Nếu như trước đây, quanh làng Thiện Chánh chỉ có những căn nhà dựng bằng cốt tre, lợp mái tranh thì nay đã được thay thế bằng biệt thự san sát, hàng quán, cửa hiệu mọc lên khắp nơi. Nghề "cưỡi gió, đạp sóng" đã giúp làng biển nghèo lột xác, trở thành làng biển giàu nhất miền Trung.
Thoát nghèo nhờ nghề “cưỡi gió, đạp sóng”
Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87 km. Hoài Nhơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam đi qua, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía bắc tỉnh Bình Định, là điểm đầu mối giao thông quan trọng đến các huyện Hoài Ân, An Lão.
Toàn thị xã có hơn 17 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 11 phường, trong số đó, làng biển Thiện Chánh gồm các khu phố Thiện Chánh, Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 thuộc phường Tam Quan Bắc nổi lên là một trong những phường phát triển kinh tế biển nhanh và mạnh nhất.
Nghề câu cá ngừ đại dương của bà cơn Tam Quan Bắc.
Cả Hoài Nhơn có 24km đường bờ biển, nhưng 2 cửa biển Tam Quan và An Dũ là giàu truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề. Vùng biển Hoài Nhơn có khoảng 500 loài cá, trong đó có 38 loài cá có kinh tế và có nhiều đặc sản quý hiếm, giá trị xuất khẩu cao. Làng chài này nổi tiếng với nghề câu cá nhám, ngư dân gọi loài cá này là "cọp biển". Còn bây giờ là nghề câu cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù). Loài cá này được mệnh danh là "chúa biển", "cọp biển" bởi chúng rất hung hãn và mạnh mẽ khi đi săn mồi.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Hoài Nhơn, ông Nguyễn Thanh Hồng (61 tuổi, Trưởng khu phố Thiện Chánh 2) cho biết, trước đây làng Thiện Chánh chỉ có mấy chục nóc nhà dựng bằng cốt tre, lợp mái tranh. Người dân trong làng chỉ có nghề khai thác hải sản gần bờ, phương tiện đánh bắt nhỏ, trang bị thô sơ nên hiệu quả rất thấp, thu nhập không ổn định.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, phường Tam Quan Bắc đã phát triển mạnh mẽ, lột xác ngoạn mục. Đó là nhờ phát triển nghề khai thác thủy sản xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. So với các tỉnh Phú Yên hay Khánh Hòa, nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định được xem là "sinh sau đẻ muộn". Thế nhưng giờ đây làng chài Thiện Chánh được xem là làng câu cá ngừ đại dương lớn nhất Đông Nam Á.
Bà con nơi đây giàu lên nhờ bám biển.
Toàn thị xã Hoài Nhơn có hơn 2.100 tàu cá đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm khoảng 60 - 70% lượng cá ngừ cả nước. Trong đó, phường Tam Quan Bắc có gần 1.100 tàu đánh bắt xa bờ, riêng làng Thiện Chánh có hơn 600 tàu. Nhờ chính quyền địa phương vận động và tạo điều kiện cho vay vốn đóng tàu cá công suất lớn, nhiều người phất lên từ đó.
Những “lão ngư” lão luyện trong nghề “cưỡi sóng, đạp gió” đều sở hữu và chỉ huy ít nhất là 3,4 tàu bè lớn, người sở hữu từ 3 - 6 tàu cá, trị giá hàng chục tỷ đồng. Có những thợ câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động.
Nhiều năm trở lại đây, giá cá ngừ đại dương đang được thương lái thu mua ở các cảng cá của tỉnh Bình Định từ 145.000 – 165.000 đồng/kg, lập đỉnh cao nhất trong cả thập kỷ. Chính vì vậy mà cuộc sống của người dân ở làng biển Thiện Chánh và Tam Quan Bắc “thay da đổi thịt” từng ngày.
Săn cá "khủng", tậu nhà lầu
Đến nơi đây, không còn thấy cảnh một làng chài nghèo khó, thay vào đó là nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát, hàng quán, cửa hiệu khắp nơi… góp phần tô điểm cho sự đổi thay ở vùng quê biển đang trên đà khởi sắc trở thành một đô thị biển trong tương lai. Những nhà cao tầng đồ sộ đều là của chủ tàu hành nghề khai thác thủy sản xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương.
Cảng cá sầm uất, tàu công suất neo đậu đông đúc, trên bờ thì nhà cao tầng được thiết kế theo kiểu biệt thự mang dáng dấp hiện đại, khang trang chẳng khác gì thành phố.
Biệt thự tại Thiện Chánh.
Khu phố Thiện Chánh 2 có khoảng 665 hộ, hầu hết đều làm nghề liên quan đến khai thác hải sản, thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Cả khu phố có 92 nhà cấp 3 (2 tầng kiên cố trở lên). Còn khu phố Thiện Chánh 1 có hơn 600 hộ và 100 nhà cấp 3, thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Tam Quan Bắc, cho biết: Năm 2020, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân phường Tam Quan Bắc đạt 23.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt gần 5.000 tỷ đồng, thu nhập đầu người là 82,4 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 15.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt 4.369 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người giảm xuống còn 75 triệu đồng/người/năm.
Cảng cá tấp nập, tàu thuyền neo đậu.
Nhưng giá trị lớn nhất của người dân tại Thiện Chánh lại nằm ở những chiếc tàu biển trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, ngư dân càng vững tin bám biển. Từ đó, nhiều ngư dân ở Thiện Chánh nói riêng và các xã biển ở thị xã Hoài Nhơn nói chung trở thành tỷ phú, có ngư dân làm chủ đội tàu lên đến cả chục chiếc, giúp ngư dân vững tin bám biển.