Tới làng Tràng Cát (Kim An, Thanh Oai, Hà Nội) những ngày này là khung cảnh người dân đang tất bật thu hoạch lá dong để chuẩn bị đưa ra thị trường.
Lá dong xuất ngoại
Làng Tràng Cát từ xưa được biết đến với truyền thống trồng lá dong phục vụ tết. Bắt đầu từ ngày 15 âm lịch cho tới cận tết, làng lá dong lớn nhất Thủ đô bắt đầu vào vụ thu hoạch chính của năm, xe cộ tấp nập tới thu mua lá dong chở đi tiêu thụ.
Lá dong ở đây không chỉ cung ứng cho Hà Nội mà còn cho các tỉnh lân cận. Khắp các con ngõ trong làng khung cảnh người dân ngồi chọn, phân loại lá diễn ra tấp nập khác hẳn với những ngày thường.
Từ rằm tháng chạp người dân bắt đầu thu hoạch lá dong cho dịp tết.
Những ngày cận tết, làng Tràng Cát lại tất bật với công việc thu hoạch lá dong để mang ra thị trường tiêu thụ.
Theo đánh giá của người dân, do năm nay thời thiết thuận lợi nên có nhiều lá dong to, ít lá bị rách hay bị trắng do sương muối.
Nếu như những năm trước đây, mỗi khi thu hoạch xong người dân phải mang ra chợ, có khi phải mang đi các tỉnh lân cận để tiêu thụ thì những năm gần đây, lá dong sau khi thu hoạch về người dân chỉ việc ngâm lá rồi xếp thành từng bó để vào chỗ mát rồi các thương lái vào tận nhà để thu mua.
Do nhu cầu dùng lá dong để gói bánh chưng ngày tết tăng cao nên giá vì thế cũng tăng lên so với những tháng thu hoạch trong năm. Nhìn chung giá lá dong năm nay không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Những tàu lá dong to, đẹp có giá 80.000 đồng đến 90.000 đồng/100 lá. Đối với các lá loại trung bình thì có giá rẻ hơn 40.000 đến 50.000/100 lá. Với mức giá này mỗi sào lá dong bà con có thể thu về 10 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.
Lá dong Tràng Cát có dáng tròn, mềm và dai nên rất được ưa chuộng. Mặt dưới của lá dong Tràng Cát có màu xanh non, nên những chiếc bánh chưng được gói sẽ có được màu xanh rất đặc trưng và mùi thơm hấp dẫn. Vì những đặc tính như thế lá dong làng Tràng Cát luôn được kiều bào ở nước ngoài chọn và đặt mua để đưa sang các nước.
Bác Nguyễn Văn Sự môt người trồng lá dong trong làng cho biết: “Năm nay lá dong được mùa mà giá cả ổn định nên người dân ai cũng phấn khởi. Những năm gần đây, người trồng lá dong cũng đỡ vất vả hơn vì không phải mang đi bán ở các tỉnh khác nữa, giờ chỉ cần thu hoạch về là có người đến tận nhà thu mua. Nhiều thương lái tìm đến tận ruộng đặt mua lá dong loại một để xuất ra nước ngoài theo đơn đặt hàng của các kiều bào ăn tết xa quê hương”.
Diện tích bị thu hẹp
Lá dong ở làng Tràng Cát được trồng ở khắp mọi nơi, người dân trong làng tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng. Cây dong là loại cây ưa bóng râm nên được trồng nhiều dưới các tán cây cổ thụ trong làng. Cây dong được trồng trên các cánh đồng cho tới các khu vườn trong nhà.
Trên các con đường ở làng Tràng Cát là khung cảnh người dân vận chuyển lá dong về nhà.
Sau khi cắt lá dong được đưa về nhà để phân loại các lá to và lá trung bình.
Do diện tích đất đang bị thu hẹp để xây dựng các công trình nhà ở nên người dân tận dụng cả đất ở khu nghĩa trang để trồng lá dong. Nhiều người dân trong làng còn thuê đất ở một số xã lân cận để trồng.
Thu nhập từ việc trồng lá dong không lớn, mỗi năm có một vụ thu hoạch chính là vào dịp cận tết nhưng cũng chỉ có 10 triệu/ sào nên nhiều người dành diện tích đất để trồng các loại cây khác.
Hiện nay gần một nửa diện tích đất để trồng được bà con chuyển sang trồng cây khác với thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lá dong. Do vậy, giờ đây, bên cạnh những vườn lá dong xanh ngát giờ đây xuất hiện nhiều vườn trồng cam canh, đào, quất và một số cây cảnh chơi tết trên diện tích lớn.
Diện tích bị thu hẹp nên người dân tận dụng đất ở nghĩa trang để trồng.
Bác Nguyễn Kim Trọng người trồng lá dong ở đây tâm sự: “Tràng Cát là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội trồng lá dong và đã có lịch sử lâu đời. Do thu nhập từ việc bán lá dong mang lại không cao nên nhiều người đã đầu tư để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn. Mặc dù khó khăn về thu nhập nhưng nhiều người trong làng vẫn cố gắng giữ một số diện tích đất để trồng lá dong vì nó là cây truyền thống của làng chúng tôi".