Người Thủ đô sẽ bị cấm “đu dây vượt sông”?

Ngày 14/03/2014 20:16 PM (GMT+7)

“Chính quyền có thể sử dụng đến công cụ hành chính, không cho phép người dân đu dây vượt sông. Tính mạng của con người là quan trọng nhất”.

Người Thủ đô sẽ bị cấm “đu dây vượt sông”? - 1

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Ông Phan Đăng Long Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết ý kiến trước sự việc người dân Thủ đô hàng ngày đu dây kéo thuyền vượt sông.

Vừa qua, Khampha.vn phản ánh cách qua sông của người dân làng Ngọc Liễu (Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội). Trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, “người lái” dùng một sợi dây nối hai bên bờ sông Nhuệ để kéo từ bên bờ này sang bờ bên kia.

Trước sự việc, ông Phan Đăng Long Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, cách qua sông nguy hiểm này do người dân tự tạo ra. Ông nói: “Về mặt an toàn đường thủy, Thành phố không cho phép qua sông kiểu đó”.

Theo ông Long, ở các địa phương, chính quyền thường bố trí cầu, phà ở những điểm nhất định để người dân thuận tiện qua sông đi làm. Tuy nhiên, nếu người dân nào gần nơi có cầu, phà sẽ thấy rất tiện lợi. Nhưng người dân ở khoảng cách xa hơn điểm cầu, phà sẽ thấy bất tiện.

Do vậy, người dân ở nơi “bất tiện” thường tìm cách đi tắt cho gần. Ông Long ví von “cũng giống như người dân phá rào chắn để mở lối quay đầu xe trên đường bộ hai chiều”.

Đại diện Thành ủy Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương có trách nhiệm chăm lo cho người dân thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại. Tuy nhiên, trong lúc chưa xây được cầu, chính quyền địa phương phải giải thích cho dân về sự nguy hiểm “đu dây” qua sông. Đồng thời, chấp hành đúng quy định giao thông đường thủy.

Người Thủ đô sẽ bị cấm “đu dây vượt sông”? - 2

Mỗi ngày các em học sinh ở Ngọc Liễu, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, vẫn phải oằn lưng “đu dây” qua sông Nhuệ để tới trường (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nếu người dân vẫn cố tình đi, chính quyền có thể sử dụng đến công cụ hành chính không cho phép người dân đu dây vượt sông. Điều đó nhằm bảo vệ sự an toàn cho dân và thực hiện luật pháp nghiêm minh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm giải pháp thuận tiện nhất giúp đỡ người dân đi lại.

Đại diện Thành ủy Hà Nội cũng khuyên người dân cần phải tự bảo vệ sự an nguy của mình. Ông nói: “Không nên vì thuận tiện mà tặc lưỡi làm bừa, coi thường sức khỏe, tính mạng của mình”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín - ông Nguyễn Huy Đức lý giải cách qua sông theo kiểu “đu dây” do... thuận tiện. Bởi từ bên này sang bên kia sông bàng đường cầu, phà có khi xa đến hàng chục cây số. Trong khi đó, dùng thuyền kéo dây qua sông gần hơn rất nhiều.

Ông nói: “Huyện có cảnh báo nguy hiểm nhưng bà con vẫn cố tình đi. Chúng tôi không thể ngăn cản được, vì đâu phải phải lúc nào cũng có người đứng đó giữ người ta lại”.

Lãnh đạo huyện này cho biết, Huyện có chủ trương xây cầu, nhưng do “yếu tố kinh phí” nên chưa triển khai được. Dự kiến trong năm 2014 này, sẽ triển khai xây dựng cầu qua sông. Ông cho biết, làm cầu sẽ tốn khoản kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

“Tại đây có một lượng lớn học sinh đi đò đu dây tới trường mỗi ngày. Đã nhiều lần lái đò tuột dây khiến học sinh hoảng loạn. May mắn có người cứu giúp nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra”, bà Năm - 71 tuổi, người dân xã Nghiêm Xuyên chia sẻ.

Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khổ giữa thủ đô