Làng đặc sản Tết vào mùa: Cứ đến Tết khách lại đông nườm nượp, làm món khô cá thơm ngon nức tiếng

H.A - Ngày 24/01/2024 14:41 PM (GMT+7)

Về Đồng Tháp vào dịp cận Tết không chỉ có những làng nghề trồng hoa nổi tiếng, mà còn có những làng nghề làm khô, mắm - đặc sản miền Tây.

Tọa lạc tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có một làng nghề khô, mắm rất lâu đời và nổi tiếng. Làng nghề này là nơi cung cấp hàng chục tấn khô, mắm các loại mỗi ngày cho khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng trong cả nước. Đó là làng Phú Thọ, nơi món khô cá lóc Phú Thọ trứ danh ra đời. Đây là làng có nhiều hộ làm khô cá lóc nhất huyện với gần 200 hộ, sản lượng khô cá lóc bình quân làng nghề làm ra khoảng 608 tấn một năm. 

Bà con tất bật cho vụ Tết 2024.

Bà con tất bật cho vụ Tết 2024.

Ở làng khô Phú Thọ, mỗi một gia đình là một xưởng sản xuất nhỏ, nhưng khách hàng có thể tìm được đủ các loại cá khô nước ngọt như: khô cá lóc, khô cá sặc rằn, khô cá chạch, cá kết... Với mùi vị thơm ngon và đặc trưng không thể nhầm lẫn với những khu vực khác, cá khô làng Phú Thọ được ưa chuộng trên thị trường, còn làng nghề làm khô này đã được công nhận là làng nghề truyền thống lâu đời.

Về làng Phú Thọ mùa này mới thấy được không khí Tết đang tràn về: Mỗi cơ sở có hàng chục công nhân tất bật làm việc, mỗi người mỗi công đoạn cho kịp những đơn hàng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024. Làng cá khô Phú Thọ hoạt động xuyên suốt trong năm nhưng từ tháng 11 âm lịch hàng năm mới là dịp cao điểm của vụ Tết. 

Làng đặc sản Tết vào mùa: Cứ đến Tết khách lại đông nườm nượp, làm món khô cá thơm ngon nức tiếng - 2

Nhiều loại đặc sản khô, cá, mắm… được sản xuất tại làng Phú Thọ.

Nhiều loại đặc sản khô, cá, mắm… được sản xuất tại làng Phú Thọ.

Dù năm nay so với những năm trước, tình hình tiêu thụ cá khô có phần chậm hơn nhưng để phục vụ cho nhu cầu dịp Tết của thị trường, đa số các cơ sở đều tăng gấp đôi, gấp ba công suất.

Hai bên đường ĐT 844, đoạn qua địa phận xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có nhiều cơ sở sản xuất, quầy bán cá khô và những chiếc giàn phơi đầy ắp cá khô đang đón nắng. Quy trình thực hiện khô cá rất phức tạp, trải qua rất nhiều công đoạn như làm sạch cá, xẻ cá, ướp muối và gia vị, mang phơi nắng… 

Bí quyết để làm ra những con khô cá lóc ngon và sạch thì nguồn nguyên liệu phải đảm bảo là cá còn sống và phải được chế biến theo đúng công thức. Tại xã Phú Thọ, nguồn cá lóc được lấy từ các khu vực nuôi cá lóc bên trong xã. Đặc biệt, khâu làm sạch vảy cá phải dùng đến máy đánh vảy mới kịp cho những công đoạn tiếp theo.

Để thịt khô không tanh và khi phơi khô không bị ruồi đậu, cá sau khi được xẻ thịt phải ngâm qua nước đá lạnh hơn 6 giờ và phải đảm bảo đủ độ lạnh trong suốt thời gian ngâm cá. Ngoài ra, sau khi ngâm cá trong nước gia vị, trước khi đem phơi phải rửa lại để tránh bị nhớt. Có như vậy thì mới loại bỏ được mùi tanh của cá và khi phơi sẽ không có ruồi đậu vào. 

Công đoạn làm cá tươi.

Công đoạn làm cá tươi.

Để có được những con khô thành phẩm ngon và sạch phải trải qua 1 ngày sơ chế và ngâm ướp gia vị, sau đó đem phơi từ 2 đến 3 nắng tùy vào thời tiết. Sau mỗi ngày phơi, phải đem vào bảo quản trong tủ đông lạnh rồi hôm sau sẽ đem ra phơi tiếp. Cứ 3kg cá tươi sau khi chế biến sẽ cho ra 1kg khô thành phẩm. 

Trung bình khoảng 3 - 4 kg cá lóc tươi sẽ thu được 1 kg khô cá lóc, giá bán từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, tùy thuộc kích cỡ cá và thời gian được phơi nắng. Với giá cả này, nhiều cư dân cho biết giá có giảm từ 5.000 - 20.000 đồng so với các năm trước.

Thành phẩm khô cá lóc.

Thành phẩm khô cá lóc.

Hơn 1 tháng qua, cơ sở sản xuất cá khô Huỳnh Trung của gia đình chị Thái Thị Tú (ở xã Phú Thọ) đã tăng công suất hoạt động để chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Chị Thái Thị Tú cho hay, vào vụ Tết năm nay, cơ sở của chị tăng công suất hoạt động lên gấp 2 lần so với ngày thường. Nếu bình thường sản xuất khoảng 700kg cá nguyên liệu thì hiện giờ nâng lên 1,4 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ cá khô chậm hơn so với vụ Tết năm 2023 mặc dù giá bán khá hợp lý.

Để cung ứng cá khô cho thị trường Tết, nhiều cơ sở thuê thêm lao động, cho công nhân làm việc thêm giờ vào ban đêm. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương, với thu nhập trung bình 180.000 đồng/ngày, nếu làm thêm giờ thì tăng lên khoảng 280.000 đồng. 

Giống gà đặc sản được săn lùng dịp Tết, có tên trong Sách đỏ nhưng ít người biết, dân nuôi lãi hàng trăm triệu
Cận Tết, giống gà đặc sản của xã Tiên Phong, Hà Nam được nhiều người săn đón, đến tận nơi để xem và mua gà.

Giá cả thị trường Tết

Theo H.A Nguồn ảnh: Báo Đồng Tháp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h