Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm

Ngày 14/05/2020 00:08 AM (GMT+7)

Nhằm bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp, nhóm các bạn trẻ… đã nghĩ ra ý tưởng tái chế rác thải, túi nylon thành những sản phẩm ý nghĩa.

“Chế biến” sợi cà phê thành… khẩu trang, xuất khẩu đi nhiều nước

Cuối năm 2019, khi bụi mụn và các chỉ số Air Visual cao, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có ý thức đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe. Từ đó, ông Lê Thanh – Giám đốc Công ty Cổ phần Veritas Shoes Việt Nam nhận thấy cần phải có những khẩu trang thân thiện với môi trường nhưng băn khoăn vấn đề phải xử lý… rác khẩu trang. “Với công nghệ dệt từ sợi cà phê có từ việc làm giày cà phê, tôi nảy ý tưởng làm khẩu trang cà phê”, ông Thanh cho hay.

Tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng nổ, ông Thanh cùng đồng sự liền dồn sức làm khẩu trang cà phê. Và sau nhiều tháng miệt mài, đầu tháng 4/2020, những chiếc khẩu trang đầu tiên mang thương hiệu "AirX" đã xuất xưởng.

Mặt hàng này đã được các khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Chỉ trong chưa đầy một tháng qua, nhiều lô khẩu trang cà phê đã được xuất sang châu Âu, Nhật, Mỹ.

Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 2

Khẩu trang làm từ... cà phê, xuất khẩu đi nhiều nước.

Khẩu trang làm từ cà phê sử dụng công nghệ kháng khuẩn, có hai lớp: lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, có thể giặt mỗi ngày; bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp "nano bạc" và "cà phê". Hai lớp này có thể gỡ ra và luồn vào dễ dàng. Màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày không cần giặt.

Khẩu trang cà phê được bảo quản trong bao bì ba lớp chuyên dụng, có chức năng khử trùng. Điểm khác biệt của chiếc khẩu trang này chính là mùi hương cà phê tự nhiên, khiến trách nhiệm "đeo khẩu trang" không còn là điều gì đó quá ngột ngạt mà thư giãn hơn, thoải mái hơn nhiều. Đặc biệt, nó đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, TP.HCM cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kháng khuẩn.

Dự án “Thu gom vỏ mì tôm gói” bảo vệ môi trường xuyên COVID-19

Dự án “Thu gom vỏ mì tôm gói” bắt đầu hoạt động từ những ngày đầu tháng 4/2020 khi cả nước tiến hành giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây nhiễm COVID-19. Theo đó, nhận thấy tâm lý tích trữ lương thực, mì tôm, gạo, đồ hộp… sẽ thải ra môi trường các thứ vỏ bao mì, bì gạo, lon nước ngọt, giấy báo các loại, nhóm “Dũng sĩ tái chê” đã nảy sinh ý tưởng thu gom và tái chế.

Chị Cao Thị Sao Mai, sáng lập viên dự án cho biết, ban đầu nhóm thu gom vỏ mì tôm và gửi đến 23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế để các em nhỏ khiếm thính làm thủ công các sản phẩm túi xách, rổ, rá… Số tiền thu được từ những sản phẩm này sẽ đóng góp phần hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh.

Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 3

Những sản phẩm làm từ vỏ mì tôm gói của nhóm bạn trẻ.

“Do một số nguyên nhân nên nhóm sẽ không chuyển vỏ mì tôm vào trong Huế nữa mà sẽ tái chế ngay tại Hà Nội. Hiện nhóm có 20 thành viên ở Hà Nội cùng nhiều cộng tác viên, tình nguyện viên khắp các tỉnh, thành đang tiếp tục thu gom vỏ mì tôm và tập trung nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm từ phế liệu này”, Sao Mai nói.

Sau hơn 1 tháng phát động, đến nay, nhóm đã tái chế thành công nhiều mặt hàng “handmade” khác nhau như túi, gối, ví, khăn, thậm chí cả quần áo từ vải cũ, các chai lọ có thể biến hóa thành bình hoa, hộp đựng bút, vỏ mì tôm gói có thể làm làn đi chợ…. Các sản phẩm được bán gây quỹ bảo vệ môi trường. Quỹ này dùng để trồng cây, duy trì hoạt động tái chế, tổ chức các buổi tọa đàm, sự kiện về môi trường và truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng.

Trước đó, nhằm góp phần đẩy lùi COVID-19, các bạn trẻ của dự án cũng đã lên chương trình thu gom chai lọ đã qua sử dụng để đựng nước rửa tay sát khuẩn tặng khu vực biên phòng và các trường học khó khăn ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đồng loạt sử dụng lá chuối gói rau củ quả

Đầu năm 2019, lần đầu tiên hàng loạt hệ thống siêu thị từ Bắc vào Nam tại Việt Nam đã sử dụng lá chuối thay cho túi nylon để gói đựng rau củ quả. Phương pháp này bắt nguồn từ một siêu thị tại Thái Lan, nhằm giảm số rác thải nhựa không tốt cho môi trường, bằng cách gói rau củ bằng lá chuối. Ý tưởng nhanh chóng được cộng đồng người tiêu dùng ủng hộ.

