Nhờ mô hình trồng măng tre cho thu hoạch suốt 4 mùa, nhiều hộ dân giàu lên nhanh chóng, thu hoạch hàng trăm triệu mỗi tháng, còn tạo công ăn việc làm cho bà con khó khăn.
Cây tre là người bạn thân thiết trong đời sống của người Việt Nam. Tre có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Từ những bụi tre ven các làng xóm, ven đồng, ven biển đến những rừng tre bạt ngàn miền sơn cước. Cây tre sinh trưởng rất nhanh, tươi tốt dù thời tiết có khắc nghiệt tới đâu. Hiện nay, cây tre không chỉ trồng làm cảnh mà còn được người dân phát triển thành mô hình kinh tế. Theo đó, mô hình trồng tre lấy măng được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành nhằm đầu tư chế biến các sản phẩm từ măng cung cấp ra thị trường.
Ngoài việc được chế biến thành nhiều món ăn ngon, măng tre còn có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch… Thông thường, cây tre cho thu hoạch quanh năm, một gốc tre trưởng thành thu được từ 30-40kg măng/năm. Vào mùa nắng, nguồn măng chưa dồi dào nên giá bán ra thị trường 25.000 đồng/kg. Do đó, trồng tre bốn mùa có thể đạt doanh thu vài trăm triệu đồng/ha trong một năm.
Qua quốc lộ 28 đoạn bon Bu Nơr (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là đoạn đường dài phủ kín những rặng tre thuộc sở hữu vợ chồng ông Lê Minh Hoàng (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sang (71 tuổi). Ông bà đã trồng tre hơn 7 năm trước, trở thành vườn tre "độc nhất vô nhị" tại Đắk Nông.
Lão nông ở Đắk Nông thu tiền tỷ/năm nhờ trồng cây tre 4 mùa bán măng
Đầu năm 2017, có trong tay 50 gốc măng giống, gia đình bà Sang đã trồng thử nghiệm ngay. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đến cuối năm chỉ còn 30 cây sống sót. May mắn, 8 tháng sau thì cho măng thu hoạch.
Ngay sau đó, gia đình ông Hoàng học cách nhân giống và đến nay, trang trại đã có hàng ngàn gốc măng tre bốn mùa, trong đó măng cho thu hoạch đã có tuổi đời 6 năm. "Trung bình, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 3 tấn măng tươi với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg", ông Hoàng nói. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng, nếu thu hoạch đủ cả 30 ngày, sau khi trừ các chi phí đầu tư, sản xuất và thuê nhân công sơ chế, đóng gói, vợ chồng ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cũng kiếm được hàng trăm triệu đồng từ việc trồng tre lấy măng chính là ông Nguyễn Văn Cua (62 tuổi, ngụ P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Ông Cua kể, trước đây ông trồng đủ loại cây ăn trái nhưng không cây nào hiệu quả. Sau đó, ông chuyển sang trồng dừa ta nhưng thu nhập cũng không cao. Năm 2012, được người cháu cho 80 gốc tre tứ quý măng, ông đem trồng thử nghiệm.
Ông Cua cho biết tre cho măng quanh năm, ít tốn công chăm sóc
Sau thời gian trồng, thấy tre cho măng quanh năm, ít tốn công chăm sóc, thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng dừa nên ông mạnh dạn đốn bỏ vườn dừa, chuyển sang nhân giống trồng tre tứ quý. Đến nay, ông đã trồng phủ kín vườn nhà với hơn 500 gốc tre tứ quý.
Theo ông, trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần cách 2 tháng bón phân 1 lần, mùa nắng cách ngày tưới nước 1 lần vào buổi chiều. Mỗi bụi tre nên trồng cách nhau khoảng 2.5m. Sau khi trồng khoảng 8 tháng có thể thu hoạch măng. Mỗi bụi tre cho 10 mục măng/tháng, mỗi mục đạt trọng lượng từ 1,5 kg trở lên.
Mỗi ngày, ông Cua thu hoạch từ 40 - 50 kg măng, giá bán dao động từ 15.000 - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhờ đó, ông có thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, mỗi năm ông còn xuất bán từ 8.000 - 10.000 cây giống tre tứ quý với giá 25.000/gốc, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Việc trồng tre lấy măng không chỉ đơn thuần kiếm thêm thu nhập mà nhiều người còn nhân rộng mô hình trở thành hợp tác xã. Chị Dương Thị Luyện ở Bắc Giang đã bén duyên với tre lục trúc vào năm 1995, từ một dự án trồng thử nghiệm. Dù lúc đầu khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng cây tre lục trúc mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị quyết định đầu tư trồng hơn 200 gốc.
Lúc đầu, chị không nghĩ mình sẽ gắn bó với loại cây trồng này nên cũng không quan tâm, chăm sóc cây tre lục trúc mà tập trung phát triển chăn nuôi. Sau biến cố thua lỗ gần 4 tỷ đồng bởi nghề chăn nuôi vì dịch bệnh, chị nhận thấy thị trường tiềm năng của măng lục trúc nên bắt đầu mở rộng diện tích. Cũng từ đây những vườn tre ngày càng mở rộng và thu nhập của gia đình chị ngày một tăng lên.
Theo chị Luyện, trồng tre vào mùa mưa là tốt nhất, sau 8 tháng là được thu hoạch măng. Trung bình mỗi gốc tre lục trúc cho từ 10 - 15kg măng. Mùa thu hoạch măng tre lục trúc kéo dài hơn 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch).
Điều đặc biệt là loại măng tre lục trúc này phải đào lấy trong lòng đất và phải có kinh nghiệm thì khi lấy măng mới đúng kỹ thuật, không lấy măng non quá hoặc măng già quá. Sau khi thu hoạch măng tre cần chặt hết những cây tre già, chỉ để lại những cây tre bánh tẻ để chăm sóc cho ra măng vụ sau.
Sau nhiều năm gắn bó, chị luyện muốn phát triển kinh tế hơn nữa nên đã mạnh dạn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, chị đứng ra vận động thành lập HTX măng lục trúc. Theo số liệu kinh doanh mỗi năm, HTX của chị tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý riêng năm 2022, HTX thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng, xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận "khủng".