Trong hơn chục năm qua, xã Đại Hợp có gần 1.000 cô gái lấy chồng nước ngoài. Nhà to mọc lên, dân giàu lên nhờ "xuất khẩu cô dâu". Nhưng, không phải cô dâu nào cũng có điều kiện để mang tiền về cho cha mẹ xây nhà lầu, tậu xe xịn.
Đổi đời nhờ "xuất khẩu cô dâu"
Về xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) mà cứ ngỡ lạc vào chốn đô hội. Nhà tầng mới mọc lên san sát, loại biệt thự kiểu cách bề thế cũng có vài chục căn. Chẳng phải làng buôn bán hay làm nghề truyền thống, mà nghề chính của địa phương này là "xuất khẩu cô dâu".
Trong hơn chục năm gần đây, Đại Hợp có khoảng trên dưới 1.000 cô gái xinh đẹp lấy chồng nước ngoài.Việc lấy chồng ngoại của các cô gái ở xã Đại Hợp đến thời điểm này có thể coi là "phương thức làm kinh tế" chủ yếu ở địa phương.
Đại Hợp vốn là một xã ven biển nghèo, trai hay gái lớn lên thì cũng chỉ quanh quẩn với ruộng đồng và nghề biển. Khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, bắt đầu có những cô gái theo tàu vượt biên sang Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc...
Mới đầu, cuộc sống những cô gái vượt biên không lấy gì làm khá giả. Họ phải sống chui lủi, nhưng qua thời gian họ cũng thâm nhập được vào cuộc sống nơi xứ người, bắt đầu có của ăn của để. Họ trở về quê hương trong ánh mắt ngưỡng mộ của những người con gái làng. Cứ thế, lần lượt những cô gái muốn thay đổi cuộc sống lại rời bỏ quê hương, theo chân những người đi trước.
Khoảng giữa những năm 2000, việc lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thực sự trở thành phong trào của các gia đình có con gái ở xã Đại Hợp. Những trung tâm môi giới hôn nhân, trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc mọc lên như nấm.
Có thời điểm như năm 2005, Đại Hợp có đến 173 cô gái xuất ngoại lấy chồng, năm 2006 là 100 cô. Chẳng mấy người theo học con chữ bởi họ mải bận rộn với "công tác huấn luyện" để chuẩn bị lấy chồng ngoại. Thế mới có chuyện, ở Đại Hợp nảy sinh nghề không ở đâu có, đó là đào tạo cô dâu để "xuất khẩu". Từ dạy ngôn ngữ, dạy văn hóa đến thi tuyển đều được tiến hành bài bản, giống như một ngành kinh tế thực sự.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Út, cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp thừa nhận: "Công bằng mà nói thì việc các cháu lấy chồng nước ngoài làm thay đổi bộ mặt kinh tế ở xã chúng tôi. Nhiều nhà từ rất nghèo nay đã trở thành khá giả, việc có vài tỷ đồng gửi ngân hàng là hết sức bình thường. Đường sá, các công trình phúc lợi xây dựng cũng có một phần đóng góp của các cháu".
Những câu chuyện ngỡ ngàng tại làng "xuất khẩu cô dâu"!
Kỹ sư xây dựng hóa ra là phụ hồ
Nhưng sau đó bà Bùi Thị Út bất chợt thở dài thườn thượt: "Thực sự, không phải cái gì cũng màu hồng đâu. Cái gì cũng có giá của nó. Nhiều câu chuyện éo le, nhiều cú vấp ngã nhớ đời. Mỗi khi xảy ra chuyện, tôi thương các cháu lắm. Nhưng, các cháu đều có nguyện vọng đi lấy chồng ngoại, chúng tôi cũng đã vận động giảng giải nhiều mà không được, nên đành chấp nhận".
Phận đàn bà con gái, ai chẳng muốn có tấm chồng tử tế. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận lấy chồng nước ngoài, nghĩa là cô dâu hầu như không biết gì về chồng sắp cưới, hoặc có biết cũng chỉ là đôi chút thông tin qua người môi giới. Vì thế, chuyện lấy phải chồng hơn cả vài chục tuổi, thậm chí là chồng mắc bệnh down, chồng bại liệt, chồng vô công rồi nghề, nát rượu... cũng không hiếm gặp ở Đại Hợp.
Bà Út kể: "Con bé Đoàn Thị Giang ở thôn Đông Tác kết hôn với anh chồng người Đài Loan năm 2009. Nó chỉ nghe người môi giới nói là anh chồng làm kỹ sư xây dựng. Nó tưởng là ngon lành. Ai dè, sang bên ấy, hóa ra anh chồng là công nhân phụ hồ. Gia đình nhà chồng lại nghèo túng, vất vả. Thế nên nó chán. Ở được một năm thì nó bỏ ra ngoài, vì không chịu nổi. Sau đấy, nó lại cặp với một người đàn ông ngoại quốc khác, lại lấy ông ta. Cuộc sống của nó thế là trôi nổi lắm".