Theo tìm hiểu, các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh như: Saigon Co.op, Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food,… là những nơi tiên phong sử dụng phương pháp này ở Việt Nam. Sau đó, đã tạo thành một làn sóng lan truyền ra khắp các hệ thống siêu thị trên cả nước.

Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội cũng hưởng ứng và áp dụng bắt đầu từ ngày 1/4/2019. Cụ thể, siêu thị gói rau bằng lá chuối đối với các sản phẩm: măng tây xanh, rau mùi, cần tây, rau húng, rau diếp cá…

Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 4

Măng tây, rau diếp cá,... được gói bằng lá chuối.

Tại các siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam, từ ngày 3/4/2019, sản phẩm rau dớn rừng của dự án Sinh kế cộng đồng hỗ trợ nông dân huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi (sản phẩm rau rừng tự nhiên) cũng được bọc lá chuối thay cho túi nylon.

Việc các siêu thị đồng loạt áp dụng bao bọc bằng lá chuối đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người tiêu dùng. Mọi người đều tỏ ra vô cùng thích thú và ủng hộ phương pháp bọc thực phẩm mới theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường.

Không chỉ áp dụng lá chuối trong bọc gói thực phẩm, một số siêu thị còn hướng tới phát triển thêm nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường như: dùng hộp làm từ bã mía, túi ngô đựng thực phẩm,…

Người thầy đan 44 túi xách từ 20.000 vỏ bao mì tôm

Năm 2018, bộ sưu tập túi xách làm từ vỏ gói mì tôm của thầy giáo Lê Quốc Toàn giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung “Bộ sưu tập túi xách từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất tại Việt Nam”.

Thầy Toàn cho biết, suốt 4 năm qua (từ năm 2014-2018), thầy đã thu gom gần 20.000 vỏ bao mì gói để tạo nên 44 chiếc túi xách nhỏ xinh đầy ý nghĩa. Chia sẻ về lý do thực hiện bộ sưu tập, thầy Toàn nói: “Trước tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, lượng rác thải ngày càng tăng, trong đó số rác thải từ bao mì gói chiếm số lượng khá lớn và là loại rác thải khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, tôi đã nảy sinh ý tưởng tái sử dụng loại rác thải này”.

Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 5

Thầy giáo Lê Quốc Toàn.

Loại rác từ vỏ bao mì tôm không được thu mua như những loại ve chai khác mà chỉ thường được thu gom rồi tập kết ra bãi rác. Thấy vậy, thầy Toàn ấp ủ ý tưởng phải dùng những bao mì gói đó để làm nên cái gì đó. Lúc đầu thầy Toàn nghĩ tới việc dùng chúng để làm nên những sản phẩm tái chế như đèn ngủ, nón, hộp quà... bởi nó có độ bóng và màu sắc đa dạng. Cuối cùng, thầy quyết định làm túi xách.

Để thực hiện một chiếc túi xách tái chế, thầy Toàn phải chọn loại bao bì dạng nylon phù hợp với ý tưởng, tiếp theo là cắt, xé sợi, cuộn lại rồi đan theo kích thước đã chọn - đây là giai đoạn khó nhất và cũng mất nhiều thời gian nhất. Sau khi đan xong, công đoạn tiếp theo là may phần ruột túi bằng vải, rồi đem ghép vào phần đan nói trên và cuối cùng là trang trí thêm các nguyên vật liệu khác để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 6
Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 7
Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 8
Sáng tạo giảm nhựa “hot” MXH: Dùng cà phê làm khẩu trang; đan túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm - 9

Bộ sưu tập túi xách làm từ vỏ bao mì tôm của thầy giáo ở Sóc Trăng.

Thầy Toàn cho hay, mỗi chiếc túi nhỏ cần khoảng 250 vỏ gói mì, còn các túi lớn hơn thì phải cần ít nhất 380 - 400 cái. Riêng chiếc túi đầu tiên được thầy Toàn đan trong 2 tuần với tổng cộng hơn 500 vỏ bao mì tôm. Đến nay, tất cả 44 sản phẩm trong bộ sưu tập vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị xuống màu.

Về nguồn cung cấp gần 20.000 vỏ bao gói mì gói, thầy Toàn chia sẻ: “Ban đầu mình phải tự đi nhặt từng vỏ bao để đan túi, nhiều người thấy vậy còn bảo mình bị khùng. Sau đó cần số lượng lớn thì mình đặt mua thêm từ căng-tin nhà trường, mỗi lần khoảng nửa kg đan được 3 túi”.

Bộ sưu tập của thầy Toàn có 44 sản phẩm với mẫu mã rất đa dạng và đủ kích thước, như 30cm x 18cm x 13cm, 30cm x 20cm x 15cm, 20cm x 18cm x 14cm,... Các sản phẩm làm ra được thầy Toàn lưu làm kỷ niệm, và dùng để giáo dục các em học sinh bảo vệ môi trường bằng cách lồng ghép vô một số tác phẩm về môi trường.

Sáng tạo giảm nhựa đỉnh nhất: Cả ngôi làng dùng chai nhựa thay bê tông cốt thép khi xây nhà
Rác thải nhựa đang là một trong những vấn nạn đau đầu nhất thế giới, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của nhân loại. Đứng trước tình hình đó,...
Khai Tâm (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa