Thứ đặc sản này mới xuất hiện vài năm gần đây, rất đắt khách vào dịp Tết vì vừa lạ miệng lại còn tốt cho sức khỏe.
Cây đinh lăng thuộc họ ngũ gia bì, còn có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương sâm. Đây là loại cây thân nhỏ, có mùi thơm, được trồng để làm cảnh, làm gia vị và làm thuốc.
Ở Việt Nam, loại cây này có phổ biến ở các vùng miền, rất dễ trồng bởi chúng thích hợp với nhiều loại đất. Có nhiều loại cây đinh lăng như đinh lăng lá nhỏ, đinh lăng lá tròn, đinh lăng rang,.. Chúng đều có mùi thơm, trong đó đinh lăng lá nhỏ được trồng và sử dụng nhiều nhất.
Các bộ phận của cây đinh lăng đều có những tác dụng khác nhau, lá được dùng như một thứ gia vị trong nhiều món ăn như món cuốn, gỏi cá... Rễ đinh lăng hay còn gọi củ đinh lăng gần giống với nhân sâm Hàn Quốc hay sâm ngọc linh ở nước ta nên loại cây này được mệnh danh là "nhân sâm của người nghèo". Rễ đinh lăng được thu hoạch vào mùa đông và thường có tuổi từ 4-5 tuổi trẻ lên.
Mấy năm gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại mứt vô cùng lạ, được làm từ rễ đinh lăng, đó là mứt đinh lăng. Những người từng được thưởng thức loại mứt này cho biết mứt đinh lăng có chút vị thuốc bắc nhưng cũng dễ ăn và có mùi thơm của mật ong, và tốt cho sức khỏe nữa.
Chị Trà (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Mẹ chồng mình không thích các loại mứt vì ngọt, nhưng khi thử mứt đinh lăng, bà mê ngay lập tức bởi loại mứt này không giống như các loại mứt thường, nó không quá ngọt, thơm như mùi sâm, đây chính là một trong những đặc trưng của mứt đinh lăng mà không loại mứt nào có được. Sau đó mẹ chồng mình còn nhờ đặt hộ 5kg để biếu bạn bè trong dịp Tết năm ngoái".
Trên thị trường, mứt đinh lăng được đói gói 200gram, 500gr để bán. Túi 200gram có giá khoảng 110-150 nghìn đồng, tính ra một kg có giá hơn 550 nghìn đồng. So với các loại mứt khác, giá mứt đinh lăng giá đắt đỏ nhưng vì lạ và hấp dẫn nên lúc nào cũng trong tình trạng hết hàng.
Được biết, người đàn ông tên là Đinh Văn Thuận (38 tuổi, ở xóm Năm Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định) là người đã sáng tạo ra món mứt làm từ rễ đinh lăng. Anh Thuận chia sẻ, muốn làm mứt đinh lăng đạt chuẩn phải chọn cây đinh lăng trên 5 năm tuổi, vì chỉ có những cây này mới có loại củ to, rễ to, nhiều thịt và chỉ chọn những củ chính có đường kính từ 2 cm mới đảm bảo các hoạt chất trong mứt là tốt nhất.
Củ đinh lăng sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch cho ráo nước rồi khéo léo bào lấy phần thịt bên trong. Công đoạn này là quan trọng và khó nhất bởi bào rễ cây đinh lăng phải làm sao để miếng mứt vừa mỏng, đủ ăn mà không được dính tia gỗ của rễ.
Sau khi bào xong, phần thịt này sẽ được mang đi ướp mật ong trong vài tiếng rồi đem sấy khô. Sấy khoảng 3 tiếng sẽ có sản phẩm mứt đinh lăng dùng được.
Để làm được 1kg mứt sẽ phải sử dụng 7-8kg củ đinh lăng làm nguyên liệu. Hơn nữa, vì công đoạn bào thủ công nên rất mất thời gian, mỗi lần làm chỉ được vài lạng mà mất khoảng 30 phút cho một mẻ.
Người bán cho biết có cả loại mứt đinh lăng sử dụng mật ong và cỏ ngọt để tạo ngọt, kèm theo vị ngọt từ rễ đinh lăng đã có sẳn cho nên người tiểu đường vẫn có thể dùng được.