Đi vào phía trong làng, nhiều tòa lâu đài xa hoa, tráng lệ trong khuôn viên rộng lớn nằm san sát nhau khiến nhiều người phải trầm trồ.
Những tòa lâu đài mọc san sát, con trai xây dinh thự tặng bố mẹ
Xã Hải Minh thuộc huyện Hải Hậu, nằm cách TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) khoảng hơn 20km xưa nay nổi tiếng là làng lâu đài, làng Châu Âu hay làng tỷ phú… với nhiều đại gia trong làng. Đi giữa làng, nhiều người có cảm giác như đang đi giữa phố thị sầm uất hay đang ở khu “nhà giàu” của các thành phố lớn.
Hai bên đường vào xã Hải Minh, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, có cả những tòa trông giống như lâu đài mọc lên san sát. Nếu không phải là biệt phủ sang trọng với cánh cổng cao lớn, khoảng sân vườn rộng lớn thì cũng là những căn nhà cao tầng hay cơ sở kinh doanh đông đúc và tấp nập. Chưa có thống kê về số lượng tòa lâu đài, biệt thự của xã Hải Minh, nhưng cứ đi 2-3 bước chân là lại dễ dàng bắt gặp một “cơ ngơi” hàng chục tỷ.
Biệt thự tại xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định.
Đầu làng nổi bật với tòa lâu đài Lan Khoa Khuê của vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Khuê (SN 1958) và Nguyễn Thị Lan (SN 1961). Lâu đài này được một số người dân ví von là "bạch ngọc" - tức viên ngọc màu trắng của xã. Theo tiết lộ của chủ nhân, dinh thự được xây dựng hơn 9 năm với kinh phí hơn 50 tỷ đồng, tổng diện tích tòa lâu đài này là 470m2 nằm trên mảnh đất 3.000m2.
Lâu đài Lan Khoa Khuê.
Cách đó không xa là lâu đài của nhà bà Rung được xây dựng theo phong cách châu Âu. Phía trong, gia chủ cho thiết kế sân vườn đẹp mắt với tiểu cảnh, núi đá phong thủy. Bà Rung cho biết ngôi nhà được xây dựng từ năm 2019, hơn 2 năm mới hoàn thành. Đây là món quà mà người con trai thứ 2 tặng cho vợ chồng bà.
“Con trai tôi giấu, không cho tôi biết ý định làm nhà, khi tôi hỏi thì nó bảo "con bàn với bố rồi" để cho tôi bất ngờ. Đến khi người thân hỏi tôi vẫn bị bất ngờ vì ngôi nhà to quá. Nếu biết làm nhà to như thế tôi đã không cho làm bởi tôi để chỗ chăn nuôi lợn, gà. Lấp ao đi tôi lấy đâu ra chỗ để nuôi", bà Rung bộc bạch.
Căn biệt thự của vợ chồng bà Rung.
Làm giàu từ nghề đồ thủ công mỹ nghệ
Không phải ngẫu nhiên mà xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định lại "hội tụ" nhiều căn biệt phủ của các đại gia đến vậy. Người dân ở đây giàu lên là nhờ “buôn có phường, bán có tụ”, nơi đây là địa chỉ để người mê nội thất theo phong cách truyền thống tìm đến, từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ.
Đến làng Hải Minh, tiếng đục, tiếng chạm khắc, tiếng máy xẻ gỗ vang vọng khắp làng. Các sản phẩm nội thất ở xã Hải Minh đa dạng mẫu mã, từ hàng giả cổ, hàng sơn thếp, hàng chạm khảm trai ốc… được đánh giá là vô cùng tinh xảo, kết hợp 1 cách nhuần nhuyễn và tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, giữa cổ xưa và văn minh, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hài hòa, pha trộn tinh tế và hợp lý. Những họa tiết trạm trổ của Hải Minh không lẫn với bất kỳ làng nghề mộc nào ở Việt Nam.
Làng Hải Minh có nghề kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ.
Ông Phạm Văn Phú, Bí thư đảng ủy xã Hải Minh, Hải Hậu, cho biết: "Sản xuất đồ gỗ là nghề truyền thống của xã Hải Minh từ năm 1990. Xã có khoảng 1000 đến 1200 hộ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ trên tổng số trên 4700 hộ dân. Trong đó, không ít những cơ sở có quy mô lớn (có 70, 80 lao động hoạt động thường xuyên)”.
Ăn nên làm ra nhờ nghề buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ, các hộ khá giả ở xã Hải Minh cũng thường xuyên làm từ thiện, ủng hộ xây dựng quê hương như làm đường xá, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư cho giáo dục và y tế… Vào dịp Tết, nhiều hộ cũng ủng hộ gia đình nghèo từ 30 - 40 triệu đồng để ăn Tết. Nghề này cũng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và các nơi khác với mức thu nhập ổn định.
Nhiều cơ sở kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ tại làng Hải Minh.
Nhiều người con đất Hải Minh có bằng cử nhân loại giỏi, loại khá vẫn chọn về quê nối nghiệp gia đình, bởi ở lại thành phố khó xin việc và cũng vì nghề truyền thống của quê hương cho thu nhập cao gấp bội so với mức lương khởi điểm của nhiều vị trí công việc khác.
Là người dân trong làng, vợ chồng anh Ngát, chị Đoan cho biết anh chị vừa lập nghiệp được 5 năm nay. Trung bình mỗi ngày anh chị bán ra 2 sản phẩm đồ gỗ, doanh thu mỗi tháng khoảng vài trăm triệu đồng. Chị Ngát nói: “Tính ra mỗi tháng cũng lãi được trên dưới trăm triệu. Nói thành công thì cũng chưa dám khẳng định nhưng hiện tại đời sống gia đình cũng ổn định nhờ nghề gỗ”.