Chồng già, chồng nghèo đã là "tai nạn" rất đáng buồn khi đi "xuất khẩu cô dâu", song chuyện buộc phải nên duyên với anh chồng bệnh tật mới là nỗi cay đắng cùng cực của các cô gái tha hương. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Minh quyết định lấy một anh chồng Hàn Quốc thông qua môi giới chỉ sau 1 lần gặp từng là bài học cay đắng đối với nhiều cô gái muốn lấy chồng nước ngoài.
Cứ ngây ngây ngô ngô, ai hỏi gì cũng không thấy phản ứng, đến trao nhẫn cưới cho vợ cũng phải nhờ người môi giới. Nhiều người đặt nghi ngờ, nhưng người môi giới trước sau khẳng định do bất đồng ngôn ngữ nên mới vậy. Không ngờ khi sang nước bạn, chị Minh mới biết chồng mình bị down. Quá buồn não, chị Minh thậm chí đã nghĩ đến chuyện quyên sinh.
Song, trong cái rủi có cái may, gia đình nhà chồng thấu hiểu nỗi đau của cô dâu Việt Nam nên đã đồng ý cho chị ly hôn. Sau khi chia tay người chồng bệnh tật, chị Minh không trở về Việt Nam mà ở lại Hàn Quốc. Sau đó không lâu, chị lại kết hôn với một người đàn ông khác.
Gặp mặt những Việt kiều nhỏ
Hiện tại, phong trào lấy chồng nước ngoài tại huyện Kiến Thụy không chỉ diễn ra ở xã Đại Hợp. Chứng kiến sự phất lên của những gia đình có con dâu lấy chồng Tây, nhiều cô gái ở các xã Đông Phương, Đại Đồng... cũng ngấp nghé đi "xuất khẩu". Một khi cuộc sống yên ổn thì không sao, nếu có chuyện, cũng không mấy người trở về. Họ tiếp tục lang bạt xứ người, tiếp tục kiếm tìm mối nhân duyên khác như trường hợp của chị Minh, chị Giang ở trên.
Trở về Việt Nam hầu hết lại là các cháu nhỏ.Những công dân ngoại quốc chính hiệu. Có thể do cha mẹ bận làm ăn, không nuôi được con nhỏ, các cô gái ở Đại Hợp bồng bế con về cho ông bà nuôi giúp. Có thể hôn nhân đổ vỡ, lại không muốn ở Việt Nam, các cô gái để cho ông bà ngoại và sấp ngửa ra nước ngoài săn tìm hạnh phúc.
Những cô bé, cậu bé mang trong người hai dòng máu ngơ ngác lớn lên ở vùng quê xứ biển. Trong visa, các cháu mang những cái tên nước ngoài, nhưng, về quê ngoại, những Việt kiều nhỏ này đều trở thành "thằng Bin", "thằng Kiệt", "cái Trúc", "cái Mai"... Cứ nửa năm, ông bà ngoại già nua lại tất tả mang visa lên thành phố để xin gia hạn thị thực cho các cháu.
Hầu hết các cháu ở với ông bà ngoại đến lúc 6 tuổi, song, cũng có những cháu bé cậy nhờ sự đùm bọc của ông bà theo dạng "vô thời hạn". Cháu Dương Gia Kiệt là một ví dụ điển hình. Cậu bé mang quốc tịch Đài Loan, nhưng đã ở Việt Nam từ bé. Cậu bé ở với ông bà ngoại để chờ... bố chết.
Chuyện tưởng như đùa, song lại là sự thật. Số là, chị Phạm Thị Oanh, sinh năm 1982, mẹ của bé Kiệt lấy chồng Đài Loan kém bố đẻ chị này một tuổi. Chồng chị già yếu, giờ chỉ nhúc nhắc đi lại trong nhà.Chị Oanh lo lắng một khi chồng qua đời, chị sẽ sống thế nào ở xứ người?
Vì thế, chị gom góp tài sản, mua một mảnh đất ở Đại Hợp, xây nhà cửa đàng hoàng và đưa con trai về cho ông bà ngoại nuôi. Khi người chồng qua đời, chị sẽ về Việt Nam để làm một bà Việt kiều giàu có, đủ đầy.
Tính toán của chị Oanh là một bước đi chắc chắn chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Chị có điều kiện để làm thế. Nhưng, cũng có nhiều cô dâu từ Đại Hợp trôi dạt ở nước ngoài không có may mắn như vậy. Họ như cánh bèo trôi dạt, một khi đã lạc ra biển sẽ rất khó để có thể tự quyết định số phận của mình.Chỉ mong, các cô dâu Việt ấy sẽ tìm được bến đậu yên vui, làm ấm lòng những người cha, người mẹ già cả hàng ngày vẫn đau đáu tin con.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)