tài khoản Trần Thị Bích

Xin chân thành cảm ơn!

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...
Bên lề nhịp sống hối hả của mảnh đất Sài thành, có những cuộc đời bị bỏ quên. Họ - những người già vô gia cư đứng đó, bên góc vỉa hè giương đôi mắt...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động